Tiếp tục sửa đổi luật Giáo dục đại học

24/02/2017 19:25 GMT+7

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã thảo luận và sẽ quyết định sớm trình lên Quốc hội bản sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục đại học.

Ngày 24.2, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đô thị ĐH Văn Lang (Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đây là một khu đô thị ĐH có tổng diện tích hơn 10 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 100 triệu USD.
Tham dự lễ khởi công, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã thảo luận và sẽ quyết định sớm trình lên Quốc hội bản sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH. Điều này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ĐH, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mô hình phát triển kinh tế nhanh, chất lượng và đồng đều. Phó thủ tướng cũng cho biết chủ trương của Đảng hiện nay là không chỉ phấn đấu Việt Nam “mạnh lên về công nghệ thông tin” mà đưa Việt Nam “mạnh lên bằng công nghệ thông tin”.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho biết trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước. Do đó, ĐH phải nỗ lực đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tập trung trang bị kỹ năng mềm và nền tảng đạo đức cho sinh viên, để sản sinh một thế hệ nhân tài đủ sức xây dựng đất nước, và phấn đấu trở thành ĐH tiêu chuẩn khu vực.

Điểm đặc biệt của khu đô thị Trường ĐH Văn Lang là áp dụng mô hình giáo dục đào tạo liên tục từ bậc tiểu học, trung học cho đến ĐH theo mô hình của Mỹ. Lãnh đạo nhà trường giải thích có ba lý do để quyết định việc này. Một là có thể đào tạo liên tục nguồn nhân lực một cách hệ thống và có định hướng. Hai là học sinh được học ngay những gì tốt nhất của hệ thống giáo dục tiểu học - trung học ở nước ngoài, được đào tạo tiếng Anh suốt 16 năm, nên khi tốt nghiệp THPT, học sinh có khả năng lấy được Bằng tú tài quốc tế (IB), có thể đăng ký học bất cứ trường ĐH nào trên thế giới mà không phải qua thi tuyển.
Ngoài ra, Trường ĐH Văn Lang đã thống kê 3 khóa sinh viên ra trường các năm 2012, 2013, 2014 về kết quả học tập bậc ĐH của sinh viên; sau đó so sánh với kết quả điểm thi tuyển đầu vào và kết quả 3 năm học bậc THPT trước đó. Kết quả là học sinh học giỏi ở THPT và có điểm thi đầu vào cao, hoàn toàn không có nghĩa là sẽ có kết quả học giỏi ở bậc ĐH tại trường. Nói cách khác, giáo dục ở cấp THPT hiện nay không liên thông gì mấy với yêu cầu ở bậc ĐH và kết quả giáo dục bậc THPT không kế thừa được ở ĐH. Vì vậy, cần có mô hình thí điểm đào tạo tiểu học - trung học mà người học học gì ở bậc này, đều dùng được tốt ở bậc ĐH và sau ĐH.

tin liên quan

Không thể để lương giáo viên có 3 triệu đồng/tháng!
Ngày 23.2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc thực hiện tự chủ và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, định hướng phát triển ngành giáo dục đến năm 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.