Tiết kiệm điện thành thói quen: Nhớ mãi bài học 'nhà nghèo phải tiết kiệm' của mẹ

Hoàng Ngọc Thanh
Hoàng Ngọc Thanh (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM)
20/06/2023 10:03 GMT+7

Tháng sáu, những cơn mưa đầu mùa chưa thể làm dịu cái nắng oi ả của ngày hè. Nhiều người thấy nóng liền mở máy lạnh hết công suất, mát phòng mình lại làm nóng môi trường. Đến cuối tháng cầm hóa đơn thì ca cẩm "sao nhiều tiền thế".

Riêng nhà tôi vẫn bình yên sống cùng cơn bão nhiệt, nhờ thói quen tiết kiệm điện, nước, không chỉ mùa nóng mà quanh năm. Bởi tôi ảnh hưởng nếp sống của mẹ. Mẹ tôi một đời nghèo khổ, nên mọi chi tiêu đều tính toán, dè sẻn.

Xây nhà "thuận tự nhiên"

Ngay khi anh em tôi có ý định mua nhà, mẹ căn dặn chọn nhà hướng đông tránh được nắng chiều, hướng nam đón gió mùa hè, nhà có sân, có ban công trồng cây, vừa đẹp vừa mát. Nhà tôi hướng đông nam, thuận theo tự nhiên tránh nóng.

Nhà thành phố không thể trổ cửa sổ, tôi làm giếng trời cho ánh sáng và gió len lỏi khắp nhà. Sân và ban công trồng rau, vừa có thực phẩm sạch hằng ngày vừa đỡ nóng. Trên mái gắn tấm năng lượng mặt trời. Dưới mái thêm lớp cách nhiệt, mặt ngoài tường sơn chống nóng.

Tiết kiệm điện thành thói quen: Nhớ mãi bài học 'nhà nghèo phải tiết kiệm' của mẹ  - Ảnh 1.

Nhân viên Tổng công ty điện lực TP.HCM khắc phục sự cố điện lưới do quá tải

QUỲNH TRÂN

Nhà tôi luôn mở cửa khi có người ở nhà, chỉ đóng lại khi đi vắng. Nhờ giếng trời và cửa mở, ban ngày không cần bật đèn, phòng khách, nhà bếp bật quạt là đủ mát. Tối đến chỉ nơi nào sinh hoạt mới mở đèn, những khu vực khác luôn tắt khi không sử dụng. Con gái năm tuổi thấy tôi mở quạt cho mát phòng ngủ khi chưa tới giờ, bé lại nhắc nhở: "Mẹ tắt đi, để vậy phí đó". Cả nhà đều bật cười.

LỚN LÊN CÙNG CHIẾC QUẠT MO TRÊN TAY MẸ

Căn phòng tầng trệt của mẹ tôi luôn mát nhất nhà, lọt thỏm ở giữa, không tiếp xúc ánh nắng, chỉ cần mở quạt là mát rượi. Bé con tôi gọi là phòng điều hòa. Ban ngày, cháu ké bà giấc ngủ trưa hoặc nằm chơi. Bà vui có cháu chơi đùa, nhà vui vì tiết kiệm điện.

Tầng trên có hai phòng ngủ. Phòng trong lắp máy lạnh, phòng ngoài có cửa cái và cửa sổ ban công chỉ cần dùng quạt. Trước khi sử dụng tôi luôn mở cửa cho hai phòng thông khí và đón gió, mở quạt xua tan cái nóng. Hôm nào nóng quá thì mở cửa thông phòng để cùng sử dụng chung máy lạnh, nhiệt độ để ở mức 28 độ, hẹn 4 giờ sáng tắt, vừa đỡ tiêu tốn điện vừa tránh sốc do chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời.

Tôi ít trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Rau nhà trồng có sẵn, muốn đổi món thì có cửa hàng thực phẩm tiện lợi sát nhà. Chợ cũng gần, sáng sớm hoặc chiều tối mua thịt cá đủ ăn trong ngày, tươi ngon. Tôi dùng nồi hấp nhiều tầng, luộc thịt ở dưới, trên hấp khoai, rau. Cần hâm gì thì cho ra chén nhỏ, cơm vừa cạn cho vào. Mẹ tôi dùng nước rửa rau tưới sân. Mẹ nói, thay vì đổ đi, đem tưới cho mát.

Nhà tôi vệ sinh máy lạnh ba tháng một lần, tủ lạnh vệ sinh hằng tháng. Tôi không ủi đồ giặt đồ vào buổi tối. Toàn bộ thiết bị điện trong nhà tôi đều dùng loại tiết kiệm điện, khi mua tôi chọn loại có dán nhãn năng lượng. Vừa rồi tôi thay toàn bộ bóng đèn tuýp cũ bằng đèn tiết kiệm năng lượng (đèn LED). Khu vực hành lang, ban công, nhà vệ sinh dùng đèn cảm ứng, chỉ bật khi có người. Thiết bị phát wifi hẹn giờ, ban đêm tắt đảm bảo giấc ngủ cho cả nhà. Tôi mua thêm đèn sạc và quạt sạc, dùng lúc cúp điện.

Mỗi khi đến nhà tôi chơi, nhiều người ngạc nhiên thấy quạt mo để nhiều nơi. Khi mọi thiết bị hiện đại ngưng trệ vì mất điện thì quạt mo là công cụ chống nóng "thần thánh". Loại quạt đơn sơ làm từ tàu cau chứa cả tuổi thơ tôi. Hồi nhỏ mỗi khi cúp điện, anh em tôi trải chiếu nằm giữa sân ngắm bầu trời đầy sao lấp lánh, mẹ nằm kề bên đều tay phẩy quạt mo đuổi muỗi. Hai đứa nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say nồng nhờ ngọn gió hiu hiu thổi từ chiếc quạt mo trên tay mẹ.

Tối nay, thêm một đêm gặp sự cố mất điện. Tôi lại bình yên phe phẩy chiếc quạt mo làm mát cho con gái như mẹ từng dỗ dành mình ngày xưa. Trong ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn sạc, tôi nhớ về những ngày thiếu điện ở quê nhà, lòng thầm nhủ, mất điện cũng không quá đáng sợ bằng lãng phí điện…

Tôi càng ghi nhớ bài học tiết kiệm nhà nghèo "làm khi lành để dành khi đau" mà mẹ tôi thường dặn dò thuở nhỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.