Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 11: Chọn nông nghiệp là mũi nhọn

13/07/2012 03:50 GMT+7

Đó là lựa chọn của hầu hết các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế cho kinh tế VN trong giai đoạn tới. Xác định lại ngành mũi nhọn để có đầu tư, tạo đột phá là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN phân tích, Hàn Quốc và một số nước như Singapore, Thái Lan... có các tập đoàn mạnh về tài chính và nhân lực nên dễ dàng hình thành các ngành kinh tế hoặc sản phẩm mũi nhọn. Nhưng đến nay VN vẫn chưa thể xác định đâu là ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi các tập đoàn lớn là doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động chưa thành công nên khó đi theo hướng này.

gặt lúa 
Xây dựng chiến lược cụ thể phát triển ngành nông nghiệp - Ảnh: Bạch Dương

Ngành lợi thế

Theo TS Thiên, đối với VN, nông nghiệp là ngành cơ sở và từ đó có thể tìm ra sản phẩm mũi nhọn có tính lan tỏa để tập trung đầu tư. Nhưng phải tổ chức nghiên cứu một cách bài bản. Nhà nước không nên tham gia trực tiếp vào việc lựa chọn ngành hay sản phẩm mũi nhọn, mà phải là các tập đoàn thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của nhà nước. Ngành mũi nhọn này phải hội đủ các yếu tố như đúng xu hướng; nếu khôn ngoan thì có thể kết hợp với năng lực mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Còn trong dài hạn, ngành mũi nhọn phải là công nghệ thông tin và công nghệ cao.

 

Phát triển khu công nghiệp để phục vụ nông nghiệp là cần thiết, nhưng để tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở một địa phương mạnh về nông nghiệp là sai. Ở VN thời gian qua hình thành quá nhiều khu công nghiệp bằng cách đánh đổi đất đai của nông nghiệp

TS Nguyễn Văn Ngãi - ĐH Nông Lâm TP.HCM

Làm bật các nghịch lý để ngành mũi nhọn "tự" lộ diện, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Phan Thế Ruệ lập luận, chiến lược phát triển kinh tế VN xác định tập trung phát triển công nghiệp nhưng thực tế cho thấy, nông nghiệp mới trở thành cứu cánh cho công nghiệp trong thời gian qua. Đặc biệt trong lúc kinh tế khó khăn, nông nghiệp góp phần to lớn ổn định việc làm. Sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm xuất khẩu bền vững nhất, có khả năng cạnh tranh trong khi các sản phẩm công nghiệp hiện nay chủ yếu là gia công, nằm trong chuỗi giá trị thấp nhất, cần phải dần loại bỏ để tiến tới các sản phẩm tự sản xuất có giá trị cao hơn. Vì vậy, nên tập trung phát triển nông nghiệp trở thành ngành mũi nhọn. Thậm chí, phải để 2 ngành này hỗ trợ nhau theo kiểu nông nghiệp sẽ tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, giảm nhập siêu và phát triển công nghiệp để đưa công nghệ vào nông nghiệp.

Sản xuất quy mô lớn

TS Vũ Thế Dũng - Phó khoa Quản trị DN (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) - phân tích, để phát triển được ngành nông nghiệp phải tiến lên sản xuất quy mô lớn. Từ đó mới có thể ứng dụng được khoa học kỹ thuật và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ đi kèm. Chúng ta đã có chủ trương phát triển những trang trại quy mô lớn, hiện đại hóa nông thôn. Nhưng để thực hiện được điều này cần có quyết tâm chính trị lớn. Bởi nếu như ngày xưa, mô hình hợp tác xã (HTX) đã không phát huy được động lực phát triển do hình thức sở hữu là của chung thì chính sách đất đai là sở hữu chung cũng khó khuyến khích người dân, DN tham gia đầu tư xây dựng trang trại lớn để sản xuất lớn. Vì vậy, phải có quyết tâm để thay đổi hình thức sở hữu về đất đai. Chính phủ phải vận hành minh bạch để tránh được những yếu tố cản trở khác như có những người nông dân bị mất đất. Kế tiếp cần có quy hoạch vùng cụ thể để đầu tư lập chuỗi dây chuyền liên hoàn. Ví dụ quy hoạch ĐBSCL chuyên sản xuất, nơi khác là nghiên cứu chuyển giao công nghệ đầu vào như giống, cây trồng, kỹ thuật canh tác; nơi khác thì nghiên cứu và cung cấp công nghệ chế biến; nơi khác chuyên sâu hơn về dịch vụ gồm tiêu thụ, quảng bá thương hiệu...

