Trên báo in Thanh Niên ngày mai 21.3.2020 còn có các tin tức giáo dục đặc biệt được nhiều người quan tâm: Xu hướng làm việc nào sẽ lên ngôi sau dịch Covid-19? Báo động tình trạng học sinh đuối nước trong mùa dịch.
Đề xuất bỏ môn thi thứ tư vào kỳ thi lớp 10 Hà Nội
Đang nghỉ học vì dịch Covid-19 nhưng học sinh lớp 9 ở Hà Nội và phụ huynh như “ngồi trên đống lửa” vì phải lo ôn thi vào lớp 10 với 3 môn bắt buộc vừa “sốt ruột” với môn thứ tư chưa công bố.
Theo Quyết định của UBND TP.Hà Nội ngày 18.2.2020 về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021, Hà Nội vẫn thi tuyển vào lớp 10. Sở GD-ĐT TP.Hà Nội sẽ tổ chức thi 4 bài thi độc lập, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên, trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Thời gian công bố môn thứ tư là trong tháng 3 này.
Vì vậy, học sinh lớp 9 ở Hà Nội và phụ huynh đang hoang mang vì học sinh vẫn đang nghỉ học vì dịch bệnh, dù Sở GD-ĐT TP.Hà Nội đã “trấn an” rằng khi nào học sinh đi học Sở sẽ công bố lịch thi, và đó không phải là ngày 1.6. Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép lùi thời gian tuyển sinh vào lớp 10 THPT đến ngày 15.8…
Tuy nhiên, điều này không giúp học sinh và phụ huynh yên tâm. Trên các diễn đàn liên quan đến phụ huynh, thi cử…, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Sở GD-ĐT TP.Hà Nội sẽ có những điều chỉnh linh hoạt về quy định thi vào lớp 10 cho năm học quá đặc biệt này. Trong đó, bỏ môn thi thứ tư là đề xuất của nhiều người.
Quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội về việc này ra sao? Bạn đọc sẽ theo dõi trong phần tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (21.3)
Xu hướng làm việc mới “lên ngôi” sau dịch
Theo PGS-TS Lê Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), xu hướng làm việc từ xa được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời đại công nghệ 4.0. Khi dịch bệnh hoành hành, giải pháp này còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bà Hương phân tích: “Ưu điểm của cách thức làm việc này là mang lại cho nhân viên sự thoải mái và tự do sáng tạo, tránh được những áp lực tại cơ quan. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp với các công ty lớn, công ty đa quốc gia và một số ngành nghề, bởi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa chuẩn bị cho hệ thống làm việc từ xa. Việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến nhân viên tại nhà không tự giác, thiếu tập trung trong công việc”.
Theo bà Hương, hiện tại, đây là giải pháp tạm thời được các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng trong mùa dịch, nhưng sẽ là xu thế làm việc mới trong thời gian tới tại Việt Nam. “Trong cái rủi, có cái may”, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống tạo ra những yếu tố mới, không chỉ có thể làm việc ở nhà kết nối toàn cầu. Bên cạnh đó, cách làm việc này cũng tạo ra sự phân công lao động mới thay cho mô hình truyền thống làm việc tại văn phòng.
Báo động tình trạng học sinh đuối nước trong mùa dịch
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, kể từ khi nghỉ học để phòng dịch Covid-19 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 học sinh bị đuối nước.
Bà Lê Thị Thanh Tùng, Phó phòng LĐ-TB-XH TP.Kon Tum cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước là thời gian này, học sinh được nghỉ học ở nhà do dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, bố mẹ các em phải đi làm rẫy, làm ruộng, không có thời gian quản lý, theo dõi con em. Hơn nữa đây đang là thời điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, các em học sinh vùng cao thường có thói quen đi tắm sông suối, do bất cẩn xảy ra đuối nước…
Những thông tin quan trọng và cần thiết này sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai .
Bình luận (0)