Tiếng chuông của Lana - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Ngọc Thiện Nhân

25/10/2024 16:00 GMT+7

Minh chẳng biết mình đã rong ruổi trên chiếc xe máy được bao lâu, cũng chẳng nhớ mình đã lướt qua những con đường nào. Anh mơ hồ dừng lại, thấy mình đã ở dưới chân ngọn đồi thường tới khi cảm thấy ngổn ngang trong lòng.

Bước chân Minh lặng lẽ đi qua những thân cây quen thuộc trong khu rừng thông. Rừng tĩnh lặng, lòng anh thì không. Con chó già Lana của nhà anh nuôi từ nhỏ biến mất không vết tích đã gần một tuần nay. Lạc mất chó mèo, một chuyện thường ngày ở huyện, chẳng có gì lạ. Đối với nhiều người thì chuyện cũng chẳng có gì mà phải quá đau buồn, vì suy cho cùng chúng cũng chẳng phải con người. Minh cũng nghĩ thế. Nhưng đó không phải là điều khiến tinh thần của anh lại trên đà sụp đổ sau một năm cố gắng giữ ổn định và lạc quan. Minh nghĩ mình không phải là người tốt.

Lana đã quá già để bị trộm chó đưa lên bàn nhậu. Đó là điều tích cực duy nhất anh có thể nghĩ tới. Còn lại, mọi viễn cảnh tồi tệ và tội nghiệp nhất mà Lana có thể mắc phải cứ ám ảnh lấy trí óc của Minh, khiến suy nghĩ của anh về bản thân ngày một tồi tệ thêm. Liệu nó có bị xe tông? Liệu nó có bị xua đuổi, đánh đập? Liệu nó đã chết ở xó xỉnh nào đó trong cô đơn?

Lana không còn nhanh nhẹn, đi đứng chẳng còn vững, thậm chí còn chẳng sủa mà chỉ phát ra những tiếng rên rỉ hằng đêm. Những tiếng rên rỉ kỳ lạ của nó khiến anh không khỏi tưởng tượng tới những lời giãi bày cho bóng tối về những bứt rứt bị kìm nén từ lâu của một cuộc đời không màu sắc và gắn liền với xiềng xích quanh cổ. Nhưng có tháo xích để được hòa vào cuộc đời cũng chẳng dễ chịu gì. Minh biết chứ. Anh chuyển về nhà cũng vì thế mà. Anh mà không làm vậy thì có lẽ đã làm chuyện dại dột và ra đi trong cô độc từ một năm trước.

Khi về tới nhà, Minh thấy cả Lana và Kala - cô chó chị em của Lana với vẻ ngoài hơi giống chihuahua - đều có dáng vẻ phờ phạc, đôi phần ghẻ lở và bị xích 24/7.

"Ba mẹ chăm chó kiểu gì vậy?", Minh đã trách hai người. Không ai nói lời nào.

Tiếng chuông của Lana - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Ngọc Thiện Nhân- Ảnh 1.

