Tin tức Covid-19 TP.HCM sáng 6.9: Kiểm soát người ra đường từ dữ liệu dân cư

Phan Thương
Phan Thương
06/09/2021 06:46 GMT+7

Công an TP.HCM đang đề nghị các sở ban ngành TP cập nhật dữ liệu về tiêm vắc xin phòng Covid-19 , trường hợp được cấp giấy đi đường vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, nếu hôm nay 6.9, UBND TP.HCM tiếp tục kéo dài thời giãn cách xã hội phòng Covid-19, giấy đi đường sẽ tự động gia hạn, và kéo dài hiệu lực. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân được Công an TP cấp giấy đi đường sẽ không phải đổi lại để tránh phiền phức.
Ngoài ra, ông Hà thông tin thêm, thời gian tới, khi các địa phương khống chế được dịch bệnh tương tự như Q.7, H.Củ Chi, TP sẽ có các phương án sản xuất kinh doanh để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế và đời sống của người dân. Công an TP đã tính toán giải pháp để khi thành phố đặt ra tiêu chí an toàn, ví dụ người đã được tiêm ngừa vắc xin; tiêu chí xét nghiệm; tuân thủ 5K trong hoạt động; và lưu thông có điều kiện... 

Nếu TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, quét mã QR sẽ thay thế cho giấy đi đường

ĐỘC LẬP

Vì vậy, Công an TP.HCM cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, và các quận, huyện, TP.Thủ Đức đang cập nhật dữ liệu về tiêm vắc xin, F0, trường hợp được cấp giấy đi đường... vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi thành phố đặt ra điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì công an sẽ quản lý được.
Công an cũng đang mở rộng điểm kiểm soát quét mã QR các diện lưu thông trên đường. Sau khi hoàn thành, có thể không cần giấy đi đường nhưng Công an TP vẫn có thể xác định mỗi người thuộc nhóm đối tượng nào, có được lưu thông hay không.
Công an TP đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cập nhật nhanh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Công an TP.HCM để kiểm soát sau này. Ngoài ra, người dân nên tham gia chích ngừa vắc xin sớm nhất để có thể tham gia các hoạt động an toàn.

TP.HCM tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 cho người tiêm mũi 1 Moderna

Phân loại lại vùng nguy cơ

Hôm nay 6.9, TP.HCM sẽ phân loại lại các vùng nguy cơ dịch Covid-19 để tính phương án phòng, chống dịch Covid-19 và tiến đến mục tiêu kiểm soát được dịch trước ngày 15.9.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết đến ngày 5.9, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã hoàn thành xét nghiệm đợt 1, riêng đợt 2 đã xong 80%. Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5 %; riêng vùng đỏ và vùng cam qua test nhanh, thì tỷ lệ dương tính đợt 1 là 3,6 % so với mẫu xét nghiệm được lấy, và đợt 2 là khoảng 2,7%.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca nhiễm qua test nhanh giảm, nhưng chưa đúng kỳ vọng

NGỌC DƯƠNG

Theo Sở Y tế số ca nhiễm có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng.
Trước đó, theo đánh giá của chuyên gia dịch tễ học, test dương tính dưới 5% thì TP có nghị lực quét hết F0 từ đây đến ngày 15.9.
Quá trình thực hiện chiến dịch xét nghiệm tầm soát dịch trên diện rộng toàn TP, bằng RT-PCR và test nhanh, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), mỗi ngày TP có khoảng từ 4.000 – 5.000 ca dương tính từ xét nghiệm RT-PCR, còn test nhanh tầm 7.000 - 8.000 ca dương tính.

Đề xuất cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa đến 21 giờ trong dịch Covid-19

Ca tử vong giảm nhưng còn chậm

Đó là nội dung công điện của Bộ Y tế gửi UBND TP.HCM (địa phương có ca tử vong cao nhất cả nước - PV) và các tỉnh phía nam về việc triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM, các tỉnh phía nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.
Về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27.4 đến tối 5.9, TP.HCM đã có tổng cộng 251.933 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến 4.9 là 125.481. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến 4.9 là khoảng 10.452. Trong đó, ca tử vong từ ngày 22.8 đến ngày 4.9, dao động cao nhất với 320 ca (22.8) và thấp nhất là 222 ca (ngày 4.9).

Bao phủ vắc xin 100% mũi 1 đối với người trên 18 tuổi

Về chiến dịch tiêm vắc xin tại TP.HCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 4.9 là 6.444.826. Trong đó tổng số mũi 1 là 5.992.514, chiếm trên 84%, mũi 2 là 452.312, chiếm gần 6%. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 695.513.
Liên quan đến tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cũng có công điện riêng gửi Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai đề nghị đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19, xác định đây là nhiệm vụ cấp bách.
Theo Bộ Y tế, TP.HCM, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vắc đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn; các đối tượng tiêm theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26.2 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8.7 của Bộ Y tế.
Vì vậy, TP.HCM, Hà Nội và 3 tỉnh trên hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15.9 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Bản tin Covid-19 ngày 6.9: Cả nước 12.481 ca mới | Thông tin mới nhất về giãn cách xã hội sau 15.9

TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 31.5

Lần 1: Từ 0 giờ ngày 31.5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Lần 2: Từ ngày 14.6, TP HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.
Lần 3: Từ ngày 19.6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Theo Chỉ thị 10, thì TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15.
Lần 4: Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp.
Lần 5: Từ ngày 24.7, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1.8.
Lần 6: Từ ngày 2.8, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày.
Lần 7: Từ ngày 15.8, TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15.9. Song song đó, từ 0 giờ ngày 23.8, TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP theo Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Chỉ thị 11 đề ra yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”; chính quyền địa phương và các đoàn thể sẽ “đi chợ hộ” và chăm lo an sinh xã hội cho người dân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.