Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...

24/06/2024 14:27 GMT+7

Những năm gần đây, trường THCS Bùi Thị Xuân (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) luôn chú trọng việc lồng ghép và thường xuyên tổ chức các hoạt động, buổi nói chuyện về tiết kiệm điện và sử dụng điện an toàn đến học sinh. Từ kiến thức tiếp thu đến những việc làm cụ thể được các em áp dụng trong nhà trường, đã góp phần lan tỏa thói quen tích cực này trong nhà trường.

Trong năm học, Ban Giám hiệu trường THCS Bùi Thị Xuân kết nối với Công ty CP Điện lực Khánh Hòa để tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tiết kiệm điện đến với các em học sinh toàn trường.

Ngoài những kiến thức về vai trò của năng lượng điện trong đời sống, sản xuất, kinh doanh thì các nhân viên điện lực còn giới thiệu thêm thông tin cho các em về nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió... trong bối cảnh vẫn còn có nguy cơ thiếu điện như hiện nay.

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...- Ảnh 1.

Học sinh trường THCS Bùi Thị Xuân (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) tham gia rất tích cực tại những buổi tuyên truyền tiết kiệm điện

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...- Ảnh 2.

Những phần quà mang thông điệp tiết kiệm điện dành tặng cho các em học sinh

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...- Ảnh 3.

Thông điệp "Tắt điện và quạt trước khi rời đi" được viết bằng tiếng Anh

TGCC

Ngoài những thông tin cơ bản được cung cấp, các em học sinh còn rất hứng thú khi tham gia trả lời những câu hỏi đố vui về điện, tiết kiệm điện, thiết bị điện trong gia đình và thói quen sử dụng điện tiết kiệm và an toàn...

Những câu đố vui được lồng ghép dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm, tình huống, từ ngữ diễn đạt vô cùng hóm hỉnh, gần gũi, dễ tiếp nhận và phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh bậc THCS. Ví dụ như những câu hỏi: Khi sử dụng quạt máy, em thường bật quạt với tốc độ như thế nào; ở nhà, các em có thấy bố hoặc mẹ thường xuyên vệ sinh quạt hoặc vệ sinh máy lạnh hay không; khi sử dụng máy lạnh, gia đình thường cài đặt ở nhiệt độ là bao nhiêu; tủ lạnh khi sử dụng mở ra, đóng vào nhiều lần có gây tốn điện không?...

Hay những câu hỏi liên hệ bản thân như: Vì sao chúng ta lại phải tiết kiệm điện; chúng ta thực hiện những biện pháp gì để tiết kiệm điện; vì sao tiết kiệm điện phải đi chung với an toàn điện...

Sau mỗi câu trả lời đúng, học sinh rất thích thú khi nhận được những phần quà ý nghĩa từ phía ban tổ chức, đó là cẩm nang sử dụng điện an toàn, một chiếc áo có in thông điệp kêu gọi mọi người cùng nhau tiết kiệm điện vì một tương lai xanh và bền vững.

Xây dựng trường học tiết kiệm điện

Ban giám hiệu và các thầy cô luôn sáng tạo lồng ghép việc tiết kiệm điện vào trong từng việc làm cụ thể của các em học sinh trong nhà trường. Đó là bảng thông điệp "Tắt điện và quạt trước khi rời đi" được viết bằng tiếng Anh, dán ở mỗi lớp học để học sinh quan sát và thực hành thói quen tiết kiệm điện trên lớp.

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...- Ảnh 4.

Giấy ghi chú được dán lên trên các công tắc điện

Ở mỗi lớp học, thường chỉ có 4 quạt trần, 1 quạt treo tường, 6 bóng đèn compact hoặc đèn huỳnh quang. Các công tắc đặt gần nhau, giống nhau dễ gây sự nhầm lẫn cho các em. Do đó, một số lớp đã tìm cách dán giấy ghi chú lên trên các công tắc, để ngay cả khi học sinh lớp khác sử dụng phòng học này, vẫn có thể nhìn vào và bật/tắt thiết bị theo đúng nhu cầu của mình.

Bên cạnh đó, để hạn chế sử dụng việc bóng đèn trong lớp vào buổi sáng, các giáo viên bộ môn luôn nhắc nhở học sinh mở hết các cửa sổ, cửa chính để vừa đón gió mát lùa vào, vừa đón được ánh sáng ngoài tự nhiên tràn vào phòng học.

Không dừng lại ở đó, hệ thống đèn chiếu sáng tại cổng trường, dãy hành lang hay sân trường vào buổi tối cũng được tích điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái phòng học. Điều này cũng góp phần giảm được một khoản tiền điện nhà trường phải chi trả hằng tháng.

Tiết kiệm điện trong trường học, dạy con từ thuở còn thơ...- Ảnh 5.

Đèn năng lượng mặt trời được trang bị ở cổng trường THCS Bùi Thị Xuân (TP.Nha Trang, Khánh Hòa)

TGCC

Từ lý thuyết đến thực hành, những việc làm dù nhỏ của hôm nay nhưng sẽ hình thành nên thói quen tốt cho mai sau. Tất cả những điều đó đều được nhà trường chú trọng "ươm mầm" ngay từ thủơ còn thơ dại. Để mỗi học sinh trưởng thành càng hiểu rõ, tiết kiệm điện không phải là hô hào hay khẩu hiệu suông mà chính là cách tiết kiệm túi tiền, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên cho chính thế hệ của các học sinh trong tương lai.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.