Chán nản vì gặp những phòng trọ “treo đầu dê bán thịt chó”
Chuẩn bị dọn ra khỏi ký túc xá, N.K.A., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vào các hội, nhóm trên Facebook để tìm phòng trọ. Trên các hội nhóm có vô vàn nhà trọ với nhiều mức giá khác nhau kèm theo hình ảnh vô cùng mới mẻ, đẹp và sạch. Thế nhưng, cô nàng đã vỡ mộng vì thực tế nhiều phòng trọ khác xa trên ảnh.
K.A. chia sẻ: “Mình chật vật tìm phòng trọ cả 1 tháng nay và hơn 50% số phòng khi xem thực tế không giống như trên ảnh. Lúc chụp hình đăng lên họ có chỉnh sửa nên nhìn phòng rất mới, nhưng khi xem thực tế không được như vậy. Có nhiều phòng khi mình xem trực tiếp thì nhà tắm hẹp và gạch lát sàn bị nứt, vòi nước rò rỉ, mọi thứ đều cũ. Chưa kể họ còn dẫn đến xem 1 căn phòng khác, cũ kỹ hơn chứ không phải phòng ban đầu mình muốn thuê. Mình có hỏi thì bên môi giới nói rằng phòng đó đã có người khác thuê rồi”.
Tương tự, cũng trải qua "kiếp nạn" khi xem phòng trọ thực tế không giống trên ảnh, Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, kể: “Trong quá trình tìm trọ xảy ra rất nhiều vấn đề và một trong số đó là mình gặp phải những căn phòng theo kiểu họ "treo đầu dê bán thịt chó”. Hình ảnh đăng trên mạng rất đẹp nhưng khi đến xem phòng thực tế thì khác xa hoàn toàn”.
Thảo kể trong quá trình đi tìm trọ chủ yếu gặp 2 trường hợp. “Một là bên cho thuê đưa mình xem ảnh một đường nhưng khi đến xem trực tiếp là một phòng khác. Trường hợp thứ 2 là đăng ảnh phòng lúc mới xây hoặc vừa sửa lại nhưng hiện tại đã cũ nát. Ngoài ra, họ cũng chọn góc chụp tạo cảm giác phòng rộng hoặc dùng phần mềm chỉnh sửa để căn phòng trở nên sáng và mới hơn thực tế. Cũng có trường hợp họ đăng thông tin phòng trọ không đúng. Chủ trọ thường "đôn" diện tích phòng lên hoặc tính cả diện tích nhà vệ sinh và ban công nên khi đi xem thực tế sẽ nhỏ hơn”, Thảo cho biết.
Cũng từng hụt hẫng khi tìm phòng qua mạng, Trần Khải Hoàng (25 tuổi), ở trọ tại đường Khuông Việt, Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ: “Trong ảnh thì phòng có nội thất, gồm: máy lạnh, kệ bếp, tủ quần áo nhưng khi đến nơi là phòng trống và khá cũ. Mình có thắc mắc thì người môi giới trả lời là hình ảnh được chụp lúc phòng trọ mới xây, còn về nội thất thì muốn như hình vẫn có nhưng giá cao hơn. Lúc đăng bài cho thuê trọ họ để địa chỉ ngoài đường lớn, nhưng thực chất nó nằm sâu trong hẻm, phải đi quanh co như mê cung. Mình may mắn chưa bị lừa khi đi tìm trọ qua mạng nhưng cứ gặp những tình huống oái oăm như vậy thì rất mất thời gian và mệt mỏi”.
Những kinh nghiệm tìm phòng trọ qua mạng
Việc tìm phòng trọ bằng hình thức trực tuyến mang lại sự tiện lợi, thế nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi không phải lúc nào hình ảnh trên mạng cũng giống thực tế. Vậy có những lưu ý gì khi tìm phòng trọ qua mạng để tránh những tình huống dở khóc, dở cười?
