Giá nhiều dịch vụ chỉ tăng không giảm:

Tiêu thụ giảm, giá gạo, vật liệu xây dựng vẫn tăng

07/07/2023 06:26 GMT+7

Thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh trên toàn "mặt trận", nhưng chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất, gần 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá gạo trong nước cũng tăng mạnh trong 2 quý đầu năm nay.

Chi phí hàng tồn, lãi vay… đổ vào giá

"Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và nhà ở xã hội, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực này, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 6 vừa qua.

Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services cũng cho biết trong nửa đầu năm, số lượng dự án mới mở bán giảm sâu, nguồn cung hiện hữu chủ yếu đến từ dự án đã triển khai nhiều năm trước, chiếm 90% tổng nguồn cung sơ cấp tại các vùng trọng điểm. Cụ thể, tại TP.HCM và Hà Nội, trong quý 2 nguồn cung mới căn hộ giảm trên dưới 90% so cùng kỳ năm ngoái. Tại TP.HCM và các vùng lân cận, bất động sản thuộc hàng sơ cấp như căn hộ của khu đông thành phố giảm 70% so cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ giảm, giá gạo,vật liệu xây dựng vẫn tăng - Ảnh 1.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu

Q.T

Ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc Công ty Global Home, cũng cho biết thị trường bất động sản trong 6 tháng qua giảm mạnh hơn 20%. Cụ thể, mảng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tăng nhẹ nhờ một số chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Còn lại, bất động sản du lịch và bất động sản hạng sang là "đóng băng" toàn tập. Đặc biệt, khi những cam kết hỗ trợ lãi suất của các chủ đầu tư đối với người mua cho đến khi bàn giao nhà bị hủy ngang vì chủ đầu tư khó khăn, đẩy các nhà đầu tư thứ cấp "lao đao" hơn, nhiều trường hợp bị rơi vào danh sách nợ xấu.

Đáng nói, trong bối cảnh dự án mới hầu như rất hiếm, nhu cầu xây dựng nhà ở cá nhân cũng không cao, nhưng theo Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý 2/2023 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,13 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Duy Thành nói có 3 lý do khiến giá vật liệu tăng và dự báo sẽ giữ đà tăng trong quý 3, quý 4. Thứ nhất là do nhu cầu xây dựng không tăng, hàng tồn kho tăng khiến nguồn tiền kinh doanh của doanh nghiệp bị chôn thời gian dài. Khi bán hàng, chi phí lưu kho được tính luôn trong đó. Thứ hai là giá tăng từ niềm tin rằng có nhiều chính sách cởi trói nên thị trường bất động sản trong thời gian tới hứa hẹn khởi sắc. Thứ ba là chi phí lãi vay ngân hàng cao. "Cả 3 yếu tố trên được tính toán đẩy vào giá bán. Trong thời gian sắp tới, dự báo giá vật liệu xây dựng vẫn giữ mức cao cũng từ niềm tin sẽ có loạt dự án đầu tư công khởi công tăng tốc trong 2 quý cuối năm", ông Nguyễn Duy Thành chia sẻ.

Tiểu thương nâng giá gạo ?

Trong nhóm mặt hàng tăng giá 6 tháng đầu năm có sự góp mặt của gạo khiến nhiều người ngạc nhiên. VN là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhưng 6 tháng đầu năm giá gạo tăng 2,53% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

Nhìn lại từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo thuận lợi, mang lại giá trị lợi nhuận cao cho người trồng lúa. Trong tháng 6, gạo 5% tấm của VN có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của VN cũng tăng 5 USD/tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ. Ngày 6.7, tại khu vực ĐBSCL điều chỉnh giá lúa tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.400 - 6.700 đồng/kg. Với các chủng loại lúa còn lại, giá duy trì ổn định so với hôm trước. Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo về ít, trong khi nhu cầu thu mua nhiều khiến giá lúa gạo tăng và neo ở mức cao, thậm chí nông dân đang chào bán lúa cắt vào cuối tháng 7.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các chợ lẻ, giá gạo cũng bình ổn sau khi tăng nhẹ thời điểm trước đó. Cụ thể, nếp ruột vẫn ổn định ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg. Gạo thường có giá 11.000 - 12.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen có giá 22.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine giá 15.000 - 16.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài giá 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng giá 14.500 đồng/kg; gạo Nàng Hoa giá 18.500 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động 14.000 - 15.000 đồng/kg. Gạo Sóc Thái giá ổn định 18.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan có giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg và cám duy trì mức 8.500 - 9.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng với nhiều kỷ lục được xác lập không chỉ ở trong nước mà cả trên thị trường xuất khẩu. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang được thu mua ở mức 10.100 - 10.150 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Gạo thành phẩm tăng 50 đồng/kg lên mức 11.450 đồng/kg… Bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc Công ty gạo Vi An (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết: "Giá gạo các chủng loại hiện nay đều tăng lên từ 200 - 500 đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do hết mùa vụ, trong khi nhu cầu xuất khẩu nhiều. Còn tiêu thụ trong nước mấy tháng nay rất thấp, thậm chí hiện nay đang ế khách". Chủ doanh nghiệp này nhận định hiện nay gạo từ Ấn Độ đang nhập về nhiều, nếu không giá gạo trong nước có thể còn tăng cao hơn nữa.

Đại diện Hiệp hội Lương thực VN khẳng định: "VN là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong đó lượng gạo dành cho xuất khẩu năm nay từ 6 - 7 triệu tấn sau khi đã tính toán đầy đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa và dự trữ quốc gia. Như vậy an ninh lương thực luôn được đảm bảo, dù giá trong nước có lên, xuống nhưng mức độ trong sự kiểm soát vì thực tế VN không thiếu gạo, thậm chí dư dùng vì người Việt ngày càng ăn cơm ít hơn".

Đại diện một doanh nghiệp lương thực thừa nhận: "Nhu cầu tiêu thụ trong nước hiện nay đang giảm vì tình hình kinh tế khó khăn, nhiều bếp ăn tập thể, khu công nghiệp phải giảm công suất. Tuy nhiên, việc giá gạo nội địa tăng chủ yếu là do thiếu hụt cục bộ và tâm lý nâng giá của một số ít tiểu thương". Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một đại lý gạo tại P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: "Mấy tháng nay có nhiều loại gạo tăng giá, có loại tháng này tăng, có loại tháng trước tăng, có loại giữ nguyên giá. Việc tăng giá là do nhà cung cấp nguồn điều chỉnh, thực tế lượng khách trong nước tiêu thụ vẫn không có sự thay đổi đột biến".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.