Chuyện tiết kiệm điện ở nhà tôi cũng nhiều cái hay muốn kể lắm, nhất là thời buổi phải "thắt lưng buộc bụng" như hiện nay để mọi người cùng có điện dùng, không phải lâm vào tình trạng thiếu điện "dở khóc dở cười".
Trong ký ức tuổi thơ tôi, những tối mất điện thường rất vui. Tại sao lại lạ lùng như thế? Đó là bởi cả xóm sẽ cùng nhau ùa ra vỉa hè trước nhà hóng mát. Người lớn túm năm tụm ba để trò chuyện, trẻ con thì nô đùa vui vẻ. Đến khi những tia sáng lần lượt bừng lên trong mỗi căn nhà, đám đông lại heo rò và rồi ai về nhà nấy.
Ngày ấy bếp than, bếp củi vẫn đóng vai trò chủ đạo. Trong khi đó, bếp gas và nồi cơm điện vẫn còn khá xa xỉ. Năm tháng trôi qua, công nghiệp năng lượng ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật cũng cho ra đời những thiết bị hiện đại. Chính vì vậy, từ nông thôn đến thành thị đồ dùng điện dần trở nên phổ biến hơn.
Sự tiện lợi là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng cũng thật bất lợi nếu mất điện đột ngột.
Là một bà nội trợ đầu 9X và chưa có nhà riêng, hàng tháng tôi cần phải cân đo đong đếm các khoản chi tiêu rất nhiều. Khi kinh tế suy thoái, việc tiết kiệm sinh hoạt phí cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, tôi luôn có ý thức tiết kiệm điện, dùng đúng nơi đúng lúc.
Có một hành động rất nhỏ để giảm thiểu tiền điện nhưng ít người thực hiện vì lười. Đó chính là rút phích cắm sau khi sử dụng đồ điện. Với tôi, việc làm này đã trở thành thói quen. Nếu bạn thực hiện hàng ngày với tất cả thiết bị điện, chắc chắn hóa đơn tiền điện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn!
Vào giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng nổ, thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh được hình thành, bao gồm cả tôi. Thế nhưng, khi cuộc sống trở lại bình thường, tôi quyết định “giải cứu” cho tủ lạnh. Việc phải gồng lên để bảo quản độ tươi cho thực phẩm sẽ khiến chiếc tủ ngốn nhiều điện hơn. Do đó, ngày nào đi chợ ngày đấy cũng là giải pháp tiết kiệm điện. Nếu quá bận rộn, chúng ta bất đắc dĩ phải tích đồ thì bạn hãy sắp xếp không gian trong tủ lạnh thật khoa học, gọn gàng.
Ngay cả việc nấu ăn cũng cần lên kế hoạch để quá trình chế biến diễn ra nhanh chóng, gọn lẹ. Tôi làm việc tại nhà nên có những hôm vừa chạy deadline, vừa nấu nướng. Khi quá say mê với công việc thì ngoảnh lại đồ ăn đã bị cháy hoặc trào. Bởi vậy, chúng ta nên dành một thời gian nhất định để tập trung cho việc nấu ăn.
Ngoài ra còn có một kinh nghiệm nữa giúp tất cả các bà nội trợ vừa tiết kiệm điện, vừa tránh lãng phí đồ ăn. Vào mùa hè, chúng ta thường thích ăn canh, uống nước rau. Bạn hãy căn chỉnh lượng nước phù hợp để không phải mất nhiều thời gian làm chín.
Do bị viêm xoang nên tôi không thích sử dụng điều hòa để làm mát phòng. Thay vào đó, tôi lựa chọn xây dựng một hàng rào chống nắng tự nhiên mang tên cây xanh. Những cây này được trồng ngoài ban công. Nó vừa mang đến không gian xanh mát, vừa lọc bụi. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm thấy mát mẻ, thoải mái hơn.
Ngoài ra, tôi cũng là người ưa tận dụng ánh sáng tự nhiên. Mở tung cánh cửa, đóng nắng sớm vào nhà thay vì bật điện, tại sao lại không nhỉ?.
Trên đây là một số mẹo nhỏ giúp tôi tiết kiệm điện. Tuy không phải giải pháp thần thánh nhưng chắc chắn là ai cũng làm được.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)