Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về việc triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19.
Theo đó, mục tiêu chính là phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe.
Một bệnh nhân hậu Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh |
DUY TÍNH |
Covid-19 sáng 21.1: Cả nước 2.094.80 ca | TP.HCM lại ghi nhận 3 ca Omicron trong cộng đồng |
5 mục tiêu
- Xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người bệnh hậu Covid-19.
- Phát triển nền tảng số của TP.HCM về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu Covid-19 (đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân), chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19.
- Thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người hậu Covid-19.
- Tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19.
- Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu Covid-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau đại dịch Covid-19.
5 nội dung
1. Xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu Covid-19.
Cụ thể, xây dựng hướng dẫn điều trị theo phân tầng. Thẩm định, ban hành tài liệu hướng dẫn điều trị. Xây dựng chương trình đào tạo liên tục về tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người bệnh hậu Covid-19. Tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức hậu Covid-19. Đánh giá hiệu quả áp dụng của hướng dẫn điều trị làm cơ sở để liên tục cải tiến và cập nhật nội dung.
2. Phát triển nền tảng số của TP.HCM về dữ liệu sức khỏe của người dân, chuyển đổi số hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19.
Tích hợp liên thông dữ liệu của người dân hậu Covid-19 vào nền tảng số giữa Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để cập nhật thông tin sức khỏe của người dân khi đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Xác định mô hình bệnh tật của người dân hậu Covid-19. Thiết lập mạng lưới tư vấn từ xa (telehealth) để hướng dẫn người dân cách phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị tại nhà với các trường hợp mắc bệnh lý hậu Covid-19 (hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe, các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, các biến chứng khác của bệnh để can thiệp kịp thời).
Ngoài ra, xây dựng bảng thông tin kỹ thuật số về tình hình sức khỏe của người dân hậu Covid-19 phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các chính sách, chương trình sức khỏe.
3. Thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19.
Xây dựng mô hình tháp 3 tầng từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố.
Tầng 1 (y tế cơ sở): Bao gồm trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 và mức độ nhẹ.
Tầng 2 (bệnh viện đa khoa quận, huyện): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 và người mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình.
Tầng 3 (bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 và người mắc bệnh hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.
4. Tăng cường truyền thông về chiến dịch bảo vệ sức khỏe người dân hậu Covid-19.
Thực hiện các phóng sự truyền hình, truyền thanh, các tờ rơi, nội dung truyền thông báo chí, trang thông tin điện tử liên quan các bệnh lý hậu Covid-19; cách tầm soát phát hiện sớm, chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người dân trên địa bàn.
Triển khai chuyên mục “Cẩm nang chăm sóc và điều trị bệnh lý hậu Covid-19” do các chuyên gia đầu ngành tư vấn với đa dạng chuyên đề khác nhau nhằm cung cấp, phổ biến các thông tin về sức khỏe cho người hậu Covid-19 trên đài truyền hình, đài phát thanh của thành phố.
Tiếp tục phát triển thêm kênh tư vấn sức khỏe cho người hậu Covid-19 qua tổng đài 1022, kênh tư vấn sức khỏe tâm thần cộng đồng thành phố do mạng lưới bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần phụ trách qua tổng đài 19001267.
5. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu Covid-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố tập trung vấn đề sức khỏe ưu tiên liên quan cộng đồng toàn cầu “bệnh lý hậu Covid-19”, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố tập trung vấn đề sức khỏe ưu tiên liên quan cộng đồng toàn cầu “Bệnh lý hậu Covid-19 ”, bao gồm: Tần suất, mô hình bệnh tật, biểu hiện lâm sàng, phân loại nguy cơ, đánh giá mức độ bệnh, hiệu quả chăm sóc, điều trị... làm cơ sở cho các chiến lược, chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố.
Hợp tác với các quốc gia, các viện, trường, các hiệp hội, tổ chức trong khu vực và trên thế giới trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển chương trình sức khỏe và nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý hậu Covid-19.
TP.HCM ghi nhận 68 ca Covid-19 biến chủng Omicron, hoạt động đông người có bị thu hẹp? |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý hậu Covid-19 là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, có những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất 2 - 3 tháng trở lên, phổ biến là mệt mỏi, khó thở, nhiều trường hợp ghi nhận có triệu chứng tâm thần, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể xuất hiện ngay lúc khởi bệnh hoặc sau khi hồi phục và thường diễn ra dai dẳng kéo dài. Việt Nam có gần 2% dân số mắc Covid-19 nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ trong cộng đồng về tình hình sức khỏe của người dân sau giai đoạn mắc Covid-19.
Tại TP.HCM, qua số liệu thống kê, đến nay có hơn nửa triệu dân mắc Covid-19 và hơn 300.000 đã xuất viện. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần triển khai ngay các hoạt động tầm soát, phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị hiệu quả hậu Covid-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng của cuộc sống của người dân.
Bình luận (0)