Đại dịch Covid-19 khiến các nhà bán lẻ lao đao, hàng ngàn người mất việc. Tập đoàn Inditex, chủ sở hữu của Zara đã phải đóng cửa tới 1.200 cơ sở, đồng thời chi ra một khoản khổng lồ khoảng 2,7 tỉ euro cho hệ thống công nghệ thông tin và mở một vài cửa hàng lớn hơn để cứu vãn tình thế.
Các kế hoạch tái đầu tư bắt đầu được đưa ra khi Inditex báo cáo khoản lỗ ròng 409 triệu euro trong ba tháng tính đến cuối tháng 4, cách biệt không nhỏ so với khoản lãi 734 triệu euro trong cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ quý gần đây nhất bao gồm cả khoản phí 308 triệu euro dành cho chương trình tái tối ưu hóa cửa hàng. Hệ lụy từ việc đóng cửa 90% các cửa tiệm khiến doanh thu quý đầu tiên đã giảm 44% so với một năm trước, xuống còn 3,3 tỉ euro. Inditex nói chung và Zara nói riêng đang thở dài thườn thượt vì đòn tấn công khủng khiếp của đại dịch dù so với nhiều tên tuổi khác họ vẫn còn chút khí thế lạc quan. Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ thời trang này đang duy trì được 78% trong số 5.743 cửa hàng hiện đang mở. Bên cạnh đó hiệu suất cũng đã bắt đầu cải thiện từ tháng 5, và tại các thị trường mở cửa hoàn toàn trong tuần đầu tiên của tháng 6 vừa qua, doanh số chỉ giảm 16%.
Kỳ vọng vượt dịch để tăng tốc của Zara sẽ là 2 năm tới khi công ty Tây Ban Nha tăng gấp đôi thương mại điện tử qua gói đầu tư 1 tỉ euro vào nền tảng trực tuyến với lộ trình ba năm. 1,7 tỉ euro khác cũng đang được chi ra để nâng cấp các cửa hàng có tích hợp nền tảng kỹ thuật số. Các tiệm lớn hơn sẽ thay thế cơ sở nhỏ để trở thành trung tâm phân phối bán hàng trực tuyến. Công ty cho biết dự kiến doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm một phần tư doanh thu của doanh nghiệp vào năm 2022, tăng từ 14% vào năm 2019. Tổng số cửa hàng sẽ giảm từ 7.412 xuống còn từ 6.700 - 6.900 sau khi tổ chức lại, bao gồm cả việc mở 450 cửa hàng mới mà số lượng nhân viên sẽ vẫn ổn định.
Nhưng liệu tham vọng bán hàng trực tuyến của Inditex có thể đạt 25% tổng doanh số vào năm 2022 trong khi chỉ số năm ngoái chỉ là 14%? Câu trả lời của đại diện Inditex là khả thi. Trong những tháng qua, tình trạng cách ly, phong tỏa xã hội vì dịch đã buộc hàng chục triệu người tiêu dùng phải dựa vào mua sắm trực tuyến để sắm sửa mọi thứ trừ các mặt hàng thiết yếu. Ông chủ Zara, Amancio Ortega, có kế hoạch quyết chi tiền liên tục trong ba năm tới để cải thiện công nghệ trực tuyến cũng như tập trung vào loạt cửa hàng lớn và có vị trí tốt hơn. Mạng lưới này dự kiến sẽ tạo ra sự tăng trưởng doanh số hàng năm từ 4 - 6% nhờ mức sinh lời cao mà cường độ vốn thấp. Càng bớt bi quan hơn khi thời gian gần đây cổ phiếu của Inditex vẫn tăng trung bình ở mức 2,7%, còn lượng hàng tồn kho thấp hơn 10% vào cuối quý so với một năm trước đó.
Trong khi Inditex đang cựa quậy để tìm cách cho bầy con của mình như Zara, Massimo Dutti, Bershka, Pull & Bear, Oysho hay Stradivarius tồn tại trong đại dịch, những đồng nghiệp của họ cũng phải dàn quân với với những chiến lược mới để đối phó. Guess, do doanh số giảm 50% trong quý đầu, đã phải lên kế hoạch đóng cửa khoảng 100 cửa hàng ở Bắc Mỹ và Trung Quốc trong 18 tháng tới, tương đương khoảng 9% chuỗi tiệm trong mạng lưới, cũng như cắt giảm 70% lương và sa thải 150 nhân viên. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của công ty, Carlos Alberini, cho biết cũng may là nhiều hợp đồng thuê của các nhà bán lẻ sẽ sớm hết hạn (khoảng 70%), nhờ đó mang lại cơ hội tái đàm phán các điều khoản để cải thiện bớt mất mát do dịch, đồng thời giúp danh mục đầu tư cửa hàng Guess trên khắp thế giới có thể được tối ưu hóa để tăng lợi nhuận. Các nhà bán lẻ thời trang khác cũng đang trên đường giảm quy mô hoạt động. Jared, Kay Signet Jewelers, J C Penney đều đã tuyên bố đóng cửa hàng vĩnh viễn. Theo tổ chức Coresight Research, dự kiến năm nay sẽ có tới 25.000 cửa hàng biến mất, một kỷ lục buồn trong ngành may mặc thời đại dịch.
Bình luận (0)