Tín dụng tăng trưởng âm

21/02/2024 06:45 GMT+7

Bất chấp lãi suất hạ nhiệt, dòng vốn cho vay của hệ thống ngân hàng trong tháng đầu năm nay bất ngờ quay xe sụt giảm.

Ngân hàng nói giảm, doanh nghiệp nói lãi suất vay vẫn cao

Hôm qua (20.2), tại hội nghị trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, cho biết tín dụng tháng 1 giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Riêng về lãi suất (LS), đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức LS điều hành. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng (NH) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến cuối tháng 1, mặt bằng LS tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm.

Cụ thể, LS tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NH giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. NHNN cũng đã có Công văn 117 yêu cầu NH tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề LS và báo cáo tình hình công bố LS cho vay bình quân, chênh lệch LS tiền gửi và cho vay bình quân.

Tín dụng tăng trưởng âm- Ảnh 1.

Dòng vốn cho vay từ ngân hàng trong tháng 1 bất ngờ sụt giảm

NGỌC THẮNG

Lãnh đạo các NH lớn tham dự hội nghị như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank… đều cho biết tín dụng trong tháng 1 tăng trưởng âm. Điều này có nghĩa là dòng vốn cho vay đi thụt lùi. Đáng nói, tín dụng âm trong khi LS cho vay đã giảm. Chẳng hạn như BIDV giảm LS cho vay ngắn hạn trung bình khoảng 6,5%/năm và khoảng 8%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, thông tin rằng hiện mặt bằng LS đã giảm (cả huy động và cho vay) trở về mức trước đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, NH này đã ban hành gói tín dụng 60.000 tỉ đồng cho vay cá nhân, đồng thời đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, với mức LS cho vay ưu đãi thấp tối đa 2,5%/năm so với mức LS thông thường tại Agribank…

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, nhấn mạnh chưa bao giờ LS cho vay thấp như hiện nay. Nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng giảm 0,6% trong tháng 1 là do sức hấp thụ vốn kém và tính mùa vụ. Tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết Nguyên đán thì tín dụng không tăng. Thêm vào đó, do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại. Tăng trưởng tín dụng thấp không phải do cơ chế, chính sách.

DN hoạt động thì luôn có nhu cầu vay vốn. Hiện LS vay vốn ngắn hạn đã giảm nhưng LS vay vốn trung hạn, dài hạn vẫn cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát

Thế nhưng theo kết quả khảo sát nhanh của Hội Doanh nhân trẻ VN đối với các hội viên mới đây, LS mà các hội viên đang vay tập trung khoảng 8 - 12%/năm. Với thực trạng LS cho vay cao như hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh và phát triển. Trong khi LS huy động đầu vào thấp, chủ trương NHNN cấp vốn cho hệ thống LS thấp. Rất ít DN tiếp cận được các khoản vay với LS tốt, ngoài ra các chi phí vay ngoài lãi vay cũng rất cao.

Một số DN vay vốn lúc thời điểm LS vẫn cao ngất ngưởng và hiện vẫn chưa được giảm, gây khó khăn cho DN. Các hội viên Hội Doanh nhân trẻ VN kiến nghị Chính phủ, NHNN và các NH giảm LS cho vay nhằm đảm bảo chi phí hoạt động của DN, tránh phát sinh lãi cao, lãi quá hạn. Chẳng hạn, NH giảm LS từ 1 - 2% cho vay ngắn hạn; đối với LS cho vay trung dài hạn giảm từ 1 - 5% và thời gian giảm tối đa 12 tháng. Ngoài ra, NH cần có chính sách ân hạn nợ gốc trong 2 - 3 năm để giảm gánh nặng cho DN vay vốn, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp luôn có nhu cầu vốn

Là một DN nhỏ, Công ty vận tải Kim Phát cũng trải qua một năm 2023 nhiều khó khăn với doanh thu giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc công ty, bước sang năm mới 2024, dự báo kinh tế trong và ngoài nước của nhiều chuyên gia chưa lạc quan nên công ty cũng chỉ lên kế hoạch duy trì hoạt động như năm vừa qua nên nhu cầu vốn cũng chủ yếu tập trung cho hoạt động kinh doanh hằng ngày mà chưa nghĩ đến chuyện mở rộng. Công ty đang vay vốn ngắn hạn với LS từ 7 - 8,5%/năm, nếu vay mua tài sản như xe thì LS được các NH thông báo lên đến 10,5 - 11%/năm.

