Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi

Mã Phong
Mã Phong
30/03/2023 04:41 GMT+7

Bất chấp công an vào cuộc điều tra, xử lý hình sự hàng loạt vụ 'khủng bố' đòi nợ, nhiều đường dây tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp, gây ra nhiều bức xúc.

Khi người vay chậm góp tiền, mất khả năng chi trả thì các băng nhóm tín dụng đen tổ chức gọi điện đe dọa, tới nhà tạt chất bẩn, ném tờ rơi nhằm khủng bố tinh thần, ép người vay trả nợ. Thậm chí những người thân của người vay liên tục bị khủng bố để ép trả nợ thay.

Ám ảnh tín dụng đen vì "nợ từ trên trời rơi xuống"

Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của chị L.T.A (quê Kiên Giang) về việc chị không đi vay nợ, không ký hợp đồng tín dụng với bất cứ công ty nào nhưng vẫn bị nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) ghi nhận.

Sau khi chị A. đến làm việc, để lại thông tin cá nhân với các công ty tài chính (nơi phát sinh hợp đồng tín dụng liên quan đến mình) thì chị A. và gia đình liên tục bị người lạ nhắn tin đe dọa đòi nợ.

Theo chị A., cuối năm 2016 trong quá trình đi chụp ảnh cưới tại TP.Vũng Tàu, chị mất CMND của mình. Đầu năm 2017, chị A. đã về tỉnh Kiên Giang (nơi chị đăng ký thường trú) báo mất và đã làm lại CMND mới.

Đầu năm 2022, chị làm hồ sơ vay để mua nhà dự án thì phía ngân hàng báo chị có 3 khoản nợ xấu trên hệ thống CIC. Tá hỏa, chị A. đã tìm hiểu và liên hệ với 3 công ty tài chính liên quan đến khoản nợ xấu mang tên chị cách đây 4 năm.

Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi - Ảnh 1.

Tín dụng đen "giăng bẫy" khắp phố phường TP.HCM

T.D.K

Theo lời chị A, qua tìm hiểu các bộ hồ sơ vay, thì được biết một người phụ nữ ngoài 30 tuổi đã dùng CMND của chị bị mất, sau đó thay ảnh của chị trên CMND bằng ảnh người này và ép nhựa lại giống như thật.

Dựa trên thông tin CMND của chị A, người này tiếp tục làm sổ hộ khẩu giả mang tên của chị A. Có được CMND, sổ hộ khẩu giả người phụ nữ này dễ dàng xin vào làm công nhân tại công ty ở H.Trảng Bom (Đồng Nai).

Từ đó, người phụ nữ này được đóng bảo hiểm xã hội, làm thẻ ngân hàng, có bản lương. Trên cơ sở này, người phụ trên đã đi vay 3 hợp đồng tín dụng của 3 công ty tài chính tại TP.HCM. Một khoản vay 40 triệu đồng, 2 khoản vay 20 triệu đồng. Sau khi vay được tiền từ các công ty tài chính, người phụ nữ đã "biến mất".

Để giải quyết các khoản nợ xấu mang tên mình, chị A. tìm đến các công ty tài chính để làm việc. Tại công ty tài chính V. có trụ sở tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chị A. tường trình lại sự việc của mình, để lại thông tin cá nhân, phía công ty có biên bản xác nhận sự việc của chị và tìm cách giải quyết.

Hai đối tượng xuất hiện trước nhà ông T. tại Q.Bình Thạnh để đưa thông báo đòi nợ. Sau đó rải các tờ giấy thông báo nợ trước nhà và khóa trái cửa nhà ông T

Thế nhưng, sau đó số điện thoại của chị A. nhận được các cuộc gọi điện, tin nhắn Zalo từ các số lạ nhắc các khoản nợ. Mặc dù đã nhiều lần giải thích với người đòi nợ là mình không liên quan các khoản vay nhưng không được chấp nhận.

Từ số Zalo của chị A., các nhóm đòi nợ đã lần ra được số điện, địa chỉ bố mẹ, người thân của chị dưới quê.

"Mình đã làm việc không liên quan, nhưng họ cố tình ép mình phải trả khoan vay đó. Họ khủng bố, đe dọa mình, gọi điện chửi bới, bôi nhọ bố mẹ, anh chị em mình để buộc phải trả nợ vô lý", chị A. bức xúc.

Theo chị A., qua quá trình làm việc, hiện tại đã có 2 công ty ghi nhận và xóa nợ xấu cho chị, còn một công ty vẫn đang trong quá trình xác minh.

"Vì mất CMND mà mình rơi vào cảnh nợ chồng nợ, ảnh hưởng công việc làm ăn, mua nhà. Rồi còn bị xã hội đen đe dọa cả gia đình vì những khoản nợ từ trên trời rơi xuống", chị A. nói.

Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi - Ảnh 3.

Nhà ông T. bị tạt sơn khủng bố đòi nợ

Khóa trái cửa, tạt sơn người nhà con nợ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông T. ngụ đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) cho biết, gia đình ông vẫn đang sống trong tình trạng hoang mang, lo sợ người lạ đến khủng bố đòi nợ.

