Người đời xưa hay nhắn nhủ với con nhà nghèo "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", còn với má tôi luôn khéo co để… nhà bớt tốn điện.
Má tôi là vậy, dường như bản tính cần kiệm đã ngấm sâu vào trong "máu thịt" của má ngay cả khi cuộc sống đã đủ đầy, đặc biệt là chuyện má tiết kiệm điện hằng ngày. Hồi còn nhỏ, anh em tôi cũng đã được má nhắc nhở, răn dạy những bài học về đức tính cần kiệm, tiết kiệm trong việc sử dụng điện hằng ngày.
Tôi nhớ, hồi đó "năn nỉ" mãi má mới chịu để anh em tôi gắn cho má cái máy lạnh "tiết kiệm điện năng" trong buồng ngủ, để mỗi khi thời tiết nắng nóng má bật máy lạnh ngủ hay nghỉ ngơi cho mát mẻ tuổi già.
Thế nhưng má ít khi nào sử dụng máy lạnh vì... sợ tốn điện. Những ngày thời tiết quá nắng nóng, buổi tối trước khi đi ngủ má mới chịu mở máy lạnh chừng một vài tiếng rồi hẹn giờ để tắt. Khi sử dụng máy lạnh, má có thói quen không bao giờ để nhiệt độ quá lạnh mà thường đặt ở mức 26 - 27oC và mở kèm quạt máy.
Có lần tôi nói má sử dụng máy lạnh để nghỉ ngơi cho khỏe vì tiền điện đã có anh em tôi lo, thì má "lập luận" tiền nào cũng làm ra từ mồ hôi, công sức, đâu thể coi thường rồi lãng phí. Má bảo người già lớn tuổi ngủ máy lạnh thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Tôi để ý thấy từ khi lắp máy lạnh đến giờ, buổi trưa má không bao giờ nằm nghỉ trong buồng rồi mở máy lạnh. Má hay nằm nghỉ trưa ở góc bên hiên nhà để đón gió mát.
Việc sử dụng tủ lạnh cũng vậy, má ít khi mở cửa tủ lạnh quá nhiều lần. Khi chuẩn bị bữa cơm hằng ngày cho ba tôi, má thường có thói quen lấy những thứ cần thiết, là thực phẩm trong tủ lạnh, ra một lần để không phải mở cửa tủ lạnh nhiều lần, bởi theo má đó cũng là cách để tiết kiệm điện, nâng cao "tuổi thọ" của tủ lạnh.
Khi nấu nướng ở trong gian bếp phía sau nhà, má không bao giờ bật điện vào ban ngày mà thường mở hết các cửa sổ để đón ánh sáng, đón gió trời. Trước đây nhà có nhiều củi khô trong vườn, má cũng thường xuyên tận dụng để nấu cơm, nấu nước uống. Ít khi nào má sử dụng tới nồi cơm điện hay bình đun nước bằng điện, dù anh em tôi đã mua và trang bị đủ đầy cho má vì sợ má cực khi phải nấu nướng bằng bếp củi.
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Má bảo việc nấu cơm bằng nồi điện, hay đun nước bằng bình điện, vừa tốn kém điện mà lại không ngon bằng nấu bếp củi và không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Anh em tôi cũng thường "đuối lý" trước những lý lẽ đầy sức thuyết phục trong việc tiết kiệm điện của má.
Buổi tối, khi cả nhà đã nghỉ ngơi và ngồi xem ti vi giải trí, má có thói quen tắt hết tất cả các bóng đèn trong nhà. Má bảo đó cũng là cách vừa tiết kiệm điện, vừa để không gian trong nhà mát mẻ.
Tôi nhớ có lần em tôi có công chuyện gấp quá phải đi ra ngoài và quên tắt máy lạnh, sau đó má biết được, thế là sau này mỗi khi em tôi hay người trong nhà có việc ra ngoài, má thường vào phòng quan sát, xem máy lạnh có tắt chưa để đảm bảo không còn "sự cố" như trước đây...
Tôi thiết nghĩ, nếu mỗi người, mỗi hộ gia đình đều ý thức và thực hành việc tiết kiệm hằng ngày như câu chuyện tiết kiệm điện của má tôi ở quê, chắc chắn lượng điện năng được tiết kiệm hằng giờ sẽ rất lớn, không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mỗi gia đình mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bình luận (0)