Tiểu thương chợ nhà giàu Tân Định trong 'năm Covid': ‘40 năm, chưa bao giờ te tua như thế’

28/05/2021 09:50 GMT+7

Sau mỗi đợt dịch Covid-19 , tiểu thương chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) vừa chớm hồi phục được đôi ba phần thì lại đến đợt dịch khác, những người bán buôn lâu năm ở chợ phải thốt lên ’40 năm chưa bao giờ te tua như này’.

Hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế, rõ nhất là ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người và tiểu thương ở chợ Tân Định cũng không ngoại lệ. Nơi đây từng được biết đến với tên gọi là “chợ phồn hoa”, “chợ nhà giàu”, nhưng nay thì buồn hiu, ảm đạm.

Sáng 28.5: TP.HCM thêm 8 ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan Hội thánh, 2 ca ở Bệnh viện Hoàn Mỹ

“Te tua, tơi tả”

Đây là câu trả lời của bà Vũ Thị Nhuận (58 tuổi) bán trứng trong chợ Tân Định khi PV hỏi thăm tình hình buôn bán những ngày gần đây. Từ trước giải phóng, mẹ của bà Nhuận đã bán hàng trong chợ. Sau giải phóng, bà được mẹ giao lại sạp và gắn bó tới nay.

Chợ Tân Định ngày trước được xem là nơi phồn hoa của những người Sài Gòn giàu có

Ảnh: Vũ Phượng

Tiểu thương ở chợ gặp khó vì dịch Covid-19

Ảnh: Vũ Phượng

“Hơn 40 năm bán ở chợ, chưa bao giờ tôi thấy chợ te tua, vắng vẻ như thế này. Dịch Covid-19 đợt đầu giảm phân nửa khách, vừa "ngáp ngáp" lại được chút thì đợt dịch tiếp, cứ vậy, tới đợt này thì 10 phần chỉ còn 2 phần. Vừa có “lệnh” không bán tại chỗ, mấy chỗ mối của tôi mang trứng ra gửi lại. Mối mà, người ta cũng đâu muốn nghỉ bán, tôi phải nhận lại để bán lẻ chứ biết sao. Không dịch kiếm cơm, có dịch thì bán kiếm cháo”, bà Nhuận thở dài.
Theo lời bà Nhuận, những ngày qua không chỉ hàng của bà ế khách mà hàng nào cũng như vậy, có hôm trời mưa nguyên ngày thì nhìn xung quanh chợ chỉ toàn là tiểu thương, ngóng hoài không thấy khách. Dù vậy, những khoản thuế, hoa chi, môn bài, lợi tức hiện vẫn phải đóng đều đặn khiến họ có nhiều nỗi lo.

Ở các cửa ra vào, chợ để thông báo yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tiếng loa phát thanh trong chợ cũng thường phát thông báo nhắc nhở tiểu thương, người đi chợ chấp hành quy định, giữ khoảng cách

Ảnh: Vũ Phượng

40 năm bán hàng ở chợ Tân Định, bà Nhuận cho rằng chưa bao giờ thấy cảnh te tua như thế này

Ảnh: Vũ Phượng

Theo ghi nhận, 9 giờ sáng, người của ban quản lý chợ đứng gác ở các cổng ra vào, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang trước khi vào trong chợ. Bên trong, từ quầy thực phẩm cho tới quầy vải vốn nổi tiếng hay quầy dép đều vắng vẻ, người bán nhiều hơn người mua.
Tiểu thương ngồi dọc trước các sạp, người thì bấm điện thoại, người chống cằm, người nhìn trước nhìn sau. Nghe thấy tiếng bước chân qua, nhiều người tới tấp hỏi thăm: “Em cần gì em?”, “Chị mua gì chị”…

Chợ Tân Định vốn nổi tiếng là chợ bán vải đẹp, chất lượng ở TP.HCM. Khách du lịch đến TP.HCM cũng thường ghé chợ Tân Định

Ảnh: Vũ Phượng

Chủ sạp vải Xuân Thư (68 tuổi) bán 30 năm ở chợ Tân Định cũng phải thốt lên: “Nhìn lối đi chính của chợ vào hàng vải kìa, từ đầu chợ nhìn được xuyên xuống cuối chợ, bình thường là chi chít người không đó”.
Dù vắng vẻ là vậy, nhưng toàn bộ vốn liếng bỏ vào đây, tiểu thương lại cố gắng bám trụ để duy trì. Gặp ngày nào mưa nguyên ngày, chợ vắng tanh họ mới đành dọn về sớm, vì có ngồi chờ cũng chẳng có bóng khách nào.

