Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Tiết kiệm điện là giữ lại 'tài sản' của chính mình, không phải cho ai khác

07/08/2023 20:35 GMT+7

“Đi ra khỏi phòng nhớ tắt điện nhé!”, đó là câu cửa miệng sếp tôi luôn nhắc nhở các cô cậu nhân viên mới để tiết kiệm điện. Những ngày đầu mới vào làm công ty, tôi cũng hay bị giật mình bởi lời dặn ấy. Thật ra, ngày trước tôi chẳng hề để ý lắm, vì nó quá nhỏ nhặt. Vả lại cũng không ảnh hưởng gì đến hầu bao của mình.

Hồi còn ở nhà chẳng tiết kiệm điện, tôi cứ bật điện sáng trưng cả ngày. Nếu có đi ra ngoài vài ba chục phút tôi cũng để điện như thế, chẳng nhấc nổi cánh tay mà tắt điện, bởi trong suy nghĩ của tôi nó chẳng đáng giá là bao. Dẫu đi học sách vở, thầy cô vẫn dạy là tiết kiệm, nhưng đâu rồi cũng vào đó.

Tiết kiệm điện là giữ lại 'tài sản' của chính mình, không phải cho ai khác   - Ảnh 1.

Mọi người cùng tiết kiệm điện giúp ngành điện đỡ rất nhiều áp lực và chi phí

EVNHCMC

Ngay cả bố mẹ tôi cũng vậy, ông bà luôn răn dạy sống phải tiết kiệm từng giọt nước, từng hạt gạo, từng đồng tiền nhưng đời sống thường ngày, thói quen sinh hoạt vẫn chưa thật tiết kiệm và cũng chẳng làm khó tôi mỗi dịp tôi chểnh mảng vụ ấy. Vậy nên trong tâm trí tôi, ừ rồi mọi thứ cũng qua.

Thế rồi sau này lớn lên, đến lúc tôi chợt nhận ra giá trị của những thứ mình cho là nhỏ nhoi ấy. Đấy là lúc tôi xách chân lên đi làm. Tôi làm ở vị trí nhân viên hành chính nhân sự - người đi lo khoản chi phí sinh hoạt cho công ty. Người mà mẹ tôi bảo là quản gia trong gia đình, còn tôi tự nghĩ nếu coi công ty là một ngôi nhà thì tôi chính là người chăm sóc cho ngôi nhà ấy. Tôi bắt đầu học cách quản lý chi tiêu cho công ty, mà những chỉ tiêu cơ bản nhất là chi phí điện, nước, thức ăn, xăng xe này nọ. 

Lúc này tôi mới hiểu những thứ mình coi là nhỏ hằng ngày nhưng tích lũy dần dần, mỗi người dùng một ít thì nó lớn đến như thế nào. Nào là tiền điện tháng này sao lại chênh với tháng trước nhiều thế, trong khi sản xuất vẫn ở mức tương đương tháng trước, thậm chí thấp hơn tháng trước? Lý do vì sao? Sếp tôi đã từng hỏi tôi như vậy đấy. 

Và tôi bắt buộc phải hiểu rõ nhu cầu, mức độ sử dụng của từng bộ phận để giải thích cặn kẽ. Rồi hôm qua ai ở lại cuối cùng, sao lại không tắt điện và máy lạnh? Chân ướt chân ráo mới vào làm, tôi choáng ngợp với những câu hỏi như thế. 

Tiết kiệm điện là giữ lại 'tài sản' của chính mình, không phải cho ai khác   - Ảnh 2.

Biển nhắc nhở "Tắt điện khi không sử dụng" luôn được gắn ở những vị trí dễ thấy nhất

EVNHCMC

Tôi nghĩ sếp mình đúng thật là không lo chuyện lớn mà cứ chăm chăm mấy chuyện cỏn con thế làm gì. Nhưng làm một thời gian, cuối mỗi tháng báo cáo chi phí của công ty tôi mới hiểu là những điều nhỏ nhặt đó quan trọng như thế nào. Hàng ngày vẫn thấy sếp chỉ bật 10 phút máy lạnh khi mới bước vào chỗ ngồi, sau đó tắt đi khi đủ mát, tôi mới thấy được ý nghĩa của hành động nhỏ của người quản lý. 

Tất cả những điều nhỏ nhặt đó đều được quy đổi sang tiền, và nó quan trọng hơn là quy đổi sang giá trị vận hành và hiệu quả quản lý của người đứng đầu. Và với trách nhiệm là một người quản gia, tôi cần phải làm gì để tiết kiệm cho công ty.

“Vui lòng tắt điện trước khi ra khỏi phòng” đó là chú ý được dán trong tất cả khu vực làm việc làm có thiết bị chiếu sáng của công ty tôi. Đó là điều nhỏ nhặt nhưng thật sự lớn lao tôi đã học được. Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tiết kiệm điện mà còn là sử dụng tiết kiệm tất cả giá trị thuộc về tài sản của công ty. 

Cũng từ đó, bây giờ tôi ra khỏi phòng đều có thói quen tắt thiết bị điện khi không sử dụng. Dần dần mọi người trong gia đình cũng để ý việc này nhiều hơn, ai cũng chủ động học tập thói quen tiết kiệm điện. 

Tiết kiệm điện là giữ lại 'tài sản' của chính mình, không phải cho ai khác   - Ảnh 3.

Nhân viên điện lực TP.HCM thay thế các thiết bị điện cũ bằng loại tiết kiệm điện năng

EVNHCMC

Với những điều như thế, tôi đã thật sự thấy bản thân mình trưởng thành trong suy nghĩ sử dụng tài sản, biết trân quý, biết ơn tất thảy những giá trị. Đặc biệt hơn, khi thấy nhiều vùng còn khó khăn, điện đèn còn chưa đủ sáng, nước sạch còn chưa có để sử dụng, tôi càng nhận thức được giá trị của hành động tiết kiệm điện.

Vậy nên chúng ta hãy cùng chung tay hành động nhỏ, mang ý nghĩa và giá trị lớn là tiết kiệm điện”, đừng để phải hối hận như tôi các bạn nhé!.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.