Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 160.661 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 9.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 160.661 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.915 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 30.157 ca, Nghệ An 11.141 ca, Phú Thọ 5.891 ca, Bình Dương 5.302 ca, Sơn La 4.891 ca, Hưng Yên 4.269 ca, Hòa Bình 4.122 ca, Cà Mau 3.914 ca, Tuyên Quang 3.879 ca, Lạng Sơn 3.872 ca, Hải Dương 3.770 ca, TP.HCM 3.668 ca, Nam Định 3.554 ca, Hải Phòng 3.533 ca, Quảng Trị 3.463 ca, Lào Cai 3.229 ca.
Ngày 10.3: Công bố 218.459 ca Covid-19, 53.151 ca khỏi | Hà Nội 30.157 ca | TP.HCM 3.668 ca |
Hôm nay Sở Y tế Thanh Hóa bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc bổ sung 21.182 ca và Sở Y tế Bình Định bổ sung 6.601 ca sau khi rà soát đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh giảm 6.946 ca, Gia Lai giảm 2.551 ca, Hà Nội giảm 1.208 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương tăng 1.309 ca, TP.HCM tăng 1.205 ca, Nghệ An tăng 845 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 53.151 bệnh nhân khỏi bệnh, 4.044 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua ghi nhận 71 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 13 ca, Bình Dương và Hòa Bình mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn và Thanh Hóa mỗi nơi ghi nhận 3 ca…
TP.HCM sẽ tiêm “siêu vắc xin” kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca cho người thuộc nhóm nguy cơ |
khánh trần |
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, xử lý việc chậm trễ mua vắc xin cho trẻ. Văn phòng Chính phủ hôm nay cho hay Thủ tướng vừa có các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, tại Văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5.2.2022 của Chính phủ về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định. Tiếp theo, tại Văn bản 1504/VPCP-KGVX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong ngày 10.3.2022 phải báo cáo giải trình việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5.2, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
TP.HCM tiêm “siêu vắc xin” cho người thuộc nhóm nguy cơ. Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết sẽ đưa kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca để tiêm cho nhóm người nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng, như người mắc bệnh nền suy gan, suy thận, tim mạch, cơ xương khớp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD… Đặc biệt, người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng (do HIV, đang điều trị ung thư, ghép tạng…); hoặc mắc các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm khớp, thoái hóa khớp…). Theo hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép chính thức.
Đây là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép để dự phòng Covid-19. Khác với vắc xin, chỉ vài giờ sau khi tiêm Evusheld, cơ thể có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ không mắc Covid-19 với hiệu quả lên tới 83%, không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi, theo kết quả nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca. Người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần của vắc xin Covid-19 như: dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm. Evusheld được chứng minh có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt có thể phòng ngừa cả biến thể Omicron. Với những đặc tính ưu việt, Evusheld được gọi là “siêu vắc xin” khi có khả năng bảo vệ cả những người không có khả năng hoặc không thể sử dụng vắc xin thông thường để phòng Covid-19.
F0 ở TP.HCM ngồi nhà khai báo và nhận quyết định hết cách ly. Trước tình hình người mắc Covid-19 tụ tập tại các trạm y tế lưu động để xin giấy xác nhận F0 và hoàn thành cách ly tại nhà để giải quyết thủ tục hưởng chế độ nghỉ bệnh và các yêu cầu khác, ngày 10.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ ứng dụng công nghệ để giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly cho F0. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên Hệ thống quản lý Bệnh nhân Covid-19.
Cụ thể, người dân khi có kết quả mắc Covid-19 chủ động khai báo thông tin tại đường link: https://tracuuf0.medinet.org.vn/khaibao.htm. Khi đó, trạm y tế sẽ đánh giá tình trạng F0 bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa và tiếp nhận F0 trên nền tảng quản lý Covid-19. Trong thời gian cách ly điều trị tại nhà, trạm y tế quản lý và chăm sóc, theo dõi F0 trên hệ thống theo quy định. Khi đã hoàn thành cách ly tại nhà, nơi lưu trú, trạm y tế sẽ cấp giấy xác nhận bản giấy hoặc gửi bản điện tử qua email mà người dân đã khai báo.