Hiện tại, Thảo đã tìm được phòng trọ ưng ý và sắp chuyển vào ở, thế nhưng trước đó là những ngày tháng gian nan, trầy trật. Từ kinh nghiệm tìm trọ gian nan của mình, cô nàng chia sẻ: “Khi tìm phòng trọ trực tuyến và thuê qua môi giới sẽ cao hơn 200.000 - 300.000 đồng, các dịch vụ khác như gửi xe, nước, máy giặt cũng "đôn" giá thêm từ 20.000 - 50.000 đồng. Cho nên mình ưu tiên tìm phòng trọ do chính chủ nhà đăng”.
Cô nàng chia sẻ thêm: “Khi tìm trọ không được vội, những người cho thuê hay đánh vào tâm lý của mình rằng nếu không cọc nhanh thì sẽ hết phòng đẹp. Lúc đó đừng vội tin mà đặt cọc vì sẽ rất dễ dính bẫy lừa. Nên đến nơi xem phòng thực tế, tìm hiểu kỹ và hỏi cặn kẽ các thông tin cần thiết rồi hãy quyết định thuê. Ngoài ra, không được tin hoàn toàn lời người cho thuê; tránh đi xem phòng một mình; đừng ham phòng giá rẻ và phải biết thương lượng”.
Còn với Nguyễn Thị Thanh Hằng (23 tuổi), ở trọ trên đường Hiệp Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM) thì tìm trọ qua mạng nhưng phải biết chọn lọc thông tin. “Khi vào những hội, nhóm cho thuê nhà trọ có rất nhiều loại phòng và mức giá khác nhau cho mình lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế thế nào phải đến xem trực tiếp mới biết được. Mình cũng từng trải qua những lần gian nan tìm trọ và cảm giác hụt hẫng khi căn phòng trước mặt không giống trên ảnh. Cho nên, tuyệt đối không cọc tiền nếu chưa đến xem phòng trực tiếp.
"Từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy một trong những cách tìm trọ chắc ăn nhất là tận dụng các mối quan hệ, hỏi thăm thông qua người quen, bạn bè xem chỗ họ đang ở còn phòng trống không, hoặc nhờ giới thiệu giúp. Như vậy, ít ra mình cũng có thêm được những thông tin chính xác, đáng tin cậy hơn là 1 bài đăng trên mạng xã hội”, Hằng chia sẻ.
Nói về vấn đề có những phòng trọ “treo đầu dê bán thịt chó”, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (37 tuổi), chủ một dãy trọ trên đường Trần Thanh Mại, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi thấy nếu mình đánh bóng quá nhiều thì khi đến xem phòng trực tiếp người thuê sẽ bị hụt hẫng vì không như họ kỳ vọng. Do đó, họ sẽ không thuê. Thường nhà trọ chỉ đẹp lúc mới xây thôi, chứ khi đã qua nhiều người thuê rồi thì muốn mới phải sơn lại, nhưng cũng sẽ không được như lúc ban đầu”.
Chị Hồng cho biết thêm: “Cũng có những trường hợp khi đến xem phòng trực tiếp mặc dù không giống trên ảnh nhưng người thuê trọ thấy cũng tạm ổn, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, vấn đề là họ sẽ hoài nghi về những điều mà chủ trọ này nói và hứa hẹn. Vì ngay từ đầu họ đã quảng cáo phòng quá mức. Tôi thấy việc này mất nhiều hơn là được. Đó là mất thời gian và cả niềm tin”.
Còn anh N.A.B (38 tuổi), chủ một nhà trọ trên đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú (TP.HCM), thì cho hay: “Tôi nghĩ chủ trọ thật thì ít ai làm vậy. Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy nhiều người môi giới chỗ trọ, có thể họ sẽ chỉnh sửa phòng đẹp hơn; khi đăng quảng cáo có đầy đủ nội thất để thu hút người thuê. Bởi khi chốt được phòng họ sẽ nhận được một mức hoa hồng. Bản thân tôi là người trực tiếp đăng bài cho thuê phòng nên có sao chụp ảnh vậy chứ không chỉnh sửa gì. Phòng có sẵn những nội thất gì tôi cũng thông tin ngay từ đầu”.
Bình luận (0)