Tiết lộ cách hoàn thiện ‘1% mỗi ngày’ mà không cần thành... Bill Gates hay Jeff Bezos

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
19/07/2022 15:38 GMT+7

Đọc 1% mỗi ngày của Ngô Di Lân - tác phẩm kỹ năng hiếm hoi mà người trẻ Việt viết cho người Việt trẻ với thông điệp: “Chúng ta không cần trở thành Bill Gates hay Jeff Bezos. Điều cần làm là cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày.”

Qua cuốn sách mới 1% mỗi ngày do NXB Trẻ vừa ấn hành, tác giả Ngô Di Lân tiếp cận người đọc bằng một tinh thần sòng phẳng và khai phóng. Anh khẳng định: “Tôi tuyệt đối không bao giờ khuyên các bạn làm điều gì mà tôi không sẵn sàng làm hay chưa từng làm”.

Tác phẩm 1% mỗi ngày do NXB Trẻ vừa ấn hành

NXB

Vì vậy, những chia sẻ của anh mang tính thuyết phục cao. Tác giả viết trong Lời nói đầu: “Điều tôi mong muốn không phải là chấm dứt mọi cuộc tranh luận, càng không phải là cung cấp cho các bạn một vài công thức nào đấy để rập khuôn răm rắp, mà là thôi thúc bạn đọc suy xét kỹ lưỡng những điều tôi nói, thậm chí lên tiếng phản biện. Nói cách khác, tôi mong qua những lá thư này, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại. Một cuộc đối thoại thú vị và nhiều màu sắc, mà qua đó cả hai bên đều có thể học hỏi lẫn nhau để trưởng thành hơn. Đó mới thực sự là mục tiêu của cuốn sách”.

Vạch ra các điểm mù trong tư duy

Được biết, tác giả Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế Đại học Brandeis (Mỹ), tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan), chủ nhân Facebook fanpage Self Conquest. Anh bộc bạch: “Sau nhiều năm sinh sống và học tập ở các quốc gia phương Tây, tôi có thể tự tin khẳng định rằng người trẻ Việt Nam không thua kém gì bạn bè quốc tế. Nếu được tạo điều kiện và khuyến khích một cách thích hợp, các thế hệ tương lai của chúng ta sớm muộn cũng sẽ có những thành tựu để đời”.

Lợi thế của tác giả về kinh nghiệm sinh sống và học tập đa quốc gia, các dự án cá nhân, về chuyên ngành nghiên cứu đã mang đến cho cuốn sách những ví dụ minh họa sinh động. Tác giả không tô hồng những thành tích và trải nghiệm cá nhân, mà thẳng thắn nhìn vào những thành tựu, vấp ngã của chính bản thân anh trong quá khứ và hiện tại - đây là một sự soi chiếu rất tốt cho các bạn trẻ.

Lợi thế của tác giả về kinh nghiệm sinh sống và học tập đa quốc gia, các dự án cá nhân, về chuyên ngành nghiên cứu đã mang đến cho cuốn sách những ví dụ minh họa sinh động

NXB

1% mỗi ngày phản ánh những suy nghĩ, chiêm nghiệm và trăn trở của tác giả về nhiều chủ đề khác nhau trong quá trình trưởng thành, hoàn thiện bản thân. Chính nhờ những ghi chép này mà giải đáp được nhiều nỗi băn khoăn của người trẻ trên hành trình tự phát triển.

Hướng đến đối tượng bạn đọc trẻ trong khoảng 16 - 25 tuổi, những ghi chép trong 1% mỗi ngày được thể hiện dưới hình thức những lá thư gửi người em thân thiết với độ dài vừa phải và giọng văn hiện đại, gần gũi, kết hợp với sự lập luận chặt chẽ, thuyết phục, thể hiện tư duy của người làm nghiên cứu nên kết cấu bốn phần trong sách: Kiểm soát bản thân - Khai mở tâm trí - Tôi rèn kỹ năng - Thắng không kiêu, bại không nản, càng phù hợp và đúng với sự quan tâm của giới trẻ.

Tác giả Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế Đại học Brandeis (Mỹ), tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan), chủ nhân Facebook fanpage Self Conquest

NVCC

1% mỗi ngày không chỉ dành cho các bạn trẻ đang tự ti và hoang mang, nó còn dành cho các bạn trẻ ở thái cực kia: cực kỳ tự tin. Tác giả nhìn nhận trực diện vào những vấn đề đang được quan tâm. Ví dụ trong bài viết Một câu hỏi hay, anh chỉ ra rằng, có những bạn rất xông xáo đặt câu hỏi nhưng không phải vì mục đích chính đáng. Họ chỉ muốn ra vẻ mình thông minh hơn những người xung quanh, không hề có ý cầu thị. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả cũng liên tục cảnh báo và vạch ra các điểm mù trong tư duy, nhận thức của người trẻ, đồng thời đưa ra những gợi ý khắc phục nên cuốn sách trở thành người bạn tri âm của mọi người.

Hãy biết chế ngự sự tức giận

Những ai đã từng bị cảm xúc tiêu cực như giận dữ hay lo lắng xâm chiếm lấy mình đều hiểu rằng cảm giác đó tệ đến nhường nào. Việc đó có thể chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc, nhưng cũng có thể tiếp diễn trong một thời gian dài, chỉ có một điều chắc chắn là nó khiến ta cảm thấy mình như bị tê liệt và bất lực. Khi những cảm xúc tiêu cực ngự trị thì những thứ vốn rất có giá trị như trí thông minh, bằng cấp, tiền tài hay địa vị đều không quan trọng nữa bởi ta đã đánh mất khả năng làm chủ bản thân. Chính vì thế tôi chủ đích dành phần đầu tiên của cuốn sách này để nói về những cảm xúc tiêu cực mà một người dễ gặp phải cũng như những cách chúng ta có thể dùng để chế ngự chúng.

Sự tức giận thì sao? Người La Mã gọi sự tức giận là “cơn điên tạm thời”. Trong cuốn sách Dám bị ghét, hai tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake cho rằng tức giận là một hình thức giao tiếp, chúng ta “mượn” thứ cảm xúc tiêu cực đó để che đậy sự yếu đuối của mình trong lúc truyền đạt thông điệp tới đối phương. Nói cách khác, sự tức giận chỉ là một công cụ mà thôi. Anh thì không nghĩ con người chủ động sử dụng sự tức giận như một công cụ nhưng anh tin chắc nó phản ánh sự yếu đuối và bất lực của người đang trải qua cảm xúc đó. Em thử nghĩ mà xem, một ông bố hay bà mẹ la mắng, quát tháo đứa con mình vì mải mê chơi điện tử mà không chịu chăm chỉ học bài đang trải qua cảm giác gì? Họ chắc hẳn cảm thấy mình bất lực, rằng mình không thể “điều khiển” được đứa con đang làm trái ý họ. Thế nên thay vì cáu giận ngược lại những người đang nổi cơn thịnh nộ, chi bằng chúng ta cho họ một chút thấu cảm để cố gắng hiểu nỗi lòng họ.

(Trích từ tác phẩm mới 1% mỗi ngày do NXB Trẻ vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.