‘Vẽ gì cũng là tự họa' - 60 năm cuộc đời đi vẽ của họa sĩ Trịnh Lữ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/01/2022 10:32 GMT+7

Trong giới hội họa và văn học thì Trịnh Lữ không phải là cái tên xa lạ. Một phần vì người có cả hai cái tài như ông không nhiều, phần thứ hai bởi trong lĩnh vực nào ông cũng đạt đến thành quả không thể phủ nhận.

Vẽ gì cũng là tự họa là tuyển tập các bức tranh mà họa sĩ Trịnh Lữ đã vẽ từ năm 1963 tới nay. Cuốn sách được biên soạn với ý định khiêm nhường “ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua”. Về tên gọi này, tác giả giải thích rằng: “Mình vẽ theo lối 'mắt thấy, tay vẽ', mà phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy. Sau vẽ nhiều thì nhận ra là cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cách mình cảm thấy, và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ gì ngoại cảnh cũng thực là vẽ cái thế giới nội tâm và vẽ chính mình”.

Vẽ gì cũng là tự họa là tuyển tập các bức tranh mà họa sĩ Trịnh Lữ đã vẽ từ năm 1963 tới nay

Cuốn sách mỹ thuật mới nhất của họa sĩ Trịnh Lữ khởi đầu Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của Omega Plus

Những tâm sự "rút ruột" của tác giả gởi đến bạn đọc

NVCC

Cuốn sách mỹ thuật mới nhất của họa sĩ Trịnh Lữ khởi đầu Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của Omega Plus và cũng là chủ đề triển lãm cá nhân của ông được diễn ra tại The Muse Artspace dưới sự đồng tổ chức của The Muse, Omega Plus và The Book Lag.

Họa sĩ Trịnh Lữ học hội họa và thiết kế từ nhỏ khi có cha là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Khang. Sau này ông tu nghiệp thêm về hội họa và tâm lý học thị giác ở Đại học Cornell (1992-1994); hội họa, lịch sử và phê bình mỹ thuật tại đại học Wisconsin ở Milwaukee (2014-2018) tại Mỹ. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1993 tại Upstair Gallery ở Ithaca (Mỹ) và tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn Trịnh Lữ là “Nghệ sĩ của năm”. Triển lãm cá nhân thứ hai cũng tại Ithaca, do Artifax Gallery tổ chức năm 1994. Các ấn phẩm thiết kế của ông đã từng dùng tại Citibank và Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc ở New York. Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng. Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến đọc diễn văn khai mạc cuộc trưng bày này, coi đây là một hoạt động văn hóa tự phát đặc biệt có ý nghĩa đánh dấu 20 năm ngày nối lại bang giao Việt - Mỹ.

Họa sĩ Trịnh Lữ

NVCC

Cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa do chính tay ông tự thiết kế và viết chú thích, cùng lời tựa được viết bởi họa sĩ nhà phê bình nghệ thuật và nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, điêu khắc gia Đào Châu Hải.

Nếu gọi tác phẩm mới của ông là một triển lãm tranh qua sách, có lẽ không đủ mà là tuyển tập, bao gồm rất nhiều bức tranh cũ, mới trong suốt hơn sáu chục năm vẽ không ngừng của họa sĩ Trịnh Lữ. Như lời chào, lời nhắn nhủ nhỏ ở đầu sách, do chính tay tác giả Trịnh Lữ viết, bước vào cuốn sách này, bạn đọc như được mời đến nhà dùng trà, cùng ngắm tranh, rồi tâm tình đôi ba câu chuyện quanh tranh, quanh trà… Từ chuyện tranh mà nghe ra cả chuyện người, chuyện mình, nghe ra cả nhân tình thế thái… đầy nhẹ nhàng, sâu lắng.

Không chỉ là một cuốn sách hay và đẹp, cái hay của cuốn sách chính là, người đọc cũng là người xem tranh, là người thưởng tranh, biết về Trịnh Lữ vẽ thuở lên 5 lên 6 cho đến Trịnh Lữ của những ngày đã 70 tuổi; biết về những câu chuyện rất riêng của tác giả, những người thân ruột thịt, những tháng ngày ham vẽ hơn ham học tích phân hàm số…; nhưng rồi thành ra chuyện riêng chung lúc nào không hay.

Nghe ông kể chuyện rồi ngắm tranh ông vẽ, rồi như được trò chuyện, được đối thoại với một con người, một cảnh vật, một bình hoa, một mùa xuân này, một cảnh mùa thu rơi kia... khi thì nhẹ nhàng, đôi khi như thủ thỉ, đôi khi như tâm tình, có lúc lại đáng yêu, và dí dỏm vô cùng. Để thấy mọi sự quanh mình đều có lời riêng, đáng trân quý vô cùng. Nghe tâm tình rồi cái tâm của ta cũng sinh tình, mà nở hoa…

Bằng "Lối đi riêng dưới chân mình", họa sĩ Trịnh Lữ bày chữ, chọn tranh theo những mảng đề tài sáng tác của mình: Chân dung; Tĩnh vật và Phong cảnh. Tưởng là tách rời, nhưng hóa ra không phải. Tưởng là xa lạ mà hóa ra thân quen lúc nào.

Các tác phẩm tuyển chọn của họa sĩ Trịnh Lữ giới thiệu tại triển lãm

NVCC

Nhân dịp ra mắt sách, họa sĩ Trịnh Lữ cũng tổ chức một triển lãm cá nhân hiếm hoi có chủ đề cùng với tên sách tại Hà Nội (từ ngày 4.1 - 11.1). Các bức tranh của ông lần này được trưng bày theo 3 mảng chính: tranh phong cảnh, tranh chân dung và tranh tĩnh vật theo phong cách “bức tường tranh” (gallery-wall). Thật khó để có thể trong một vài dòng tóm tắt được cả ba mảng tranh của một người đã vẽ đến năm ngoài bảy mươi, trải qua cả sự giáo dục mỹ thuật ảnh hưởng Đông Dương và phương Tây nhưng triển lãm này hứa hẹn sẽ đem lại những rung cảm nghệ thuật đầy tri thức và ấm áp dành cho những người yêu mỹ thuật, quý mến người họa sĩ tài hoa này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.