Tiết lộ về Hom Nguyen, họa sĩ Việt từng nhận Huân chương Công trạng Quốc gia (Pháp)

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
10/01/2022 12:28 GMT+7

Ngày 24.11.2021, họa sĩ Hom Nguyen vinh dự đón nhận Huân chương Công trạng Quốc gia (Ordre National du Mérite) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao tặng, khẳng định tài năng và sự đóng góp của họa sĩ Việt cho nền mỹ thuật của nước Pháp.

Năm 2015, khởi nghiệp bằng một cuộc triển lãm riêng tại Paris: Le combat du siècle (Cuộc chiến thế kỷ), Hom Nguyen đã chính thức bước vào con đường hội họa chuyên nghiệp thông qua A2Z Gallery. Từ đó đến nay, họa sĩ người Pháp gốc Việt này đã tiến từng bước vững chắc bằng những cuộc triển lãm riêng và chung trên khắp thế giới, qua các hội chợ nghệ thuật đương đại quốc tế ở Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Bali (Indonesia), Morocco, Bangkok (Thái Lan)... đấy là chưa tính với hơn 23 cuộc triển lãm tại nước Pháp.

Năm 2021, ngoài cuộc triển lãm tại Hồng Kông, Hom Nguyen còn có những họa phẩm đáng chú ý như chân dung nhà thơ – chính trị gia Aimé Césaire và những người phụ nữ mang tính biểu tượng của tạp chí Pháp Madame Figaro trong triển lãm Portraits de France (Chân dung nước Pháp) tại Bảo tàng Con người, Paris.

Tranh của Hom Nguyen đầy tính ẩn dụ, phản ánh quá khứ, đặc biệt là tuổi thơ của anh

T.L

Hom Nguyen sinh ngày 20.9.1972, sống và làm việc tại Paris. Phần lớn tác phẩm của anh là tranh chân dung khổ lớn, mang phong cách biểu trưng (figurative style). Hom Nguyen là một nghệ sĩ tự học vẽ, chưa từng tiếp nhận một bài học vỡ lòng nào về hội họa, do đó anh không theo khuôn phép của một họa pháp nào cả. Tranh của Hom Nguyen đầy tính ẩn dụ, phản ánh quá khứ, đặc biệt là tuổi thơ của anh. Hầu hết tác phẩm của Hom Nguyen được thể hiện trên vải bố, bằng những chất liệu khác nhau như sơn dầu, than, bút chì, phấn màu, mực tàu hay acrylic...

Nghệ sĩ mang trong mình sự kết hợp văn hóa giữa phương Tây và phương Đông

Cuối thập niên 1960, bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của Hom Nguyen rời Việt Nam đến nước Pháp, định cư tại Paris. Bà chỉ có người con duy nhất là Hom Nguyen, một đứa trẻ mà bà không ngờ là sau này trở thành họa sĩ nổi tiếng trên thế giới. Năm 1978, sau một tai nạn xe hơi, bà bị liệt nửa người, không thể làm việc nên Hom Nguyen buộc phải bỏ học. Năm sau, mẹ mất, không còn chỗ dựa, buộc Hom Nguyen phải kiếm sống trong vai trò nhân viên bán giày. Do quá cô đơn, anh tìm lãng quên trong hội họa, một thế giới mà anh yêu thích. Anh vẽ suốt những khi rảnh rỗi, vẽ bất cứ điều gì ám ảnh, bất kỳ những gì mà nội tâm anh thôi thúc thể hiện. Khách hàng và những người quen dần dà nhận ra năng khiếu hội họa của cậu bé, đặt hàng cho cậu vẽ, thế là Hom Nguyen có thể tự kiếm sống bằng năng khiếu thiên bẩm của mình.

Họa sĩ Hom Nguyen.

tatlerasia

Hom Nguyen là một nghệ sĩ tự học vẽ, chưa từng tiếp nhận một bài học vỡ lòng nào về hội họa, do đó anh không theo khuôn phép của một họa pháp nào cả.

T.L

Năm 2016, nhân dịp Hội chợ nghệ thuật đương đại Paris tổ chức tại bảo tàng Grand Palais (Đại Cung), Tổng thống Pháp François Hollande đến thưởng lãm, đặc biệt quan tâm và khen ngợi tác phẩm của Hom Nguyen. Trên tờ The Bangkok Post, Hom Nguyen cho biết anh là người mang trong mình một nền văn hóa kép kết hợp giữa phương Tây và phương Đông. Anh đang nỗ lực để tạo ra một nền tảng văn hóa rộng lớn hơn, một mối liên kết giữa Pháp và châu Á. Năm 2019, trong sự hợp tác của bảo tàng La Monnaie de Paris và tạp chí Vogue, anh đã vẽ chân dung Michelle Obama, phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tác phẩm mang tính biểu tượng này đã được Christie's bán đấu giá để gây quỹ ủng hộ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (ONU Femmes).

Cùng năm đó, anh tặng một bức chân dung của Édith Piaf, ca sĩ huyền thoại Pháp thế kỷ 20, để triển lãm tại lối vào cánh Meyniel của Bệnh viện Tenon, nơi Piaf sinh ra năm 1915. Sau đó, Hom Nguyen tham gia lễ kỷ niệm 250 năm của Hoàng đế Napoléon Bonaparte, bằng cách thực hiện một bức chân dung đương đại của vị vua này cho Tòa tháp Calvi trên đảo Corsica - một trong những di tích lịch sử chính thức của nước Pháp.

Hầu hết tác phẩm của Hom Nguyen được thể hiện trên vải bố, bằng những chất liệu khác nhau như sơn dầu, than, bút chì, phấn màu, mực tàu hay acrylic...

Mỗi bức tranh của Hom Nguyen hiện lên như một cuộc đấu tay đôi với chất liệu, từ đó nảy sinh khát vọng bộc lộ sâu thẳm con người

T.L

Công việc của Hom Nguyen cho thấy một sự cam kết phục vụ cộng đồng, chứng minh bằng những đóng góp thường xuyên mà anh dành cho trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân của bạo lực và cho bệnh viện. Năm 2020, Hom Nguyen đã thực hiện một cuộc đấu giá kỷ lục với số tiền 224.000 euros để ủng hộ tổ chức phi chính phủ Enfants du Mékong. Nhờ số tiền này, 750 trẻ em có thức ăn thức uống, có thể học thêm tại trung tâm trong một năm, cụ thể là học vẽ. Hom Nguyen hy vọng điều này sẽ khuyến khích các nghệ sĩ khác, tạo ra một làn sóng hảo tâm trong thế giới nghệ thuật để hỗ trợ các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ.

Theo Wikipedia, “chất liệu cũng như màu sắc và sự chuyển động đường nét của Hom Nguyen chiếu lên vải bố bằng một kỹ thuật đôi khi gần giống với tác phẩm của họa sĩ Thụy Sĩ Alberto Giacometti trong việc xử lý bản vẽ, đường kẻ không bao giờ hoàn toàn bao quanh mô hình; đó là nghệ thuật tượng hình của họa sĩ Lucian Freud với nét vẽ biểu cảm, bị tra tấn với sự chồng chất của vật chất. Tuy nhiên, Hom Nguyen cung cấp một vốn từ vựng mới về hình ảnh nhờ cách diễn đạt giàu cảm xúc hơn”. Có nhà phê bình cho rằng “mỗi bức tranh của Hom Nguyen hiện lên như một cuộc đấu tay đôi với chất liệu, từ đó nảy sinh khát vọng bộc lộ sâu thẳm con người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.