Tại các trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm, từ 20 giờ trở đi, nhiều mặt hàng chế biến sẵn hoặc đông lạnh được bán với mức giá "rẻ như cho", có món chỉ còn vài nghìn đồng.
Mua hàng giảm giá cuối ngày đang được xem là một cách tiết kiệm chi phí được nhiều người áp dụng trong giai đoạn này.
"Giảm sâu tới 50%"
Theo ghi nhận tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP Thủ Đức, chị H. đại diện của cửa hàng cho biết tùy vào từng siêu thị mà các sản phẩm tươi sống trong ngày như thịt heo, tôm, cá, thịt gà,... sẽ được giảm 30% vào thời gian 2 - 3 tiếng trước giờ đóng cửa. Tùy vào sản phẩm sẽ giảm xuống tiếp thêm 20% để đảm bảo chỉ bán cho khách hàng trong vòng 2 ngày đóng gói.
Vì tính chất hạn dùng không dài nên với các mặt hàng rau xanh cũng được giảm giá tới 25% vào cuối ngày. Sau 18 giờ, lượng khách ghé mua sắm tại cửa hàng tăng đột biến, các quầy rau củ gần như trống không.
Tương tự, tại hệ thống siêu thị GO (Dĩ An, Bình Dương), trung bình khoảng sau 20 giờ mỗi ngày, các chương trình khuyến mãi được áp dụng cho nhiều loại thực phẩm đã chế biến. Tùy theo loại thực phẩm mà khách hàng sẽ được giảm giá từ 20 - 50%.
Tới giờ giảm giá các nhân viên tại quầy chuyên bán đồ ăn chế biến sẽ bắt đầu dán tem giảm giá lên các mặt hàng với khoảng 100 phần đa dạng.
"Lượng khách và lượng hàng bán khuyến mãi biến động theo từng ngày, những ngày trời mưa, sẽ giảm giá sớm hơn vì lượng khách mua hàng ít, còn ngày cuối tuần tập trung bán nguyên giá tới hết ngày, các sản phẩm chế biến sẵn không đảm bảo chất lượng sẽ bị tiêu hủy". Anh T.T.N (25 tuổi, Thủ Đức) nhân viên siêu thị GO cho biết.
Tiết kiệm tiền triệu mỗi tháng
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đa số các mặt hàng được giảm giá đều là những thực phẩm chế biến sẵn, có hạn sử dụng trong một ngày. Đối với những mặt hàng tươi sống thì cần bảo quản tủ lạnh sau khi mua về.
Đa số những người đến mua hàng giảm giá là sinh viên, nhân viên văn phòng, người lao động. Khi mua những món hàng được giảm sâu, có thể tiết kiệm vài triệu đồng trong một tháng.
Là người chuyên "săn" hàng giảm giá, chị Nguyễn Thị Linh (31 tuổi, Thủ Đức) chia sẻ, nhờ cách này gia đình chị đã tiết kiệm hơn 2 triệu mỗi tháng cho khoản ăn uống. Tuy nhiên, chị Linh ưu tiên chọn mua những sản phẩm còn chất lượng và có thể sử dụng trong một hai ngày kế tiếp.
"Thông thường, những mặt hàng giảm giá thì không còn giữ trọn vẹn độ tươi ngon nên tôi chỉ ưu tiên những món hàng nào còn tốt. Vì là đồ giảm giá nên cũng phải dành giật dữ lắm mới có được hàng ngon, chậm tay là hết ngay", chị Linh cho biết.
Tương tự, bạn Nguyễn Thị Khánh Ngân (20 tuổi, TP. Thủ Đức) thường xuyên ghé Bách hóa Xanh sau giờ làm thêm. Ngân cho biết khi mua hàng giảm giá cuối ngày, bữa tối của bạn sẽ tiết kiệm được vài chục nghìn, thậm chí còn dư thì ngày mai ăn sáng. Nhưng để không bị đau bụng và ảnh hưởng sức khỏe, Ngân chỉ mua đủ ăn và mua những món hàng có thể để qua ngày.
Chị N.N.M (35 tuổi, TP.HCM) là nhân viên làm việc tại siêu thị GO (Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ, trên tất cả các khay thức ăn đều có ghi rõ hạn sử dụng và khuyến cáo chỉ nên dùng trong ngày. Khách hàng khi mua về nên ăn ngay, không nên để sang hôm sau. Vì nhiều trường hợp, những món ăn này sẽ bị hư hỏng, giảm chất lượng, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe như đau bụng, tiêu chảy…
Bình luận (0)