 

63 tỉnh thành như 63 quốc gia

“Chiến lược phát triển ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta không thiếu, mục tiêu luôn đúng nhưng quá trình thực hiện lại gặp khó khăn. 63 tỉnh thành của ta phát triển kinh tế như 63 quốc gia. Địa phương nào cũng làm theo cách của mình, như các tỉnh có phong trào xây dựng cảng biển, sân bay... Điều đó không mang lại hiệu quả, thậm chí còn có tác dụng ngược bởi các lợi ích trước mắt mà không phải lâu dài. Hơn nữa, cơ chế chính sách, nguồn lực, tài chính không đảm bảo khiến nông nghiệp phát triển tự phát, không có định hướng. Chẳng hạn như người dân Bến Tre phá dừa để trồng cây khác và nông dân cứ mãi chạy theo thị trường”, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ nói.

Một chuyên gia kinh tế đến từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển ĐBSCL bức xúc, câu chuyện xây dựng chợ đầu mối đã nói đến nhiều lần nhưng chưa thực hiện được. Trong khi thực tế, bất kỳ sản phẩm nào từ trái cây, hạt lúa, cà phê... đều cần phải xây dựng chợ đầu mối với các công nghệ tồn trữ, chế biến để điều tiết được sản xuất và tiêu thụ mà không bị ép giá. Vì vậy, chúng ta phải đầu tư đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, chế biến và tiêu thụ (nội địa và xuất khẩu). Sở dĩ chúng ta không thể chủ động về giá bán, người dân vẫn luôn gánh chịu thiệt thòi bởi câu chuyện “được mùa thì mất giá” cũng là do thiếu ngành công nghiệp chế biến để tồn trữ và tạo giá trị gia tăng cao cho nông sản. Đây cũng là ý kiến của ông Phan Thế Ruệ khi khẳng định, nếu giải quyết được các khâu này, chúng ta sẽ xây dựng thành công nền nông nghiệp mũi nhọn.

TS Nguyễn Văn Ngãi, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng nhấn mạnh, nông nghiệp phải là ngành kinh tế mũi nhọn và là tiền đề chuẩn bị cho sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ sau này. Có thể nhìn thấy kinh nghiệm của Hàn Quốc qua một quy trình phát triển chặt chẽ như vậy. Không chỉ nói thúc đẩy nông nghiệp là thuần túy đi sản xuất ra lúa, gạo, cà phê... mà phải phát triển công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho lĩnh vực này. Chẳng hạn phát triển cơ khí chế tạo sẽ làm ra nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành nông nghiệp. Dịch vụ sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Có một vấn đề đáng quan ngại là các địa phương phát triển kinh tế như một VN thu nhỏ. Trong khi thực tế, chiến lược phát triển kinh tế quốc gia khác với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh và mỗi tỉnh có lợi thế riêng của tỉnh đó. “Tỉnh Bến Tre có cần thiết phát triển các khu công nghiệp hay không? Phát triển khu công nghiệp để phục vụ nông nghiệp là cần thiết, nhưng để tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở một địa phương mạnh về nông nghiệp là sai. Ở VN thời gian qua hình thành quá nhiều khu công nghiệp bằng cách đánh đổi đất đai của nông nghiệp”, TS Ngãi phát biểu.

GS-TS Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN (VAAS) kiêm Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam:Hướng đi là "cánh đồng mẫu lớn"

 

Lúa gạo với quy mô sản xuất 0,5-1,0 ha/nông hộ là bài toán khó cho VN. Tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đang được triển khai thí điểm ở các tỉnh ĐBSCL là một hướng đi đầy triển vọng để khắc phục những tồn tại trên. Nhưng đây là việc làm rất khó, cần có cơ chế hỗ trợ của Chính phủ. Nhà nước hứa hẹn đầu tư cho nông nghiệp nhiều nhưng thực hiện lời hứa ít.

Chúng ta vẫn chờ đợi sự đầu tư ấy thông qua nguồn vốn chính phủ, ODA, FDI; nhưng rồi tỷ lệ này vẫn ở mức khiêm tốn. Tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ đối với nông nghiệp ở các tỉnh phía nam. Thiếu khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp khó có thể phát triển nhanh.

Khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch hiện còn lạc hậu làm ảnh hưởng đất chất lượng nông sản. Sấy lúa là khâu quan trọng bậc nhất còn đang bị xem thường, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu những quy định, ít có chuyên viên giỏi được đào tạo có hệ thống... đây là những nội dung chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục.

N.T.Tâm (ghi)

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Xây dựng thương hiệu, logo cho nông sản

Theo tôi, không thể làm cá thể được nữa mà cần liên kết sản xuất
 
theo mô hình HTX. Chỉ có hợp tác mới có logo, thương hiệu và chỉ có hợp tác mới giúp cho thương hiệu bền vững được.

Bây giờ, muốn HTX không phát triển èo uột theo tôi lại cần tới vai trò của nhà nước. Kinh nghiệm của Đài Loan, Nhật... cho thấy họ hỗ trợ HTX nhiều lắm, từ tập huấn kỹ thuật cho đến thông tin thị trường, hỗ trợ tài chính để nông dân xây dựng nhà đóng gói (packing house). Một lần nữa tôi xin kiến nghị nhà nước cần xây dựng thương hiệu, tạo cho nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng một logo thống nhất để dán lên các sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có xuất xứ hàng hóa như Thái Lan, để giúp cho người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đạt GAP và không đạt GAP, qua đó thúc đẩy đầu ra.

Chí Nhân (ghi)

TS Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải:Thị trường sẽ quyết định

 

Tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của VN nằm ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin. Tuy nhiên Chính phủ đừng nên vội xác định đâu là ngành kinh tế mũi nhọn và đưa ra những chính sách ưu đãi. Bởi thực tế cho thấy sẽ có hiện tượng những DN, cá nhân đổ xô vào lĩnh vực đó để nhận được ưu đãi nhưng rồi không làm gì.

Quan trọng nhất là để thị trường sẽ quyết định. Chẳng hạn ban đầu chính bản thân một số DN Thái Lan tự mình phát triển những cách thức để thu hút du khách. Sau đó chính phủ Thái Lan thấy các DN đã thành công mới có những yểm trợ như quảng bá thông tin ra bên ngoài và hiện nay ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh thuộc hàng nhất nhì trên thế giới.

Tại VN, nếu như các DN, người dân bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực nào thì có nghĩa họ đã xem ngành đó có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của riêng mình. Nếu xác định sai họ phải trả giá là mất tiền. Chính phủ chỉ nên hỗ trợ bằng cách cung cấp nhiều thông tin hơn nữa trong từng lĩnh vực, hoặc thậm chí có chính sách khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia như giảm thuế mà không bỏ ra đồng tiền nào thì sẽ tránh được những tiêu cực phát sinh hay mất tiền của người dân.

TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Khuyến khích sản xuất quy mô lớn

Sản xuất nông nghiệp là quan trọng nhưng hiện nay người nông dân
 

chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ, lẻ tẻ nên bị chèn ép đầu ra và phụ thuộc vào khâu trung gian. Người sản xuất nhỏ cũng không thể đàm phán nên chi phí đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... quá cao. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng cần phải có diện tích canh tác đủ lớn.

Vì vậy, chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn không phải chỉ tập trung đưa vào các DN nhà nước như kiểu thu mua tạm trữ lúa gạo hay mía, cà phê... mà những ưu đãi phải hướng trực tiếp đến người nông dân, cho người nông dân vay để tập trung cho sản xuất, giảm được tình trạng “bán lúa non” vì thiếu vốn hay bị thương lái chèn ép giá. Chính sách tín dụng này cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc đầu tư và mở rộng dần quy mô sản xuất của người nông dân.

Chúng ta cũng phải xác định vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp giống, thức ăn, phân bón... cho nuôi trồng và sản xuất các ngành nông lâm ngư nghiệp. Thực tế sản xuất nông nghiệp thì lợi nhuận thấp nhưng các công ty kinh doanh sản phẩm phụ trợ cho nông nghiệp đều có lợi nhuận cao. Một khi người nông dân đã tham gia sản xuất lớn thì tự động các DN trong nước cũng sẽ tham gia đầu tư nhiều hơn vào việc cung ứng các dịch vụ, sản phẩm phụ trợ.

M.Phương (ghi)

Mai Phương - N.T.Tâm

>> Tìm lối ra cho kinh tế
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 3: Gấp rút khơi thông tín dụng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 5: Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 7: “Quả đấm thép” dân doanh
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 9: Chấm dứt lối kinh doanh thụ động
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 10: Xây dựng thương hiệu toàn cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.