Tình hình Covid-19 hôm nay 1.3: Ca nhiễm mới trên cả nước tiến sát mốc 100.000

01/03/2022 19:10 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Số ca nhiễm mới trên cả nước tiến sát mốc 100.000; có 8 tỉnh thành ghi nhận trên 3.000 ca mới trong ngày, trong đó Hà Nội đứng đầu với 13.323 ca.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước có 98.743 ca mắc mới. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 28.2 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca bệnh mới: Hà Nội 13.323 ca, Quảng Ninh 4.011 ca, Bắc Ninh 3.933 ca, Nghệ An 3.864 ca, Lào Cai 3.398 ca, Hưng Yên 3.393 ca, Sơn La 3.087 ca, Nam Định 3.072 ca, Phú Thọ 2.966 ca, Vĩnh Phúc 2.913 ca, Thái Nguyên 2.788 ca, Hòa Bình 2.574 ca, Lạng Sơn 2.534 ca, Hà Giang 2.444 ca, Hải Dương 2.355 ca, Hải Phòng 2.309 ca, Bắc Giang 2.209 ca, Ninh Bình 2.174 ca, Yên Bái 2.118 ca, Đắk Lắk 2.116 ca, Tuyên Quang 2.063 ca, TP.HCM 2.022 ca.

Ngày 1:3- Công bố 114.144 ca Covid-19, 40.932 ca khỏi | Hà Nội 13.323 ca | TP.HCM 2.022 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh giảm 5.094 ca, Lai Châu giảm 618 ca, Quảng Trị giảm 454 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai tăng 1.392 ca, Thái Nguyên tăng 1.296 ca, Sơn La tăng 984 ca. Theo công bố của các Sở Y tế, hôm nay có 40.932 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 86 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 20 ca, Thái Nguyên 6 ca trong 2 ngày, Đà Nẵng, Hải Dương và Ninh Bình mỗi nơi ghi nhận 5 ca, Bình Định 4 ca, Bình Thuận, Hà Nam và Hòa Bình mỗi nơi ghi nhận 3 ca, Hà Tĩnh 3 ca trong 2 ngày…

Test xác định dương tính cho F0 tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội

đậu tiến đạt

Kit test nhanh Covid-19 cháy hàng ở Gia Lai, Bình Định. Ngày 1.3, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều hiệu thuốc lớn nhỏ ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) đã “cháy hàng” kit test nhanh Covid-19. Tại một cửa hàng dược phẩm ở góc Tăng Bạt Hổ - Phan Chu Trinh (TP.Quy Nhơn), nhân viên ở đây cho biết các sản phẩm test nhanh Covid-19 đã hết sạch khoảng một tuần nay và không biết khi nào sẽ có lại để bán. Một số cửa hàng dược phẩm khác cũng lắc đầu khi chúng tôi hỏi mua kit test nhanh Covid-19 và không hẹn được với khách là ngày nào hàng về. Số ít cửa hàng vẫn còn hàng nhưng bán với giá cao, khoảng 80.000 - 90.000 đồng/bộ.

Trong khi đó, nhiều tiệm thuốc ở TP.Pleiku (Gia Lai) cũng xảy ra tình trạng khan hiếm kit test. Một số nơi không có hàng để bán do nhu cầu tự xét nghiệm Covid-19 của người dân tăng cao. Một số nhà thuốc cho biết giá nhập vào một bộ kit test dao động trong khoảng trên dưới 70.000 đồng. Tuy nhiên, do nguồn cung giảm hoặc đứt hàng khiến thị trường trở nên khan hiếm. Nhiều người dân có nhu cầu tự xét nghiệm đã không thể mua được hàng. Hiện tại một số địa phương ở Gia Lai xuất hiện tình trạng thị trường “chợ đen” với giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/bộ tùy hãng sản xuất của Hàn Quốc, Đức, Thụy Điển hay Mỹ...

Số ca nhiễm ở Cà Mau tăng, kit test nhanh Covid-19 khan hiếm và tăng giá. Theo báo cáo của Sở Y tế Cà Mau, trong 2 ngày 27 - 28.2, tỉnh ghi nhận 1.383 ca nhiễm Covid-19 và ngày 1.3 ghi nhận 1.303 ca. Tại hội nghị 3 cấp về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 1.3, ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau, phản ánh hơn một tuần qua trên địa bàn xảy ra tình trạng kit test nhanh Covid-19 khan hiếm và tăng giá, gây hoang mang cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, thông tin thêm: “Hiện không riêng Cà Mau mà các tỉnh, thành lân cận cũng đang có dấu hiệu khan hiếm kit test Covid-19 hoặc có hàng nhưng giá tăng hơn so với trước đây. Một phần là do nhu cầu sử dụng kit test tăng cao, nhất là tại các tỉnh, thành phía Bắc. Sở Y tế đã đôn đốc các công ty cung cấp kit test cho thị trường Cà Mau. Vài ngày tới, tình hình kit test nhanh Cà Mau sẽ ổn định trở lại".

