Theo báo cáo của DealStreetAsia, một nguồn tin xác nhận rằng cả hai bên đã được sự chấp thuận từ cơ quan cạnh tranh của Bộ Công thương, nghĩa là việc sáp nhập có thể xảy ra trong tương lai gần. Cả hai phát ngôn viên Tiki và Sendo đều từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề.
Tại Việt Nam, Tiki và Sendo là những công ty cạnh tranh với Lazada và Shopee. Theo thống kê trong quý 3/2019 của iPrice, Shopee và Sendo nổi lên như hai nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Việt Nam theo lưu lượng truy cập web, còn Tiki tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này. Mặc dù vậy, ở thời điểm đó iPrice dự đoán sự sụt giảm lưu lượng truy cập trang web hằng tháng của Tiki chỉ đơn giản là biến động tạm thời do công ty đang tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng.
Crunchbase ghi nhận, cả Tiki và Sendo đều đã huy động được nguồn vốn mạnh mẽ. Trong khi Sendo huy động được vòng Series C trị giá 61 triệu USD vào tháng 11.2019 thì Tiki cũng đã huy động được tổng nguồn vốn lên đến 62,5 triệu USD từ trước đến nay.
Sendo hoạt động với hai hình thức kinh doanh trực tiếp từ doanh nghiệp (B2C) và khách hàng đến khách hàng (C2C), với hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua. Không giống như các đối thủ, Sendo tập trung vào khách hàng ở tất cả khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Được thành lập vào năm 2010 bởi người sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn, Tiki khởi nghiệp như một trang bán sách trực tuyến trước khi chuyển sang bán sản phẩm trên 26 danh mục khác nhau.
Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự đoán đạt 23 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh đang ngày càng khó khăn do lĩnh vực này bị kìm hãm bởi các vấn đề như hậu cần và thiếu niềm tin của người tiêu dùng.
Một số nền tảng thương mại điện tử nhỏ hơn gần đây đã rời khỏi khu vực cạnh tranh này, bao gồm Adayroi của Vingroup, Lotte.vn của Lotte và sàn thương mại điện tử Leflair.
Bình luận (0)