ẢNH: PHẠM BÁ DUY

Cả Lana và Kala đều là do ba của Minh quyết định giữ nuôi từ mười lăm năm trước. Khi ấy ba còn nhiều thú vui. Chó mèo, chim chóc, cây cảnh, cá cảnh, đủ cả. Ấy vậy mà vài năm qua, việc chăm sóc cho những sinh vật đó chỉ còn là công việc thường nhật, như việc học sinh là phải đi học hay người lớn phải đi làm, dù có thích hay không đi chăng nữa. Lâu dần, chỉ còn lại hai cô chó già nua và một chú chim luôn bị nhốt trong lồng. Tuổi tác và công việc có lẽ đã khiến ba dần mất hết hứng thú với cuộc sống. Việc cho chó ăn thành ra gần như là của mẹ Minh, và của Minh sau khi anh về nhà, đều đặn hai lần mỗi ngày sau bữa trưa và bữa tối. Nhưng mỗi lần cho ăn, mẹ đều phải đeo găng tay và khẩu trang kỹ như chuyên gia chuẩn bị vào phòng nghiên cứu bệnh dịch. Mẹ vốn không phải là người ưa chó mèo, nhưng đó không phải lý do của hành động có phần giống như kỳ thị động vật này. Nhiều năm về trước, bác sĩ phát hiện có sán chó trong máu của mẹ. Từ đó bà tuyệt nhiên tránh xa hai con thú cưng của gia đình, chỉ cho ăn và dọn phân như một nghĩa vụ, không khác mấy việc phải quét nhà hay rửa bát mỗi ngày của một cá nhân ngăn nắp. Ba hay mắc công việc, trưa có khi không về, tối có khi lại về quá trễ. Nhưng ba vẫn cho chó ăn khi có thể, và dù không quá thường xuyên, vẫn là người đảm nhận nhiệm vụ tắm cho Lana và Kala. Còn nhiệm vụ của Minh là thả cho hai đứa được đi lại vòng quanh trong xóm vào những ngày nắng ráo, mặc cho nhiều lần ba phản đối vì ngại người ta nhìn thấy thân hình ghẻ lở của chúng. Minh mặc kệ. Anh không thích cái ý nghĩ hai đôi mắt già nua kia chỉ có thể nhìn ra đường và ước được một lần chạy nhảy trước khi khép lại vĩnh viễn.

Kala qua đời cách đây không lâu, có lẽ chỉ tính bằng ngày trước khi Lana bỏ đi. Nó hoàn toàn không có dấu hiệu bệnh tật nào khác ngoài những vết ghẻ đã đỡ hết mức có thể sau những nỗ lực của ba. Trước kia nó rất dữ tợn dù thân hình nhỏ bé, là lý do khiến ba mẹ quyết định xích cả hai đứa lại vì đã quá tốn tiền đền những mũi ngừa dại cho các nạn nhân đi ngang nhà. Ngay cả Minh trước kia cũng phải dè chừng tiếng gầm gừ của cô chó nhỏ, Kala chỉ thực sự dịu lại khi đã quá già và khi anh thường xuyên thả xích để nó được đi chơi. Nó hớn hở mong chờ giờ cơm tối hôm trước, nhưng đột nhiên lại chẳng còn thức dậy vào giờ cơm trưa hôm sau. Trông Kala khi đó yên bình như đang ngủ.

Vào chiều ngày nó mất, ba đã tự tay gói nó lại trong một bao tải và đặt vào một hộp carton, sau đó ông tự vác cuốc và chôn Kala trên một ngọn đồi gần nhà. Thật lòng, Minh không quá đau buồn về sự ra đi của Kala. Ít ra nó đã có một cuộc đời không biến cố và được chôn cất tử tế. Ít ra anh đã cho nó được tung tăng ngắm trời ngắm đất trong những ngày cuối đời. Dẫu vậy, Minh vẫn đặt tay lên xác Kala lần cuối và có một bản điếu văn đặc biệt không thành lời dành cho nó trước khi ba đem nó đi, mong nó sẽ có một cuộc đời tươi mới và sung túc hơn trong kiếp sau.

Nhưng còn Lana? Minh cảm thấy có một con dao đang đâm chém loạn xạ trong bụng mình.

Lana còn già hơn cả Kala. Mẹ của Lana cũng được ba của Minh đem về nuôi khi anh còn rất nhỏ, và nó cũng đã đi mất dạng trong một chiều nọ khi anh còn học tiểu học, để lại Lana và chú chó đực là em trai cùng lứa của nó - cũng chết yểu vì bệnh Care nhiều tháng sau. Minh vẫn còn nhớ chiều hôm đó anh vừa đi vừa khóc tìm lại mẹ của Lana với một cảm nhận rõ ràng nó đã từ giã cõi đời. Và giờ cũng vậy. Anh biết chắc Lana đã đi rồi.

Nó đi lạc vì anh đã thả xích. Nó mất tích vì anh muốn nó được tự do trong phút chốc. Và nó chết một mình chỉ vì anh muốn là một người tốt.

