Tin tức giáo dục đặc biệt 25.11: Nguy cơ một thế hệ học sinh sống khép kín

24/11/2021 22:36 GMT+7

Những hậu quả nào nếu kéo dài thời gian học trực tuyến tại nhà từ góc nhìn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý là một trong những nội dung trọng tâm trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (25.11).

Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (25.11) còn thông tin về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm đồng thời tình hình các địa phương đặt hàng đào tạo sinh viên khối ngành này.

Học sinh TP.HCM trở lại trường học trong đợt dịch hồi năm 2020

ngọc dương

Biết bao thiệt thòi

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, giảng viên bộ môn Nhi, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho hay thời gian vừa qua thường nhận được những cuộc gọi của phụ huynh phản ánh con mình không vui vẻ, hay nổi cáu, hoặc ăn quá nhiều hoặc lười ăn... "Đó là hệ quả của việc các cháu ở nhà quá lâu không được đến trường giao lưu gặp gỡ thầy cô bè bạn. Các hoạt động giao tiếp bên ngoài, hoạt động thể chất, tinh thần gần như dừng lại. Bên cạnh đó lại tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều, nên việc các cháu mắc phải một số vấn đề về tâm lý là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, bác sĩ Thùy Dương nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng tại Việt Nam, mỗi khi đợt dịch Covid-19 bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi bị đóng cửa đầu tiên. Điều này rất thiệt thòi cho các em học sinh. Các em mất đi môi trường lành mạnh để học tập, bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tình hình này càng thấy rõ sự bất công bằng với học sinh vốn đã khó khăn về điều kiện kinh tế…

Bài phân tích trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai sẽ nêu ra những hệ quả khi học sinh quá lâu không đến trường. Đồng thời đưa ra các lưu ý khi mở cửa trường trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn.

Sinh viên sư phạm trong một buổi học trước dịch Covid-19

đ.n.t

Sinh viên sư phạm được đặt hàng ra sao?

Một thay đổi đáng chú ý trong đào tạo của khối trường sư phạm năm nay là các địa phương đặt hàng đào tạo sinh viên ngay từ đầu vào, cấp kinh phí và tuyển dụng sau khi ra trường.

Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 15.11.2020 và bắt đầu áp dụng cho sinh viên trúng tuyển năm học 2021-2022. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học và mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/ tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng). Tuy nhiên, không phải tất cả các sinh viên học sư phạm đều được nhận các hỗ trợ này.

Sinh viên cần thực hiện những yêu cầu gì để nhận được hỗ trợ? Các địa phương đặt hàng đào tạo ở các trường sư phạm ra sao?... Những thông tin này sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (25.11).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.