Bà tổ trưởng dân phố và cuộc chiến chống Covid-19 đang nóng bỏng ở TP.HCM

“Còn bán được là may”

9 giờ 30 phút, khu bán giày dép vẫn còn nhiều sạp chưa mở cửa, một sạp treo biển sang sạp. Bà Quách Thị Côi (59 tuổi, chủ sạp dép) kể lại, ngày chưa có dịch ở chợ Tân Định khách du lịch nước ngoài, trong nước lúc nào cũng nườm nượp. Giờ thì…

Cả ngày, hàng dép của bà Côi có khi chỉ bán được 1 - 2 đôi

Ảnh: Vũ Phượng

Khu vực mặt tiền chợ phía đường Hai Bà Trưng cũng vắng khách

Ảnh: Vũ Phượng

Nhớ lại nhiều năm trước, bà Côi nói giá sang sạp từ 400 – 500 triệu đồng nhưng tìm đỏ mắt không có để mà sang, giờ thì giá khoảng hơn 100 triệu nhưng treo bảng hoài cũng để đó. Sau mỗi đợt dịch, việc bán hàng trong chợ lại bị ảnh hưởng nặng thêm một chút.
Bà kể: “Bình thường tới 10 giờ 30 phút là bán được mười mấy đôi, mà giờ có khi cả ngày mới được 1-2 đôi. Nhiều hôm ngồi không tôi cũng nghĩ các giải pháp hay là đóng cửa xin không đóng thuế, nhưng thôi cứ mở vớt đôi nào hay đôi đó. Lâu lâu có khách lại hỏi mua dép thì họ chỉ hỏi dép nhựa thôi, mời mua dép thời trang thì họ nói mua về rồi biết đi đâu”.

Một bảng sang sạp trong chợ gần 1 năm qua nhưng chưa có người hỏi thăm

Ảnh: Vũ Phượng

Chủ sạp đặc sản Thu Hà cho biết, 20 năm bán hàng ở chợ, đây là lần bà gặp cảnh thê thảm như thế này. Qua mỗi đợt dịch Covid-19, khách càng thêm vắng vẻ, có ngày chỉ bán được vài chục ngàn

Ảnh: Vũ Phượng

Theo bà Côi, còn mở cửa bán được vẫn là may, nhìn một số bạn hàng phải xổ hàng chợ ra đường bán 10.000 – 20.000 đồng/đôi để dẹp sạp luôn mới thấy tác động rõ nhất của dịch.
Bà Nguyễn Thị Vân (66 tuổi, bán tạp hóa hơn 30 năm trong chợ Tân Định) cũng nhận xét, suốt hơn 30 năm chưa bao giờ bà gặp cảnh chợ vắng đến như vậy. Nhất là với các loại hàng hóa bà bán, giờ ở đâu khách cũng có thể tìm mua được nên mỗi ngày chỉ lai rai duy trì.

Tiểu thương ngồi ngóng khách...

Ảnh: Vũ Phượng

May mắn hơn mọi người, sạp rau của bà Phạm Thị Hằng (61 tuổi) vẫn bán hết hàng mỗi ngày. Bà Hằng từ Q.9 vào chợ Tân Định bán rau được gần 20 năm. Bà chia sẻ dịch không ảnh hưởng nhiều tới sạp rau, vì sạp nằm ngay lối đi, xe máy có thể chạy thẳng vào mua nên chỉ ngày mưa mới vắng khách, còn dịch và không có dịch "một chín, một mười"

Ảnh: Vũ Phượng

“Dịch Covid-19 thế này người ta ngại ra chợ mà ghé các siêu thị nho nhỏ gần nhà mua cho tiện. Nhà tôi đường Trần Quốc Toản, từ đó ra chợ có một đoạn đã có siêu thị nhỏ nhỏ đủ các đồ. Chỉ có đợt dịch đầu tiên, nhiều người mua đồ trữ thì các hàng hóa của tôi bán được, các đợt sau thì ế lắm, không ai mua hết, càng về sau càng ế thê thảm nữa”, bà Vân chia sẻ.
Hết giờ chợ Tân Định “tấp nập” sáng, một số sạp vẫn chưa có khách hỏi mở hàng, buổi chiều, chợ còn vắng hơn nữa…

Chủng SARS-CoV-2 lây nhiễm trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là biến chủng từ Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.