Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc giao Bộ Công an quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để Quốc hội quyết định; đồng thời đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đề xuất tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.
Dễ dẫn đến chồng chéo
Ngày 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB). Đây là dự án luật được tách ra từ luật GTĐB sửa đổi theo đề xuất của Bộ Công an. Trái ngược nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách luật GTĐB sửa đổi thành 2 luật tại phiên họp 1 ngày trước đó, tại phiên họp hôm qua, nhiều ý kiến đồng tình với việc trình ra QH 2 dự án luật tại kỳ họp 10 tới đây.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra dự án luật này, cũng cho rằng việc tách thành 2 luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, không trái Hiến pháp và cũng không xung đột với luật GTĐB, vì đây là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
“Làm 2 luật này tách bạch ra thể hiện quyết tâm cao của bộ chủ quản, rõ ràng hơn, chuyên sâu hơn, trách nhiệm cao hơn”, ông Việt nói, đồng thời cho biết chính những người trong cuộc là Bộ GTVT, Bộ Công an cũng nói việc chia thành 2 luật là cần thiết, có lợi cho đất nước.
Tuy nhiên, bảo lưu quan điểm trước đó, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng việc sửa luật GTĐB là cần thiết, song cần bàn kỹ về tính hợp lý, thống nhất của việc sửa luật. Theo ông Lưu, nếu tách luật GTĐB thành 2 luật thì cũng phải sửa luật Hàng không, luật Đường sắt... theo hướng là tách luật để đảm bảo thống nhất. Bên cạnh đó, ông Lưu cho rằng, GTĐB là thể thống nhất các yếu tố gồm cả giao thông tĩnh và giao thông động. Do đó, đảm bảo trật tự an toàn GTĐB không chỉ là những yếu tố giao thông động, mà gồm cả những yếu tố giao thông tĩnh. Vì vậy việc tách thành 2 dự luật, theo ông Lưu, không khỏi dẫn đến chồng chéo.
Cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền
Liên quan vấn đề quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Hà Ngọc Chiến cho rằng đây là thẩm quyền của Chính phủ, và việc chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước từ bộ này sang bộ kia là “chuyện bình thường”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì lưu ý việc chuyển quyền quản lý từ bộ này sang bộ kia cần có tổng kết, lấy ý kiến đại biểu QH, thậm chí là xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu vẫn bảo lưu quan điểm phải đảm bảo tính ổn định, không thể xáo trộn phạm vi quản lý nhà nước của các bộ. Ông Lưu phân tích báo cáo của Chính phủ cho rằng nhiều nước giao việc này cho cơ quan công an quản lý là không hoàn toàn đúng, vì có nhiều nước như Trung Quốc, Singapore hay Mỹ giao cho các cơ quan dân sự hoặc chính quyền địa phương. “Không phải cái gì cũng giao lực lượng vũ trang công an”, ông Lưu nhấn mạnh và cho biết luật GTĐB hiện hành đang giao cho 3 bộ là Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý vấn đề này, nhưng liên quan tới quản lý nhà nước về giao thông thì chịu trách nhiệm chính phải là Bộ GTVT.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ khẳng định việc tách luật GTĐB thành 2 luật, qua 2 buổi làm việc, UBTVQH vẫn còn băn khoăn. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ để báo cáo QH; đồng thời đề nghị Đảng Đoàn QH báo cáo cấp có thẩm quyền, để có cơ sở chính trị xem xét khi quyết định.
Về vấn đề quản lý, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Tỵ khẳng định việc giao cho bộ nào quản lý là vấn đề Chính phủ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải có tổng kết đánh giá kỹ, nhất là những vấn đề liên quan tới tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm nước ngoài, xu hướng xã hội hóa hoạt động này. “UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và QH sẽ xem xét, quyết định”, ông Tỵ khẳng định.
Bình luận (0)