Bất giác, có một tiếng chuông khẽ khàng cất lên đâu đó giữa cánh rừng thông bạt ngàn kéo Minh về mặt đất. Anh không sao xác định được nó đến từ đâu, nhưng anh cũng chẳng quá quan tâm. Bước chân Minh cứ lững thững đi qua những quả thông khô dưới đất đang chờ ngày đâm chồi.

Minh ngạc nhiên nhìn cái xe đạp thể thao được dựng vào một thân cây trước mặt. Anh đã nghĩ chỉ có mấy đứa dở người như anh mới vào khu vực này. Không lâu sau đó, Minh thấy một bóng người đang đứng trên đỉnh đồi nơi anh xem là chốn riêng tư của mình, với tiếng chuông lạ mà anh đã nghe thấy ban nãy.

Nhìn kiểu gì cũng thấy cậu bé chỉ mới học cấp hai, giải thích cho cái ba lô sau lưng và cái xe đạp cũng toát lên phong cách của một đứa trẻ đang lớn ưa thích khám phá dưới kia. Thế nhưng cái vẻ trống rỗng không đúng tuổi toát ra từ gương mặt và ánh mắt kia lại thật trái với sự hăm hở của tinh thần khám phá phiêu lưu.

Cậu bé bất giác trở nên lo lắng khi thấy Minh. Một phản ứng bình thường và đầy hợp lý khi một đứa trẻ thấy một gã lạ mặt giữa một chốn đồng không mông quạnh. Sự thiếu tự nhiên khi cậu bé cố tình giả lơ và đi xuống khỏi đồi làm Minh phải tự mình thanh minh điều gì đó.

"Anh làm gì mày đâu mà chạy?", Minh phì cười, thong dong bước ngang qua cậu bé và ngồi phịch xuống.

Ánh mắt cậu bé bối rối nhìn bóng lưng người đàn ông lạ mặt, càng bối rối hơn khi nhìn xuống nơi anh ngồi. Tiếng cái chuông nhỏ reo lên sau lưng Minh.

"Ơ... Chú ơi...?", cậu bé ngập ngừng.

"Gọi anh thôi. Đang còn hai mấy mà gọi vậy tổn thọ nha chú bé", Minh bông đùa.

"Dạ, anh ơi... Anh đừng ngồi lên mộ con chó của em".

Minh đực mặt nhìn cậu bé và nhanh chóng nhảy khỏi chỗ đang ngồi. Phần đất đúng là có vẻ mới được đào lên và đắp lại không lâu.

"Chết. Xin lỗi anh không biết".

"Dạ không sao", giọng cậu bé đều đều, tay xoa xoa lên mặt đất như thể còn đang vuốt ve an ủi chú chó.

"Nó mất lâu chưa em?"

"Dạ mới hôm trước thôi".

Nghe vậy, Minh đánh điếu thuốc lấy trong bao ra, cắm vào một que xiên ai vứt lại rồi cắm xuống đất trước mộ chú chó, lạy ba cái trong sự ngỡ ngàng của cậu bé.

"Chó hay người cũng vậy thôi", anh cười với cậu bé.

Sau cuộc viếng mộ bất đắc dĩ, bầu không khí trầm lắng lại. Sự gượng gạo giữa hai người lạ mặt dâng cao khiến Minh phải phá vỡ bằng vài câu hỏi ngoài lề.

"Nhà em gần đây hả?"

"Dạ không. Nhà em... ở gần ngã năm Đại học".

"Ngã năm mà đạp xe ra tới đây? Có đi với bạn bè, ba mẹ gì không vậy?", tỷ lệ nghịch giữa độ tuổi của cậu bé mà Minh áng chừng và quãng đường từ ngã năm đến ngọn đồi này khiến Minh bất ngờ và có chút ấn tượng.

"Dạ không. Em đi một mình thôi", cậu bé do dự trả lời.

"Bữa sau có đi thì kéo thêm bạn thêm bè mà đi, chứ đi đã xa rồi lỡ lạc đường trong rừng thì sao?".

"Nhưng em... không có bạn".

Minh im lặng.

"Ừ, anh cũng vậy", anh trả lời. Cậu bé lại nhìn anh ngỡ ngàng. "Vậy ba mẹ hay có ai biết là em tới đây một mình không đó?".

