Giải thích cho lý do sống quen tiết kiệm, bà cho biết, những người cùng thời với bà, đã trải qua một khoảng thời gian dài thắp sáng bằng đèn dầu nên khi có nguồn điện về với xóm làng thì họ càng biết trân trọng, tiết kiệm nó. Mỗi ngày, lúc trời chập tối là khi cơm nước đã xong, nhà nhà không vội bật đèn, mà ra sân ngồi thư giãn và kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn. Hoặc sẽ tắt bớt đèn để ra mái hiên ngồi ngắm trăng vào những ngày rằm, trăng tròn vành vạnh. Cái nếp sinh hoạt đó lâu dần thành thói quen, không những thắt chặt tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, mà theo bà tôi, đó còn là cách tiết kiệm điện rất hiệu quả.
Những lời bà dạy luôn khắc ghi trong tim, đến bây giờ cả nhà tôi răm rắp nghe theo câu nói đó, như một mệnh lệnh lâu ngày thành thói quen, cả nhà tự hiểu đến lúc nào thì nên bật đèn và chỉ bật khi cần thiết. Rồi cứ mỗi buổi cơm chiều xong, các thành viên trong gia đình quây quần ra sân, trên băng ghế đá, cùng ngồi trò chuyện vui vẻ…
Gió thổi mát rượi bắt đầu chuyển sang se lạnh, bầu trời cũng từ từ chuyển màu tối sẫm thì cả nhà biết rằng đến lúc vào lại nhà và bật đèn.
Từ câu nói của bà, tinh thần tiết kiệm điện trong gia đình ngày càng được nâng cao, các sản phẩm điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, quạt điện… luôn được gia đình ưu tiên chọn loại có dán nhãn năng lượng tiêu thụ điện năng thấp nhất.
Cả hệ thống nước nóng gia đình cũng đã chuyển sang dùng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện hơn trước rất nhiều. Trước khi đi ngủ, bố luôn kiểm tra để đảm bảo tất cả thiết bị điện đã được rút ra khỏi ổ cắm, điều này không những tiết kiệm một lượng điện năng đáng kể mà còn làm tăng tuổi thọ của các thiết bị điện trong gia đình.
Bố luôn biết cách tận dụng nguồn sáng và nguồn gió từ thiên nhiên, ngôi nhà được thiết kế thoáng mát, các cửa được lắp đặt bằng cửa kiếng tận dụng tối ưu ánh sáng mặt trời, xung quanh nhà những cây xoài, cây mận bố trồng giờ đã lớn, tỏa bóng râm mát rượi, như cây dù lớn che mát cả ngôi nhà nên vào buổi trưa cũng ít khi dùng đến quạt hay máy điều hòa.
Các thành viên trong gia đình ai cũng quyết tâm cùng giữ theo thói quen cách sống đơn giản của bà, đó là cách để nhớ đến bà và cũng là một cách để tiết kiệm điện hiệu quả. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đèn điện sáng rực khắp nơi với những ánh sáng lấp lánh, muôn màu muôn vẻ nhưng cũng đừng hoang phí ánh sáng. Bởi đâu đó còn nhiều nơi đang rất cần đến, mỗi người chúng ta phải biết san sẻ nguồn năng lượng đang có, mỗi người một ít, chung sức chung lòng sẽ tạo thành nguồn năng lượng to lớn đến những nơi đang thiếu.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)