TP.HCM sẽ cấp giấy hoàn thành cách ly trực tuyến cho F0 Covid-19 |
Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức bán trú trong dịch bệnh. Theo đó, tại Quyết định số 543, Bộ GD-ĐT đề nghị khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú cho trẻ em mầm non, học sinh đảm bảo một số yêu cầu phòng chống dịch. Cụ thể, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp. Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó.
Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn. Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường). Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bộ GD-ĐT yêu cầu: "Các cơ sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tiễn và hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện ăn bán trú cho học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh".
Cả nghìn trẻ em đi khám, tầm soát Covid-19 mỗi ngày ở TP.HCM. Ngày 10.3, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong ngày bệnh viện đón 80 bệnh nhi nội trú (chưa kể phụ huynh là F0 và F1) và 400 lượt khám, tầm soát Covid-19 ngoại trú (trong đó có 12 trẻ có bệnh nền cần nhập viện theo dõi). Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 10.3 chưa có thống kê nhưng số lượt khám khá cao trong ngày 9.3. Theo đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 145 trẻ nội trú và gần 700 trẻ đến khám ngoại trú tầm soát Covid-19.
Trong ngày 9.3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 58 trẻ mắc Covid-19 nội trú và 251 ca khám ngoại trú có chỉ định tầm soát Covid-19, kết quả có 136 em dương tính. Theo lãnh đạo các bệnh viện, phần lớn trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, số trẻ cần chỉ định nhập viện theo dõi ít, chỉ 1 - 2 ngày sau là xuất viện. Hiện TP.HCM có tổng cộng 366 trẻ đang điều trị Covid-19. Tổng số trẻ em tại TP.HCM mắc Covid-19 tính đến ngày 10.3 là 33.625 ca.
Phát hiện lượng lớn kit test, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc ở TP.HCM. Ngày 10.3, trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM phối hợp với Cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra trụ sở Công ty ADN Care tại 45 đường 18 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân). Cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn kit test, thuốc điều trị Covid-19 hiệu Liên Hoa Thanh Ôn có nguồn gốc Trung Quốc, khẩu trang sản xuất trong nước, cồn sát khuẩn. Người đại diện pháp luật của Công ty ADN Care là N.T.T (39 tuổi, Q.Phú Nhuận) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.
Người này khai kit test và thuốc Liên Hoa Thanh Ôn mua từ một người ở Campuchia qua mạng xã hội. Sau khi chuyển tiền qua ngân hàng, "đối tác" chuyển hàng về bằng xe. Riêng cồn sát khuẩn, người này khai do Công ty ADN Care trực tiếp sản xuất nhưng không xuất trình được giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh mặt hàng này cùng giấy tờ liên quan. Được biết, lô hàng không rõ nguồn gốc này nhập từ Campuchia qua cửa khẩu Tân Hưng, tỉnh Long An về Công ty TNHH TM DV ADN Care tại P.Bình Hưng Hòa. Hiện lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM báo cáo việc vận động đóng góp quỹ Covid-19. Báo cáo nêu rõ, tính đến ngày 10.8.2021, có 30 đơn vị đóng góp vào quỹ Covid-19 của Sở LĐ-TB-XH với tổng số tiền 461 triệu đồng. Trong đó, Công đoàn sở huy động hơn 351 triệu đồng, Văn phòng sở là 60 triệu đồng, Ban Tuyên giáo Đảng ủy là 50 triệu đồng. Văn phòng sở đã chi hỗ trợ bằng hình thức chuyển vào tài khoản cá nhân với số tiền 262,1 triệu đồng. Cụ thể các khoản gồm chi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, y bác sĩ của Bệnh viện Nhân Ái, Bệnh viện 1A, cán bộ của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM qua 2 đợt (125 triệu đồng); hỗ trợ 21 thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của sở qua 5 đợt (97,6 triệu đồng); chi hỗ trợ tổ công tác kiểm tra các gói an sinh, xã hội (25,5 triệu đồng); chi mua khẩu trang tặng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang... Kinh phí còn lại hơn 199 triệu đồng, đã chi vào nội dung viếng thăm 30 gia đình cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại các đơn vị trực thuộc mất hoặc có người thân mất vì Covid-19 (50 triệu đồng); chi hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ đang điều trị Covid-19 cho các đối tượng tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định (21 triệu đồng); và thống nhất chủ trương mua hơn 42.000 khẩu trang hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại 37 đơn vị trực thuộc (hơn 127 triệu đồng).
Bình luận (0)