"DN hoạt động thì luôn có nhu cầu vay vốn. Hiện LS vay vốn ngắn hạn đã giảm nhưng LS vay vốn trung hạn, dài hạn vẫn cao. Nếu như trước đây chúng tôi vay để mua thêm xe tải cho hoạt động thì chỉ phải trả LS dưới 10%/năm. Tình hình kinh doanh đã khó khăn mà lãi vay còn cao hơn thì không dám vay để đầu tư mà chỉ giải ngân phục vụ cho nhu cầu chi phí trong hoạt động hằng tháng", ông Nguyễn Ngọc Thanh nói.

Tín dụng tăng trưởng âm- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp cho hay lãi suất vay ngân hàng hiện vẫn còn cao

NGỌC THẮNG

Trong khi đó, Phúc Sinh Group lên kế hoạch năm mới sẽ tăng trưởng khoảng 25% doanh số khi các mặt hàng xuất khẩu như cà phê, tiêu, các loại gia vị… của VN vẫn được thế giới ưa chuộng. Dự kiến năm 2024 công ty này sẽ xuất khẩu khoảng 7.500 container sản phẩm nông sản các loại. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, chia sẻ: Ngoài việc gia tăng sản lượng xuất khẩu thì giá nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu cũng lên cao. Vì vậy nguồn vốn để kinh doanh cũng tăng theo. Nếu như trước đây công ty cũng sẽ vay vừa ngoại tệ vừa tiền đồng thì hiện đã vay chủ yếu tiền đồng do LS thấp hơn. Ước tính mỗi năm lượng vốn vay của công ty khoảng 3.000 tỉ đồng và chủ yếu cũng là vốn ngắn hạn. Mức LS công ty đang vay của các NH thương mại dao động từ 4,5 - 6%/năm.

Người đứng đầu Phúc Sinh Group cho rằng mức LS này đã chấp nhận được. Quan trọng là các DN sẽ tùy theo kế hoạch kinh doanh cụ thể hoặc tình hình thị trường như thế nào để vay tiền hay không. Bởi nếu thị trường chậm lại, hàng bán không được thì DN cũng không dám vay nhiều.

Tương tự, giám đốc một công ty sản xuất, kinh doanh thủy sản không muốn nêu tên cũng nhấn mạnh: "DN nào cũng có nhu cầu vay vốn trong năm, chỉ là ít hay nhiều tùy theo quy mô, hoạt động". Ví dụ, công ty của ông hằng năm đều có nhu cầu sử dụng vốn vay ngắn hạn cũng loanh quanh mức 3.000 tỉ đồng. Năm 2023 có giảm hơn con số này một chút nhưng có thể năm nay công ty lại vay thêm cao hơn nếu thị trường khởi sắc lại, có nhiều hợp đồng hơn.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cho biết qua kết quả khảo sát sơ bộ của hội gần đây về LS cho vay, đặc biệt LS của những hợp đồng cho vay cũ hiện vẫn còn cao. Mặc dù Chính phủ cũng như NHNN có chủ trương giảm LS vay để hỗ trợ DN, nhưng các NH còn triển khai chậm. Ông Đặng Hồng Anh kiến nghị NH có thể giảm lãi vay 1% cho các khoản vay thực hiện trong tháng 2 và 3. Như thế, không những DN được giảm LS mà các NH cũng không gặp phải áp lực kế hoạch được giao về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tại hội nghị ngày 20.2, các NH cũng kiến nghị NHNN gia hạn Thông tư 02/2023 từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30.6.2024, để hỗ trợ DN vay vốn. Thông tư 02 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.