Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (25.9) còn nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện chế độ trợ cấp cho giáo viên mất việc trong mùa dịch.
“Nghỉ làm gần 5 tháng không hưởng lương, không còn bất kỳ thu nhập nào khác nhưng đến nay nhà mình chỉ nhận đúng duy nhất được 15 kg gạo hỗ trợ hồi đầu mùa dịch”, cô giáo giữ trẻ một lớp mầm non độc lập ở Q.Bình Tân, TP.HCM, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.
“Chính sách hỗ trợ cho người lao động hiện nay đều dựa trên cơ sở đóng BHXH nên trong khi tôi và nhiều đồng nghiệp khác, đặc biệt là những người mới ra trường hoặc mới chuyển việc, hay không được chủ cơ sở mầm non đóng BHXH thì không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào”, nữ giáo viên cho biết.
Rất nhiều giáo viên khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Và đây cũng là một trong những lý do khiến việc hỗ trợ cho giáo viên gặp nhiều khó khăn. Chưa kể còn vướng nhiều thủ tục hành chính khác bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động bị mất việc là 12.341 người. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non, với 10.129 nhân sự, chiếm 82,08% bị hủy hoặc hoãn hợp đồng lao động.
Cũng theo thống kê của Sở, với hơn 12.000 giáo viên, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội… đã hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 24 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, quá trình triển khai các chế độ chính sách hỗ trợ người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, vẫn còn người lao động trong ngành đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp.
Thông tin về những chương trình hỗ trợ khác cho giáo viên mầm non, đặc biệt ngoài công lập sẽ được tiếp tục ghi nhận trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.
Bình luận (0)