Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp đầy nhân văn

Mạnh Cường
Mạnh Cường
02/07/2024 13:40 GMT+7

Đó là khẳng định của anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa 11, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra vào sáng nay (2.7).

Sáng 2.7, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (2024 – 2024).

Tham dự hội nghị có anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn.

Tín dụng chính sách là công cụ tài chính hữu hiệu giảm nghèo bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp đầy nhân văn- Ảnh 1.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu mở đầu hội nghị

MẠNH CƯỜNG

Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhận ủy thác và luôn đồng hành với các đối tượng tham gia vay vốn, giúp các hộ vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó, việc đầu tư của một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn thấp…

Cũng theo ông Triết, hội nghị tổng kết hôm nay là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư T.Ư Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành T.Ư, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thời gian đến.

"Tín dụng chính sách là công cụ tài chính hữu hiệu để cùng với những chính sách khác thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh", ông Triết nhấn mạnh.

Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách

Phát biểu tại hội nghị, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn, ghi nhận, biểu dương những thành tích và đóng góp của các cán bộ, viên chức và người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thời gian qua.

Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp đầy nhân văn- Ảnh 2.

Anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn phát biểu tại hội nghị

MẠNH CƯỜNG

Anh Cương khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp đầy nhân văn và sáng tạo của Đảng và Chính phủ để hài hòa mục tiêu vừa mở cửa thị trường phát triển kinh tế, vừa hỗ trợ được những đối tượng yếu thế có thể vươn lên hòa nhập cùng công cuộc đổi mới của đất nước, gia tăng thu nhập, kéo gần khoảng cách thu nhập giữa các khu vực, vùng miền và chênh lệch giàu nghèo.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người nghèo, các đối tượng chính sách trong thời gian tới.

Theo anh Cương, hiện nay tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đó, cần phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội, để hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Muốn vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững.

Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp đầy nhân văn- Ảnh 3.

Anh Ngô Văn Cương tặng bằng khen cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam

MẠNH CƯỜNG

"Cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hàng năm, hàng tháng. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, quan tâm đến công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn, phối hợp giữa hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ và hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả nhất", anh Cương nhấn mạnh.

Anh Ngô Văn Cương cũng mong cấp ủy, chính quyền các cấp cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách.

Đặc biệt, phải tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Tính đến ngày 30.6, tổng dư nợ tín dụng chính sách Quảng Nam đạt 7.842 tỉ đồng (tăng 4.628 tỉ đồng so năm 2014). Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 153/241 đơn vị cấp xã và 3.271/3.407 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Cũng tính đến ngày 30.6, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 772,6 tỉ đồng (tăng 697,8 tỉ đồng so với năm 2014, chiếm 9,8%/tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 25,7%). Tổng nguồn vốn chính sách huy động qua tổ chức, cá nhân và qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 1.248,7 tỉ đồng (tăng 1.109,7 tỉ đồng so với năm 2014).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.