Tìm thấy hơn 2 tấn uranium 'mất tích' ở Libya

17/03/2023 12:29 GMT+7

Hơn 2 tấn uranium mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố mất tích ở Libya đã được tìm thấy vào ngày 16.3.

Tìm thấy hơn 2 tấn uranium 'mất tích' ở Libya  - Ảnh 1.

Các thùng uranium được tìm thấy cách nơi chúng mất tích 5 km

CHỤP MÀN HÌNH AGENZIA NOVA

Theo Reuters, các lực lượng miền Đông Libya ngày 16.3 tuyên bố rằng 10 thùng uranium mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) báo cáo mất tích đã được tìm thấy gần địa điểm chúng được khai báo trước đó ở miền nam Libya.

Ông Khaled Mahjoub, người đứng đầu đơn vị truyền thông của Quân đội Quốc gia Libya, lực lượng quân sự chính ở phía đông, ngày 16.3 cho biết trong một tuyên bố rằng 10 thùng chứa tinh quặng uranium bị mất đã được tìm thấy. Số uranium này tương đương 2,5 tấn uranium tự nhiên.

Tuy vậy, một video khác mà ông Mahjoub công bố cho thấy các công nhân đếm được 18 thùng.

Trước đó, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi khi cập nhật thông tin cho các quốc gia thành viên cho biết đội ngũ thanh sát viên của tổ chức không tìm được 10 thùng chứa tinh quặng uranium tại địa điểm không được nêu tên ở Libya trong một cuộc kiểm tra ngày 14.3. Cuộc kiểm tra lẽ ra phải thực hiện vào năm ngoái nhưng đã bị hoãn đến nay vì tình hình an ninh ở khu vực.

Ông Mahjoub cho biết địa điểm mà 10 thùng uranium mất tích là một nhà kho gần biên giới với Chad. IAEA đã đến nhà kho này vào năm 2020 và niêm phong bằng sáp đỏ. Ông Mahjoub cho biết thêm rằng những chiếc thùng uranium được tìm thấy cách nhà kho khoảng 5 km.

Ông Mahjoub suy đoán một nhóm từ Chad đã đột kích vào nhà kho và lấy đi những chiếc thùng với hy vọng chúng có thể chứa vũ khí hoặc đạn dược, nhưng đã vứt chúng lại.

IAEA cho biết tổ chức đã nghe tin về việc tìm thấy các thùng uranium và đang làm việc để xác minh điều này.

IAEA cũng thông báo cho các quốc gia thành viên rằng số tinh quặng uranium trên đã ở một nơi không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, đòi hỏi phải tiếp cận hậu cần phức tạp. IAEA còn lưu ý số uranium bị mất tích có thể gây ra mối lo ngại về an ninh hạt nhân và phóng xạ.

Úc đã tìm ra viên nang phóng xạ thất lạc trong sa mạc như thế nào?

Libya chìm vào vòng xoáy xung đột kể từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ sau cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào tình hình trong nước. Kể từ năm 2014, nội chiến Libya chính thức bùng nổ với sự phân chia lãnh thổ thành hai vùng đông và tây.

Chính quyền lâm thời Libya, nhậm chức đầu năm 2021 thông qua kế hoạch hòa bình được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, lẽ ra chỉ cầm quyền cho đến khi nước này tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, bầu cử vẫn chưa thể tổ chức và sự tồn tại của chính quyền lâm thời trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.