Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khu vực phía Nam thực sự là một khu vực nông nghiệp phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang mang lại những cơ hội cho phát triển thị trường nông nghiệp để nâng cao sinh kế cho người nghèo, cơ hội cho sản xuất nông sản chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng và cơ hội để đóng góp cho nền kinh tế VN.
|
“Tuy nhiên, khu vực cũng mắc phải những điểm yếu cố hữu chung của nông nghiệp VN. Đó là đa phần xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế, chưa sự có tập trung đất đai để làm cánh đồng lớn cũng như chưa có những chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp của mình. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ và trình độ khoa học công nghệ còn thấp, đặc biệt là khâu bảo quản và chế biến sâu, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, cạnh tranh yếu kém và vì thế mà ngành công thương phải thường xuyên giải cứu nông sản”, GS.TS Nguyễn Đông Phong nêu ra.
Th.S Đinh Hữu Hoàng, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã chỉ ra cơ hội và thách thức của nông sản VN trước thềm Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Trong năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN và EU đạt 56,4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỉ USD. Đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, EU là thị trường lớn thứ 2 về xuất khẩu của VN (chiếm 15%), Trung Quốc (21%). EU cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về rau quả và một số sản phẩm nông, thủy sản chế biến khác của VN xuống 0%.
Tuy nhiên, rào cản vẫn là vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu từ 0 - 5% cho các nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp dành cho sản xuất nông nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp nước ta. Cắt giảm thuế cũng làm gia tăng sức ép đối với nhà sản xuất trong nước về cam kết an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các cơ chế chính sách hiện vẫn còn khá bất cập, chồng chéo và thiếu tính đồng bộ. Các giải pháp về tăng tính bền vững của sản xuất, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu nông sản; đầu tư công nghệ hiện đại, xúc tiến nhanh chóng việc xây dựng một chuỗi cung ứng với khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế; quản lý, kiểm soát và thể chế quản lý vệ sinh ATTP; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu…
Bình luận (0)