Theo ông T., tháng 6 và tháng 8.2022, nhà ông bất ngờ nhận được thông báo nợ của Công ty mua bán nợ Đại Hoàng Phát và Công ty mua bán nợ Kim Long (cả 2 công ty này có trụ sở tại TP.Hải Phòng) về việc trả nợ cho bà V.T.V.A (chị gái ông T.).

Sau đó, nhà ông T. liên tục bị những người lạ mặt đến gõ cửa để đòi nợ. Không đòi được nợ, những người này đã 3 lần dùng ống khóa, khóa trái cửa gia đình ông T. rồi tạt sơn để khủng bố.

Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi - Ảnh 4.

Công an khám xét Chi nhánh Công ty luật TNHH Power Law tại Q.12, TP.HCM vào tháng 12.2022

THANH TUYỀN

Theo ông T., bà A là chị gái của ông, đã có chồng và ở riêng từ lâu. Do trên CMND của bà A. còn địa chỉ gia đình nên sau khi bà A. vay nợ, và bỏ đi đâu không rõ nên các công ty đòi nợ thuê đã tìm đến nhà khủng bố tinh thần, ép gia đình phải trả nợ thay. Trên giấy thông báo nợ ghi rõ "con nợ bỏ trốn - người thân trả".

"Các công ty mua bán, đòi nợ thuê coi thường luật pháp, ai nợ thì người đó trả, chứ sao kêu người thân phải trả thay, thật vô lý", ông T. nói.

Sau những lần bị người lạ khóa trái cửa, tạt sơn khủng bố tinh thần, ông T. đều đến công an địa phương trình báo. "Nhà tôi có mẹ già, mà bị người lạ khủng bố ép trả nợ thay khiến gia đình tôi hoang mang trong thời gian dài", ông T. chia sẻ.

Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi - Ảnh 5.

Công an TP.HCM khám xét trụ sở Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại Q.4 vào tháng 11.2022

THANH TUYỀN

Tương tự, anh Ch. (ngụ TP.Dĩ An, Bình Dương) cũng trong tình trạng "mất ăn, mất ngủ" vì liên tục bị nhân viên công ty đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa trả tiền khoản vay qua ứng dụng.

Theo anh Ch., tháng 10.2022, anh có đứng tên khoản vay 25 triệu qua ứng dụng PTF, thay cho một người bạn. Anh Ch. dùng điện thoại tải ứng dụng PTF về máy, đăng ký vay bằng chính số điện thoại của mình.

Sau khi chụp CMND 2 mặt, ảnh chân dung cùng CMND và một số giấy tờ khác, thì phía PTF đã giải nhân cho anh Ch. vay 25 triệu đồng. Khoản vay kéo dài trong 24 tháng, mỗi tháng anh Ch. Phải đóng hơn 1,6 triệu đồng.

Thời gian gần đây, anh Ch. và bạn thất nghiệp nên chậm đóng tiền hơn 1 tháng. Phía công ty đã liên tục nhắn tin, gọi điện báo phải trả nợ.

"Họ đe dọa em đủ kiểu, họ gọi điện nhắn tin cho người thân, bạn bè của em để gây sức ép họ trả nợ thay", anh Ch. nói.

Theo anh Ch., khi vay tính toán chưa kỹ, nếu trả hơn 1,6 triệu/tháng cho khoản vay 25 triệu đồng, trong 24 tháng, số tiền anh Ch. phải trả gần 39 triệu đồng.

"Không phải em không trả, mà giờ đang thất nghiệp, tiền ăn cũng không có lấy gì trả nợ. Em cũng xin họ giãn thời gian trả nợ nhưng họ không chịu, liên tục đe dọa, gây sức ép để bắt em phải trả", anh Ch., cho biết.

Tín dụng đen vẫn tung hoành bất chấp: Nạn khủng bố đòi nợ sao cứ vươn vòi - Ảnh 6.

Công an TP.HCM khám xét trụ sở công ty đòi nợ

NGỌC LÊ

Công an TP.HCM triệt phá nhiều tổ chức tín dụng đen núp bóng

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM, hiện nay tín dụng đen lợi dụng sự phát triển mạng xã hội để hoạt động núp bóng với danh nghĩa công ty tài chính, công nghệ, tư vấn luật.

Từ đó, phát hành các ứng dụng, trang web cho vay nặng lãi trực tuyến, mua bán và thu hồi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay và thân nhân.

Đáng nói, các băng nhóm tín dụng đen còn ép con nợ vay khoản mới, bán nợ của con nợ qua cho băng nhóm tín dụng đen khác để người vay nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, mất khả năng chi trả.

Công an TPHCM cho biết, thời gian qua đã triệt phá nhiều băng nhóm núp bóng công ty tài chính, công ty luật để khủng bố đòi nợ như: Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset, Chi nhánh Công ty luật TNHH Power, Công ty TNHH dịch vụ - thương mại quốc tế PL và Công ty TNHH TVX group…

Qua đó, công an đã khởi tố 4 vụ án, 39 bị can về tội "Vu khống" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Công an khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các app trên mạng, các trang mạng xã hội. Khi phát hiện app cho vay tiền có dấu hiệu nghi cho vay lãi nặng, thì liên hệ công an gần nhất để cung cấp thông tin.

Nếu bị đòi nợ với phương thức, thủ đoạn khủng bố như trên, cần ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho công an. Người dân cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.