Từ chỗ mở rộng xuất khẩu, nhiều công ty đang quay về khai thác thị trường trong nước, thậm chí bán lẻ, bán dạo... Nhưng để tăng sức mua là bài toán không hề đơn giản trong lúc này.
Người lao động đau đầu với bài toán chi tiêu
Chị Lê Thị Thu Hà, kế toán cho một công ty có vốn đầu tư Đài Loan chuyên sản xuất hàng điện tử và may mặc tại Hà Nội, kể: "Trước giờ tôi chưa từng nghĩ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến công ty tôi đang làm, bởi họ đã có bề dày hoạt động hơn 20 năm, thu nhập ổn định, phúc lợi cho người lao động rất tốt. Nhưng đùng một cái, chỉ trong vòng mấy tháng nay, công ty đã cắt giảm nhân sự từ 3.700 người xuống còn 1.700 người. Dù vậy, những người còn giữ lại cũng không sử dụng hết, chỉ khoảng 400 người làm việc cùng lúc, số còn lại phải xoay tua. Trước đây, công nhân làm tăng ca cả ngày thứ bảy và chủ nhật, đến nay 1 tuần chỉ làm 3 buổi. Thu nhập từ 9 - 10 triệu/tháng đến nay chỉ còn 3 triệu/tháng".
Cũng vì thế theo chị Hà, mọi chi tiêu của cá nhân chị đều cắt giảm hết, bữa ăn gia đình thì cố gắng duy trì vì các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bản thân chị trước đây mua sắm online có khi hàng triệu đồng mỗi tháng, hiện nay thì không dám mở Facebook hay Zalo nữa vì sợ phải tốn tiền linh tinh. Trước đây chị học Yoga, học tiếng Hoa, nhưng nay nghỉ hết vì không kham nổi.
Chị Hồng, phụ trách bếp ăn của một công ty điện tử tại Bình Dương, cũng cám cảnh: "Chưa bao giờ nhìn thấy cảnh người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng như hiện nay, trong đợt dịch Covid-19, dù bị hạn chế đi lại nhưng tích lũy vẫn còn, sau dịch vẫn mua sắm bình thường. Giờ thì căn tin của tôi bán cả ngày cũng không có người ăn, có ngày doanh thu vỏn vẹn 160.000 đồng. Một phần bởi vì lượng lao động bị cắt giảm, nhưng những lao động còn tiếp tục làm việc cũng không muốn tiêu xài gì vì họ phải để dành cho con đi học. Lương của nhân viên bếp như tôi cũng giảm chỉ còn 3,2 triệu đồng/tháng. Trước đây thu nhập của bếp tính trên suất ăn của công nhân, hiện nay công nhân nghỉ hết, lương của bếp cũng giảm theo".
Anh Mai Hữu Thế, nhân viên thủ kho của một doanh nghiệp thiết bị phụ tùng ở Bình Dương, cũng đang phải tiết kiệm triệt để chi tiêu trong gia đình sau khi mất việc cũ. Chỉ tay vào đĩa thịt chỏng chơ không có tí rau gia vị trên bàn ăn, anh Thế kể: "Đây là 2 kg thịt của một người bạn tôi gửi cho, tôi để dành ăn dần cả tuần nay. Công ty của tôi thông báo chuẩn bị phá sản vài tháng trước, bảo nhân viên chuẩn bị tìm việc khác. Nhưng bây giờ tìm việc gì cũng khó. Lương công ty cũ của tôi trả 9 - 10 triệu đồng/tháng, chỗ làm mới cách nhà tôi 20 km, lương chỉ có 6,5 triệu đồng/tháng nhưng tôi cũng phải ráng làm. Mọi chi tiêu trong gia đình cũng tiết kiệm lại. Cũng may là tôi có vài người bạn học cũ quan tâm, lâu lâu cũng tiếp tế quần áo, thực phẩm".
"Bức tường thành" sức mua đang ngày càng dày lên, không chỉ chồng chất ở bộ phận người lao động phổ thông mà còn lan rộng ra các đối tượng thu nhập trung bình khá. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tình hình kinh doanh tại các trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM cũng hết sức thưa vắng. Tại một trung tâm thương mại ở Q.7, trước đây tập trung rất đông khách tham quan, mua sắm, giải trí vào cuối tuần nhưng tại thời điểm khảo sát, khách đến thưa thớt dù đang có nhiều chương trình khuyến mãi. Chị Đặng Phương Diễm, ngụ tại P.Tân Quy, Q.7, chia sẻ: "Trước đây tôi thường tranh thủ mua đồ cho cả nhà vào những dịp khuyến mãi lớn, thế nhưng mới đây công ty tôi thông báo giảm 30% lương. Vì vậy, mọi kế hoạch mua sắm quần áo, giày dép… từ nay đến cuối năm tạm ngưng hết. Bây giờ ưu tiên nhất là tính toán để có đủ tiền ăn, tiền học cho con, đến sát tết mới xem xét. Cái gì cần thiết thì mua trước, còn những gì không cần thiết thì chưa mua".
Đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từng được mệnh danh là "con đường hạnh phúc", bởi tập trung nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ cưới hỏi. Nhưng giờ đây, tuyến đường này trở nên đìu hiu, vắng khách, hàng chục mặt bằng bỏ trống. Chị K.L, chủ một cửa hàng áo cưới, thổ lộ: "Tình hình kinh doanh hiện tại ở cửa hàng tôi giảm đi nhiều, mỗi ngày chỉ được vài khách ghé thuê, có thời điểm doanh số giảm đến hơn 50% so với trước đây. Giờ nhiều cửa hàng trả mặt bằng tại đây để tìm những mặt bằng rẻ hơn hoặc tập trung kinh doanh trực tuyến".