"Dạ không. Ba mẹ em đi công tác hết rồi".

"Rồi cái ba lô tức là vừa đi học thêm ra hả?".

"Dạ... Nay em... cúp".

Minh phì cười trước câu trả lời "ấn tượng". "Rồi lỡ cô giáo gọi điện méc mẹ thì sao?".

Cậu bé cười cười. "Nhưng em mệt lắm rồi. Có mỗi ngày chủ nhật được nghỉ cũng bị bắt đi học hai môn. Học thì không giỏi hơn, nhưng không đi thì cô đì. Em không muốn đi học nữa".

Minh đoán hình như trong ba lô có cả quần áo vì nó to hơn cặp sách bình thường.

"Vậy nói với ba mẹ đi. Học nhiều quá cũng không tốt đâu".

"Em có nói rồi. Nhưng ba chỉ phủi đi, còn mẹ la em, kêu là em lười, không chịu cố gắng. Hồi em lớp sáu, mẹ xé tờ giấy khen học sinh tiên tiến của em. Em cố hoài mà không lên được học sinh giỏi nên nhiều khi mẹ còn bảo bất tài như em sau này chỉ có nước đi bán vé số".

Minh nghiến răng.

"Có giấy khen luôn? Giỏi vậy. Tiên tiến thì có gì đâu mà bất tài?".

Cậu bé tròn mắt nhìn Minh.

"Đừng màng thành tích em ơi. Khi em lớn thì chẳng còn ai quan tâm em đã từng là học sinh gì đâu. Với lại đâu phải ai cũng dễ dàng được học sinh khá. Mà tên em trên tờ giấy khen là gì ta?".

"Dạ... Thắng".

"Biết Thắng nghĩa là sao không? Tức là cố gắng hết mình, không bỏ cuộc, không ăn gian, miễn là về đích thì thành quả ra sao thì vẫn đáng trân trọng. Và người trân trọng nó là mình, người khác có trân trọng nó thì vui, không cũng không quan trọng. Đừng tự ti, nha!".

Tự dưng cậu bé cúi đầu, nước mắt lã chã. Thắng lí nhí không thành lời gì đó với Minh, anh chỉ xoa đầu an ủi cậu bé.

"Rồi cái chuông đó là sao?", Minh hỏi Thắng để đánh qua chủ đề khác.

"Của con chó đó đó anh. Em mới mua được cho nó vài bữa thì nó chết, chắc nó già".

Minh khựng đứng.

"Em... nuôi nó lâu chưa?", anh run run hỏi Thắng.

"Dạ mới tầm một tuần thôi. Con chó già lắm rồi, còn bệnh gì về da nữa. Nó xin ăn ở gần Ngã năm, em thấy tội nên lén ba mẹ nuôi. Nó hiền, dễ thương lắm. Mấy bữa nay ba mẹ đi công tác nên em định đem nó về, nhưng ai ngờ...".

"Nó... chân ngắn, tai cụp, lông trắng với nâu, đúng không?".

"Dạ đúng rồi. Sao anh biết?".

Minh nghẹn ngào chống tay lên gối. Lana đây rồi. Lana tìm được anh rồi. "Lana là... của anh. Anh không nghĩ là nó đã tìm tới em. Cảm ơn em, cảm ơn em nhiều lắm".

"Vậy...?", Thắng gỡ cái chuông ra "... Cái chuông này của nó, anh giữ đi. Lana ra đi bình yên lắm. Anh đừng buồn nhiều".

Trong tiếng chuông trong trẻo của Lana, Minh chợt nhận ra, có khi chẳng lòng tốt nào là thừa thãi, nó chỉ được chuyền từ người này sang người khác bằng những phương thức đặc biệt không ai hiểu nổi, rồi đến với người đang cần nhất, trong muôn màu muôn vẻ, như một thứ trang sức đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất. Cứ cho đi mọi lúc, nó sẽ lại về khi ta cần nhất, không bao giờ biến mất.

Tiếng chuông của Lana - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Ngọc Thiện Nhân- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.