Năm ngoái, với dịch phẩm Chinatown của nhà văn Thuận, dịch giả Nguyễn An Lý đã đoạt được giải Dịch thuật Quốc gia (National Translation Awards) do Tổ chức Dịch thuật Văn học Mỹ (The American Literary Translators Association, ALTA) trao thưởng. Năm nay, cô vừa tiết lộ sẽ cho ra mắt Biên sử nước phiên bản tiếng Anh của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Khác với Chinatown được ra mắt bởi nhà xuất bản độc lập Titled Axis vô cùng nổi tiếng, Water - A Chronicle sẽ được phát hành qua nhà xuất bản Major Books - một thương hiệu mới ở Anh, chuyên về dịch thuật văn học Việt Nam.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, dịch giả Nguyễn An Lý từng nói rằng: "Một số nhà xuất bản nhỏ ở Anh đang chuyên về văn học một vùng hoặc thứ tiếng nào đó, như Honford Star làm văn học Đông Á, Praspar Press văn học Malta, sắp tới có thêm Major Books chuyên về văn học Việt Nam... Họ đều cố gắng sử dụng người dịch bản địa để góp phần giảm bớt tình trạng vô hình kép của dịch giả 'không trắng'".
Biên sử nước ra mắt vào năm 2020, là tác phẩm đặc sắc đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Ngọc Tư với tiểu thuyết, sau nhiều năm định danh bằng truyện ngắn. Đây là tác phẩm được đánh giá đã kết tinh những đặc sắc trong việc tìm tòi sáng tạo về nội dung lẫn bút pháp, với văn phong tinh tế và sắc sảo, huyền ảo và hiện thực cùng hòa quyện, đan xen trong lớp lớp ngôn từ khiến người đọc không thể rời mắt.
Cuốn sách xoay quanh một người đàn bà ở cù lao đi tìm trái tim của Đức ngài để chữa bệnh cho đứa con của mình. Trên hành trình đó, bà sẽ lần giở câu chuyện của nhiều con người, của nhiều thân phận, như những chi nhánh rồi sẽ hợp lưu ra con sông lớn.
Trước Biên sử nước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng có Cánh đồng bất tận được dịch sang tiếng Anh bởi Nhà xuất bản Trẻ và tiếng Đức bởi GS-TS Günter Giesenfeld, nhà giáo Marianne Ngo, Aurora Ngo và Nguyễn Ngọc Tân do Nhà xuất bản Mitteldeutacher Verlag CHLB Đức phát hành. Vào năm 2018, tiểu thuyết nói trên cũng từng giúp bà giành được giải thưởng LiBeraturpreis 2018 của Đức, trong lễ trao giải tổ chức ở Hội chợ sách Frankfurt.
Với thành tích này, có thể thấy văn học Việt Nam đang từng bước vươn ra thế giới, theo những chính sách bài bản, hợp lý thay vì mang tính cá nhân cũng như rời rạc trước đây.
Bình luận (0)