Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Những 'thủ lĩnh' tiết kiệm điện không biết mệt mỏi

23/06/2024 11:57 GMT+7

Cho đến nay việc rút hết các thiết bị chờ trong nhà, tắt các bóng đèn khi không sử dụng để tiết kiệm điện luôn được cả 4 thành viên "thủ lĩnh" nhà tôi tuân thủ thực hiện, trở thành nếp quen khó bỏ. Đặc biệt, hai bé con của tôi còn thay mẹ "giảng bài" cho các em con cậu, con dì cùng làm theo.

Mùa hè là khoảng thời gian người thân và con cháu ở xa về nhà chơi đông nên việc sử dụng tiết kiệm điện cho các nhu cầu cá nhân như: xem ti vi, sử dụng quạt ở các phòng và sang hơn là lạm dụng máy điều hòa ...thường tăng nhanh. 

Những 'thủ lĩnh' tiết kiệm điện không biết mệt mỏi- Ảnh 1.

"Công chúa" nhỏ bên chiếc tủ lạnh dán nhãn năng lượng tiết kiệm điện, vừa là tuyên truyền viên tích cực đến các em mình về thói quen tiết kiệm điện

TGCC

Ngoài ra, các bé còn nhỏ có thói quen mở tủ lạnh nhiều lần nếu không có sự nhắc nhở của người lớn. Chính vì vậy, để chuẩn bị đón một mùa hè an toàn, bổ ích, tiết kiệm điện hiệu quả tôi vẫn "bổn cũ soạn lại" là nhắc nhở hai cô công chúa hãy làm tấm gương sáng, tiếp tục nghề "tuyên truyền viên" giúp mẹ như 3 năm qua, giúp gia đình tôi duy trì vào nề nếp thói quen tiết kiệm điện hữu hiệu.

Nhà tôi có nhiều phòng nhưng khi gia đình đông đúc và người thân về chơi, đặc biệt là các thành viên nhí thì ưu tiên hàng đầu của cả nhà vẫn là việc các con chơi ở phòng khách rộng rãi, thoáng đãng đồng thời phòng khách nhà tôi được lắp quạt trần. Phòng được thiết kế 2 cửa sổ. Ngay từ sáng sớm để căn phòng trở nên thoáng mát thì việc đầu tiên của một ngày mới tôi mở tất cả các cửa đón ánh sáng và gió trời vừa làm mát phòng lại có cảm giác thư thái, tràn đầy năng lượng tích cực cho ngày mới.

Cũng là có sự tính toán từ trước và đã từng tham khảo "tổ tư vấn tại chỗ" chính là thế hệ đi trước - đó chính là mẹ tôi (tiểu khu trưởng gương mẫu), bố chồng (một cựu công an hưu trí), vợ chồng tôi đã mua điều hòa, máy giặt, tủ lạnh..., có dán nhãn năng lượng tiết kiệm điện Inverter do Bộ Công Thương quy định. Mặc dù giá thành có cao hơn so với giá thị trường nhưng về lâu dài thì tính bền cũng như mức độ tiết kiệm điện năng là chắc chắn hiệu quả.

Lan tỏa hành vi tốt về thói quen tiết kiệm điện tới con cháu

Một trong những trợ thủ đắc lực làm giảm chi phí tiền điện trong gia đình tôi thật là thiếu sót, nếu không kể đến hệ thống đèn Led chiếu sáng với khả năng tiết kiệm điện lên tới 75% năng lượng và tuổi thọ cao gấp 25 lần so với đèn sợi đốt. Vậy tội gì nhà tôi không trưng dụng những bóng đèn có tính ưu việt đó.

Vì làm nghề giáo viên nên tôi hơi bị ảnh hưởng tâm lý nghề nghiệp. Lại là học sinh chuyên cần của "gương đi đầu tiết kiệm điện" là mẹ - bà ngoại của hai công chúa, tôi đã giảng những bài học mang tính rèn dũa kiểu "mưa dầm thấm đất" và mình làm gương để hai con thấy. 

Cứ ra khỏi phòng là tôi tắt quạt, rút phích cắm với phương châm "không để thiết bị điện ở chế độ chờ",  bởi trên thực tế chúng có thể chiếm hơn 10% tổng điện năng tiêu thụ trong tháng của gia đình. Vậy, tại sao thay vì ngắt hết các thiết bị chờ như rắc cắm tivi, quạt, sạc máy tính, điện thoại,... vừa an toàn cho thiết bị điện, vừa kéo dài tuổi thọ, tránh sự cố chập điện và quan trọng hơn nữa là giảm thiểu tối đa điện năng trong nhà bị tiêu thụ. 

Những 'thủ lĩnh' tiết kiệm điện không biết mệt mỏi- Ảnh 2.

Việc sử dụng điện tiết kiệm của người dân còn giúp cho hệ thống điện lưới luôn an toàn

EVN

Cho đến nay thói quen rút hết các thiết bị chờ trong nhà, và tắt các bóng đèn khi không sử dụng luôn được cả 4 thành viên nhà tôi tuân thủ thực hiện, thành nếp nhà khó bỏ. Đặc biệt, hai bé còn thay mẹ "giảng bài" cho các em con cậu, dì để các em làm theo. Chính vì thói quen vừa hình thành ấy mà có lần em dâu đã bảo tôi: "Bác huấn luyện hai công chúa giỏi thật, giờ hai công chúa còn dạy các em nên về nhà hai cu cậu cũng nhắc em tắt quạt, rút phích khi không sử dụng". 

Tôi thấy vui vì hành động nhỏ của gia đình đã lan tỏa được một phần thói quen tốt tới các cháu.

Ngoài ra, vào giờ cao điểm gia đình tôi cũng hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc. Bởi lẽ, nếu sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện ở giờ cao điểm hóa đơn tiền điện sẽ tăng đột biến, bên cạnh đó nguy cơ hỏng thiết bị, cháy nổ, chập điện nhiều khả năng diễn ra. 

Đồng thời, vì nhà gần chợ lại luôn có nhu cầu mua thực phẩm tươi và hạn chế tối đa dự trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Vừa ảnh hưởng sức khỏe lại khiến tủ lạnh quá tải nên tủ nhà tôi gần như chỉ mang tính dự phòng chứ không được dán mác "ưu tiên" trong nhà.

Những 'thủ lĩnh' tiết kiệm điện không biết mệt mỏi- Ảnh 3.

Đèn chiếu sáng nhà tôi dùng hệ thống đèn Led tiết kiệm

TGCC

Để hệ thống đồ điện trong nhà luôn ở chế độ an toàn. "anh xã" tôi chính là người luôn kiểm tra và thay mới những thiết bị điện đã cũ, không đợi đến lúc hỏng mới thay bằng những thiết bị điện mới có tính ưu việt tiết kiệm, lại làm giảm lượng khí carbon thải ra, tiết kiệm luôn cả chi phí sửa chữa,...

Rõ ràng điện năng không phải là nguồn tài nguyên vô tận nên việc tiết kiệm điện với gia đình tôi luôn được ưu tiên hàng đầu. Vừa lợi nhà lại ích nước. Bên cạnh đó việc nhà nhà, người người tiết kiệm điện cũng là cách ta yêu môi trường, bảo vệ môi trường để chất lượng cuộc sống của chúng ta luôn được tốt hơn.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.