Tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống Covid-19

07/11/2021 07:05 GMT+7

Chia sẻ trên Đài CNBC hôm 5.11 (giờ Mỹ), bác sĩ Scott Gottlieb, thành viên hội đồng chuyên gia Tập đoàn Pfizer, dự đoán Mỹ sẽ đẩy lùi được dịch Covid-19 vào đầu tháng 1.2022.

Mỹ đang tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi

AFP

Theo quy định mới do chính phủ Tổng thống Joe Biden ban hành, các công ty có ít nhất 100 nhân viên phải thực hiện việc chủng ngừa trước ngày 4.1.2022. Đúng ngày này, khoảng 84 triệu người lao động trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ phải trình giấy tiêm đủ 2 mũi Moderna hoặc Pfizer, hoặc một mũi vắc xin Johnson & Johnson. Nếu không, họ sẽ đối mặt tình trạng xét nghiệm hằng tuần. Người lao động chưa tiêm vắc xin phải đeo khẩu trang tại công sở từ ngày 5.12.

Khởi đầu tích cực cho năm 2022 ?

Bác sĩ Gottlieb nhận định vào thời điểm quy định trên có hiệu lực, dịch Covid-19 có lẽ đã bị đẩy lùi ở Mỹ, hay ít nhất là Mỹ vượt qua làn sóng dịch do biến thể Delta. “Chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn mà dịch Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu”, theo Đài CNBC dẫn lời bác sĩ Mỹ.

Phụ huynh Mỹ nhẹ nhõm khi trẻ dưới 11 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Suy đoán của bác sĩ Gottlieb tương đồng với nhiều chuyên gia khác vốn cho rằng Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ sẽ là những quốc gia đầu tiên dập được dịch Covid-19. Đây là những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, kết hợp miễn dịch tự nhiên ở những người khỏi bệnh.

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học dẫn đầu nỗ lực ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự đoán tình hình dịch bệnh sẽ rất khác nếu thế giới hoàn thành mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số toàn cầu vào cuối năm 2022.

Tiến bộ trong vắc xin

Thế giới đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất trong lịch sử. Theo dữ liệu do Bloomberg ghi nhận, tính đến ngày 5.11, hơn 7,2 tỉ liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm tại 184 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tốc độ tiêm hiện tại là 31,4 triệu liều/ngày, trong số này hơn 10,2 triệu người nhận được mũi đầu tiên. Nếu duy trì tốc độ hiện tại, sẽ mất khoảng 6 tháng để 75% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi. Bên cạnh đó, nhiều nước đã khởi động chiến dịch tiêm nhắc dành cho một số đối tượng, bao gồm người từ 65 tuổi trở lên và người mắc chứng suy giảm hệ miễn dịch.

Covaxin, vắc xin Covid-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép hiệu quả ra sao?

Sau khi hoàn thành việc tiêm chủng cho các độ tuổi lớn hơn, các nước cũng đang triển khai chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Đài NPR dẫn các báo cáo cho thấy vắc xin Pfizer mang đến hiệu quả bảo vệ 91% trước bệnh Covid-19 trong độ tuổi này. Hiện Pfizer cũng là vắc xin duy nhất được Mỹ triển khai tiêm phòng cho các em từ 5 - 11 tuổi. Hôm qua, Hãng Ocugen, đối tác Mỹ của Công ty Bharat Biotech (Ấn Độ), đã nộp đơn đề nghị Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn việc tiêm vắc xin Covaxin cho độ tuổi từ 2 - 18, theo báo India Today.

Thời của thuốc viên

Bên cạnh đó, nỗ lực phát triển thuốc điều trị Covid-19 cũng đạt kết quả khả quan. Hôm 5.11, Hãng Pfizer công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc viên trị Covid-19 của hãng giảm đến 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người trưởng thành. Reuters dự kiến thuốc của Pfizer, tên Paxlovid, có thể được giới chức Mỹ thông qua vào cuối năm nay. Tổng thống Biden xác nhận chính quyền Washington đã ký kết hợp đồng mua hàng triệu liều Paxlovid.

Thuốc kháng virus của Pfizer giúp giảm 89% nguy cơ mắc Covid-19 nặng

Trước đó một tháng, Hãng Merck và liên danh Ridgeback Biotherapeutics thông báo thuốc viên trị Covid-19, gọi là Molnupiravir, chứng tỏ giảm được 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Anh đã chính thức cấp phép sử dụng thuốc Molnupiravir tại nước này từ hôm 4.11.

Ngoài ra, Merck cũng mang đến niềm hy vọng cho toàn cầu khi cấp phép sản xuất cho Sáng kiến chia sẻ bằng sáng chế được LHQ ủng hộ. “Đây là thỏa thuận sẽ cho phép 105 quốc gia thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được thuốc trị Covid-19 giá rẻ”, theo Merck. Thời của thuốc viên trị Covid-19 đang mở ra.

Mỹ tổ chức hội nghị về chia sẻ vắc xin

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước vào ngày 10.11 theo hình thức trực tuyến, để thảo luận về tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu, theo Reuters ngày 6.11. Tại hội nghị, Mỹ sẽ cam kết giải quyết sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin toàn cầu. Mỹ và các nước lớn đang chịu sức ép trước những lời kêu gọi chia sẻ vắc xin nhiều hơn cho các nước.

Hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, tại đó ông cam kết Mỹ sẽ chia sẻ 500 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.