Tại các tuyến đường kinh doanh sầm uất lâu nay như Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Nguyễn Trãi (Q.5), Cách Mạng Tháng 8 (Q.10), Lê Văn Sỹ (Q.3)... cứ cách 2 - 3 cửa hàng lại có một mặt bằng trống đang treo biển cho thuê. Tình hình buôn bán tại các tuyến đường trung tâm đìu hiu khác hẳn với sự náo nhiệt trước đây. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đang lộ rõ trong từng nhịp sống, và cả thói quen tiêu dùng đang thay đổi.
Khi ông chủ đi bán dạo
Sức mua thị trường trong nước giảm sút, thị trường xuất khẩu cũng ế ẩm không kém. Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO thương hiệu cà phê nông sản Meet More, kể: "Năm nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến có sự thay đổi đột ngột. Năm trước, sản phẩm của tôi bán chạy lắm, tháng nào cũng có đơn hàng xuất khẩu đi, nhưng năm nay từ thị trường Nga, Mỹ, Úc, châu Âu đều giảm đơn hàng do tiêu thụ chậm. Khách mua bảo rằng tình hình lạm phát, suy thoái đang ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, họ giảm chi tiêu và chỉ mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Khách hàng mới vừa làm quen với sản phẩm cà phê hòa tan của tôi, nay sức mua đã giảm sút thật là một sự thử thách lớn".
Để bù đắp thị trường xuất khẩu sụt giảm, ông Nguyễn Ngọc Luận tranh thủ hợp tác với một số khách hàng từ châu Phi để mở rộng kênh tiêu thụ, song song đó kết nối với hệ thống phân phối trong nước để khai thác thị trường nội địa. "Tôi hay nói đùa với bạn bè rằng đang "đi bán cà phê dạo", nhưng thực tế không sai chút nào. Thời gian gần đây có kênh nào kết nối là tôi tranh thủ gặp gỡ, tiếp thị để đưa sản phẩm vào bán. Năm nay sức mua kém nên càng phải tập trung quảng bá, chào hàng nhiều hơn chứ trông chờ vào các khách hàng cũ thì … ì ạch lắm", ông bộc bạch.
Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, cũng đã chuyển từ xuất khẩu sang bán lẻ nội địa. Bà Anh Thư chia sẻ: "Năm trước tôi ký hợp đồng xuất khẩu tôm hùm sống rất lớn sang Hồng Kông, năm nay cũng tiếp tục ký thêm hợp đồng khác xuất sang Thượng Hải và xuất cua Cà Mau sang Trung Quốc. Nhưng từ tháng 5.2023 trở đi thì đơn hàng dừng hẳn. Mặc dù hợp đồng đã ký nhưng khách không báo xuất nữa nên tạm thời phải ngừng. Tôm hùm là mặt hàng xa xỉ, trong thời điểm kinh tế khó khăn thì sức mua đối với mặt hàng này đương nhiên giảm sút. Bên cạnh đó, khi miếng bánh nhỏ lại thì sự cạnh tranh càng lớn, các nước xuất khẩu tôm khác chào hàng giá rẻ hơn, tôm VN giá cao nên không thể cạnh tranh, mà bán tiểu ngạch qua biên giới thì quá rủi ro, do đó tôi phải ngừng xuất khẩu một thời gian. Trong thời gian đó, tôi mở cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, xem như chuyển hướng và chờ khách hàng nước ngoài quay trở lại".
Là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn, ngành đồ gỗ cũng lâm vào cảnh thiếu hụt đơn hàng, phải cắt giảm lao động và giảm công suất hoạt động. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho hay: Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang phải cắt giảm công suất 60%. Giai đoạn Covid-19 là giai đoạn người Mỹ và EU ở nhà, nhu cầu mua sắm đồ gỗ, đồ nội thất tăng lên. Còn tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thị trường rất khó tiên liệu, mọi tín hiệu thị trường đều kém sáng, doanh nghiệp cũng chưa biết sẽ định hướng như thế nào".
Trong thời điểm đầu ra của đồ gỗ xuất khẩu VN đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đồ gỗ cùng hướng về thị trường nội địa. "Quay lại thị trường nội địa không những giúp các doanh nghiệp gỗ không bỏ phí tiềm năng tiêu thụ trong nước mà còn giúp người tiêu dùng VN sở hữu các sản phẩm nội thất chất lượng cao do chính VN sản xuất. Đây là giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, cho biết.
Phá "tường thành" sức mua bằng cách nào?
Nhận định về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Liêm cho rằng việc này phụ thuộc vào các đối tác, khách hàng tại thị trường nhập khẩu. Khi lượng hàng tồn kho giảm, thị trường tốt lên thì họ mới tiếp tục đặt hàng. Dự báo, khoảng đầu năm 2024 thị trường sẽ bớt khó khăn, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng lại nhưng cũng chỉ là những đơn hàng nhỏ. Thị trường muốn phục hồi thì phải cuối năm 2024. Tốc độ phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Kích thích tiêu dùng trong nước
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
TS Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Nhằm đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có sản phẩm đặc thù, lợi thế; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành gỗ kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường chính và thị trường ngách. Giảm lãi suất vay vốn, giảm chi phí thủ tục vay vốn, tiếp cận vốn ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ xấu. Đồng thời, có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu và giá các loại năng lượng (điện) ổn định. Có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định. Liên quan đến hoạt động mở cửa thị trường, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong việc quảng bá, giới thiệu thông tin về những nỗ lực của VN trong việc cam kết, thực hiện chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong sử dụng nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu.
TS Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí. Song song đó, cần thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm giảm, nhờ đó doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đồng thời, chính sách này cũng tác động trở lại giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do tăng nhu cầu tiêu dùng.
Bình luận (0)