Gần 70.000 bộ test nhanh Covid-19 để tầm soát ca nghi nhiễm trong trường học ở TP.HCM. Theo công văn ngày 28.2, Sở Y tế TP.HCM giao 2.762 hộp (25 bộ/hộp, tương tương 69.050 bộ) test nhanh Covid-19 cho Sở GD-ĐT TP.HCM để thực hiện tầm soát ca nghi nhiễm khi tiến hành dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục công lập. Sở Y tế yêu cầu không sử dụng số que test này để xét nghiệm định kỳ mà chỉ sử dụng trong việc tầm soát ca nghi nhiễm.

Theo Sở Y tế, Sở GD-ĐT sẽ tiếp nhận, phân bổ, quản lý và báo cáo việc sử dụng bộ test nhanh Covid-19 đúng quy định. Trong trường hợp cần thiết, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm điều chuyển số lượng bộ test nhanh được phân bổ trước cho các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm, kịp thời và hiệu quả.

Ca nhiễm Covid-19 gia tăng, 13 phường tại TP.HCM chuyển thành vùng cam. Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 quy mô phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố từ ngày 21 đến 27.2. Theo đó, có 222/ 312 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 77/312 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng). Đáng chú ý, thành phố có 13 địa phương tăng cấp độ dịch Covid-19 lên cấp độ 3 (vùng cam). Cụ thể, phường 5 (Q.5); 4 phường 5, 7, 11 và 12 (Q.10); phường 11 (Q.11); xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh); xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) và 4 phường: An Lợi Đông, An Phú, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức).

Nguyên nhân dẫn đến các phường tăng cấp độ dịch chủ yếu do số ca nhiễm tăng, tỷ lệ tiêm vắc xin không đạt và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở. So với tuần trước, số địa phương chuyển thành vùng cam ở thành phố có sự gia tăng đột biến, tuần trước chỉ có 1 phường vùng cam. Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mới của thành phố gia tăng liên tục ở mức 4 con số.

Cả nước có 367 xã, phường là “vùng đỏ” Covid-19

Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế ban hành Quyết định 457/QĐ-BYT, phê duyệt có điều kiện vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) - vắc xin Covid-19 Pfizer cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng: đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA Covid-19. Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc xin mRNA Covid-19.

Dạng bào chế của vắc xin Pfizer: với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm; hỗn dịch tiêm. Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm. Hiện cơ bản đã thực hiện xong thủ tục mua vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đề nghị nhà cung cấp bàn giao chậm nhất là đến 30.4.2022 để Việt Nam đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em.

Ninh Thuận vận động người dân tiêm vắc-xin mũi 3 phòng dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 28.2 đến 31.3, Ninh Thuận tổ chức tuyên truyền vận động người dân đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo đúng quy định; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho người từ 12 - 17 tuổi trong quý I năm 2022. Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 1.3, Ninh Thuận đã nhận hơn 1,2 triệu liều vắc-xin phòng chống Covid-19 và tiêm đạt 98,7 % dân số. Trong đó, có 52.316 người từ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi 1, đạt 90,9%; 46.718 người tiêm mũi 2, đạt hơn 81%. Riêng 456.000 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 và 2 đạt 100%.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 288.765 người tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ 55%. Một số người trên 18 tuổi đủ thời gian để tiêm mũi 3 đã được mời qua hệ thống tiêm chủng nhưng không đến các điểm để tiêm. Nguyên nhân do người dân chưa thấu hiểu về sự cần thiết và hiệu quả của việc tiêm vắc-xin mũi 3 phòng chống Covid-19; một số thông tin sai lệch trên mạng xã hội về những phản ứng sau khi tiêm mũi 3... gây tâm lý lo ngại cho người dân.

Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, Đắk Lắk huy động thêm nhân lực tham gia chống dịch. Tính đến ngày 1.3, Đắk Lắk ghi nhận hơn 36.000 ca mắc Covid-19, trong đó 115 trường hợp tử vong. Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở tỉnh này luôn ở mức trên 2.000 ca/ngày, phần lớn được ghi nhận trong cộng đồng. Ngày 1.3, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết đã gửi văn bản đến các đơn vị, tổ chức trên địa bàn để huy động nguồn nhân lực tham gia chống dịch Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng y tế và các phòng, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, huy động và lập danh sách nhân lực y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập, phòng khám đa khoa, nhân lực y tế đã nghỉ hưu, thôi việc trên địa bàn quản lý, đăng ký tình nguyện tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Sở Y tế cũng đề nghị các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn kêu gọi, huy động cán bộ y tế, giảng viên, sinh viên, học viên chuyên ngành y đăng ký tình nguyện tham gia, hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, trao tặng gần 2,2 tỉ đồng cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Ngày 1.3, Báo Người Lao Động tổ chức tổng kết chương trình “Tình thương cho em”, tới dự có nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Chương trình này thực hiện từ ngày 16.9.2021, nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong cả nước để nhanh chóng huy động nguồn lực cùng nối vòng tay giúp đỡ các em. Tổng cộng, chương trình đã vận động gần 2,2 tỉ đồng và trao tặng 440 suất quà (mỗi suất 5 triệu đồng); trong đó có 375 suất quà tới trẻ mồ côi do Covid-19 tại TP.HCM, 55 suất ở miền Tây và 10 suất ở miền Trung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.