Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra cách có thể giúp cơ tim dẻo dai hơn trước khi cơn đau tim tiếp theo ập đến.
Với những người trên 65 tuổi đã sống sót qua cơn đau tim đầu tiên, thì đến đến 65% sẽ tử vong do đau tim trong vòng 8 năm sau đó. Một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ tử vong cao là do sau lần đau tim đầu tiên thì mô tim đã bị suy yếu, tổn thương và không thể tự lành lại được, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Trong một nghiên cứu được công bố mới đây trên chuyên san Nature Cardiovascular Research, các nhà khoa học đã xác định một cơ chế cho phép họ có thể điều trị mô tim, nhờ đó giúp mô tim những con chuột thí nghiệm trở nên dẻo dai hơn trước khi cơn đau tim tiếp theo ập đến.
Tế bào cơ tim chịu trách nhiệm cho sự co bóp cơ để tim có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Khi đau tim làm tổn thương cơ tim thì khả năng bơm máu sẽ bị suy giảm. Nhưng tế bào tim một khi đã tổn thương thì không thể sinh sôi và tự tái tạo lại được. Kết quả là hình thành vết sẹo trong tim.
Một trong những giả thuyết giải thích vì sao cơ tim không thể tự tái tạo là do khả năng này có thể làm giảm sức co bóp của tim. Điều này có nghĩa là cơ tim khi đã bị tổn thương thì sẽ không thể lành lại như cũ.
Trong quá trình phát triển của tế bào sẽ xảy ra hiện tượng biệt hóa, tức quá trình mà từ tế bào mầm ban đầu sẽ biến đổi thành các loại tế bào chuyên biệt như tế bào cơ, tim, xương hay bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Ở nhiều bộ phận, khi tổn thương xảy ra thì tế bào trưởng thành sẽ phân chia và tạo ra tế bào con. Các tế bào con này tiếp tục biệt hóa để chữa lành các tổn thương.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện tác động đặc biệt của một loại protein có tên là ERBB2. Protein ERBB2 sẽ được tạo ra khi gien ERBB2 biểu hiện quá mức. Khi hiện tượng này xảy ra thì mô cơ tim sẽ biệt hóa ngược và có khả năng phát triển để bù đắp các tổn thương. Tuy nhiên, hệ quả là khả năng co bóp của cơ tim sẽ giảm.
Sau đó, các nhà khoa học can thiệp để giảm hoạt động của gien ERBB2 thì khả năng co bóp của tim đã khôi phục, đồng thời hiệu suất hoạt động của tim được cải thiện.
Trong nghiên cứu, một con chuột bị đau tim khi 3 tháng tuổi. Các nhà khoa học đã kích hoạt gien ERBB2 cho nó. Đến lúc 5 tháng tuổi, con chuột lại đau tim nhưng các tổn thương tim lúc này đã có khả năng phục hồi.
Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm phương pháp này trên các động vật có vú lớn hơn, chẳng hạn như lợn. Bước tiếp theo, họ sẽ thử nghiệm trên người, theo Medical News Today.
Bình luận (0)