Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch, sẵn sàng can thiệp, đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế; cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.
Cũng theo thống đốc, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các NH ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm; có thể kéo dài thời gian cơ cấu nợ nếu cần thiết.
|
Theo ông Hưng, NHNN đã có phương án điều hành lãi suất phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở... cùng với việc quyết liệt chỉ đạo các NH tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững trong thời gian tới.
“Chúng tôi yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng phải trực tiếp chỉ đạo. Ngay sau hội nghị này, NHNN sẽ lập đoàn công tác các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh”, ông Hưng nói, nhưng cũng lưu ý rằng yêu cầu đặt ra cho các NH là phải đảm bảo vốn vay an toàn, hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, kết quả các đợt gia hạn nộp thuế mới đây đã có hơn 90.200 DN được thụ hưởng, số thuế gia hạn hơn 26.100 tỉ đồng. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) để báo cáo QH cho phép áp dụng thuế suất 15% đối với DN siêu nhỏ; thuế suất 17% đối với DN nhỏ; miễn thuế thu nhập DN 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ việc giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; sẽ ban hành thêm 11 thông tư về vấn đề này, giúp DN, người dân lúc khó khăn. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đã trình, trong đó có dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2018 và dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế nhập khẩu một số mặt hàng dệt may, da giày, ô tô, linh kiện ô tô sản xuất trong nước...
Về việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, dự kiến áp dụng cho trên 20 triệu lượt đối tượng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, trong 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ thì đặc biệt quan tâm nhóm lao động trong các DN bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Đến nay, 63 tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỉ đồng”, ông Dung thông tin.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dung cho biết sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, và cùng với đó là đề xuất Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Nếu được thực hiện thì dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.
Bình luận (0)