Tại TP.HCM, một số doanh nghiệp (DN) đã thống nhất không sa thải lao động nữ đang nuôi con nhỏ, lao động đang mang thai, lao động thuộc hộ nghèo. Nếu hai vợ chồng làm cùng công ty thì chỉ giảm một người. TP cũng chỉ đạo các quận, huyện nắm chắc quan hệ lao động tại địa phương, phát hiện sớm, kịp thời đối thoại với người lao động (NLĐ), tránh xảy ra các vấn đề tranh chấp.
“TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, phân vai rõ ràng cho các ngành trong trường hợp lao động mất việc. Trong đó, công đoàn hỗ trợ quà tết, vé tàu xe về quê; BHXH chốt sổ đảm bảo quyền lợi; ngành lao động kết nối tìm việc làm mới và MTTQ tìm nguồn kinh phí xã hội hóa để khi có khó khăn cùng phối hợp xử lý”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay.
Tại Đồng Nai, ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi vận động DN không cắt giảm mà xoay xở không tăng ca, giảm giờ làm để giữ việc cho công nhân. Đồng Nai chủ động thông tin rõ tình hình khó khăn tới công nhân, động viên họ san sẻ với DN. Các bên cũng thương lượng để DN trả lương tối thiểu vùng 170.000 đồng/ngày cho lao động phải nghỉ việc luân phiên”.
Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết để đưa ra giải pháp hỗ trợ NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối với công đoàn ngành, công đoàn các tổng công ty. “Trước hết, công đoàn cơ sở cần động viên đoàn viên, NLĐ; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thành lập nhóm qua mạng xã hội Zalo, Facebook giới thiệu việc làm cho NLĐ sang các DN khác tương đồng về vấn đề tay nghề. Công đoàn cùng thương thảo với DN đưa ra giải pháp tích cực, thay vì chấm dứt hợp đồng lao động mà chuyển hướng nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần, để NLĐ không bị mất việc, chủ sử dụng không bị mất công nhân”.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và giữ chân NLĐ, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới chủ sử dụng lao động (VCCI), thông tin hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị về việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng BHXH để hỗ trợ DN giữ việc cho công nhân. “Quỹ BHTN là do DN và NLĐ đóng góp. Hiện quỹ đang kết dư khá nhiều, hỗ trợ DN trên thực tế cũng là chi về cho NLĐ”, bà Minh nói.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan này đang tập hợp ý kiến của DN, hiệp hội để báo cáo Chính phủ có giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ, đồng thời vừa có văn bản yêu cầu các Sở LĐ-TB-XH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng tết cho NLĐ. “Tết Nguyên đán đang tới gần, NLĐ rất lo lắng tình hình quan hệ lao động sẽ ảnh hưởng đến việc làm, lương, thưởng tết.
Trước mắt, Sở LĐ-TB-XH và VCCI cần chủ động nắm bắt tình hình của DN để có giải pháp hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn hàng, đặc biệt là các thị trường mới. Trên cơ sở đánh giá tình hình, Bộ LĐ-TB-XH dự kiến xây dựng gói hỗ trợ DN và NLĐ trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Hỗ trợ cho ai, hỗ trợ như thế nào, hỗ cái gì cũng sẽ được tính toán cụ thể”, vị này cho biết.
Khảo sát nhanh của Thanh Niên tại TP.HCM cho thấy các DN cũng đang cố gắng xoay xở để giữ chân NLĐ qua việc chi trả các khoản phúc lợi, thưởng tết. Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP In số 7 (công ty có hơn 300 lao động, trụ sở tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết dẫu trong năm nay, công ty gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể công nhân lao động đã luôn đồng cam cộng khổ, phấn đấu cùng công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất. Để tri ân NLĐ, ngoài lương tháng 13 (tương đương 3 tháng lương thực lĩnh), công ty còn thưởng Tết dương lịch 2 triệu đồng/người, thưởng Tết Nguyên đán 7 triệu đồng/người; thưởng A, B, C bình quân 3 triệu đồng/người; lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người.
Kế hoạch trả lương, thưởng tết của các DN được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM yêu cầu thông tin trước ngày 25.12 cho NLĐ, cụ thể là về tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho NLĐ (tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn tết...), thời gian nghỉ tết, nghỉ phép năm, thời điểm trả lương, thưởng. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị các DN đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng. Nếu DN gặp khó khăn, cần trao đổi với tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở (hiện có tổ chức công đoàn) và báo cáo cho Phòng LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để phối hợp, có kế hoạch thưởng tết và hỗ trợ NLĐ.
Phạm Thu Ngân
Bình luận (0)