Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 8.431 ca nhiễm trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 25.4 đến 16 giờ ngày hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm trong nước (tăng 1.014 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận trên 200 ca bệnh: Hà Nội 937, Phú Thọ 702, Quảng Ninh 408, Yên Bái 382, Nghệ An 381, Vĩnh Phúc 351, Lào Cai 338, Hải Dương 326, Đắk Lắk 268, Tuyên Quang 265, Bắc Kạn 262, Bắc Giang 247, Thái Bình 229, Gia Lai 228, Thái Nguyên 215, Cao Bằng 203, Nam Định 202.
Ngày 26.4: Công bố 48.431 ca Covid-19, 23.465 ca khỏi | Hà Nội 937 ca | TP.HCM 64 ca |
Các tỉnh thành ghi nhận dưới 100 ca bệnh: Đắk Nông 91, Vĩnh Long 86, Quảng Nam 82, Lạng Sơn 79, Tây Ninh 78, Điện Biên 77, Hà Nam 68, TP.HCM có 64 ca, Thanh Hóa 53, Hải Phòng 43, Bình Dương 42, Bình Phước 37, Bà Rịa - Vũng Tàu 34, Cà Mau 32, Bình Định 31, Bình Thuận 22, Bến Tre 17, Long An 16, Phú Yên 1, Cần Thơ 13, Thừa Thiên Huế 12, An Giang 10, Kiên Giang 5, Bạc Liêu 5, Hậu Giang 2, Đồng Nai 1, Trà Vinh 1, Kon Tum 1.
Hôm nay, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 40.000 ca sau khi rà soát đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng giảm 124, Hải Dương giảm 68, Thái Nguyên giảm 63. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ tăng 209, Bắc Giang tăng 195, Đắk Lắk tăng 108. Theo công bố của các sở Y tế, hôm nay có 23.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện, 620 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 52 ca thở máy xâm lấn, 1 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 8 ca tử vong tại 6 tỉnh thành. Trong đó, Đắk Lắk ghi nhận 3 ca; các tỉnh An Giang, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Tây Ninh và Trà Vinh mỗi nơi ghi nhận 1 ca.
Nữ sinh lớp 6 Trường THCS Phú Mỹ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM khoe giấy chứng nhận sau tiêm vắc xin Covid-19 |
nhật thịnh |
Chính phủ yêu cầu khẩn tháo gỡ vướng mắc thủ tục y tế cho người nhập cảnh. Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương giải quyết những vấn đề vướng mắc về việc khai báo y tế khi thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh. Phó thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong hôm nay (26.4), Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy định cụ thể điều kiện y tế về phòng, chống dịch để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; gửi các Bộ: Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin - Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan để thông tin cho các đối tượng nhập cảnh.
Bộ Y tế chủ trì thống nhất và có văn bản thông báo việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh; rà soát các ứng dụng khai báo y tế điện tử có chỉ dẫn cụ thể để người nhập cảnh khai báo trước khi nhập cảnh thuận lợi. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan cử ngay đoàn công tác đến các địa phương có cảng hàng không quốc tế để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh; có phương án xử lý trong trường hợp nhập cảnh chưa kịp khai báo y tế trước khi nhập cảnh hoặc ngay tại cửa khẩu, hạn chế tối đa việc ùn ứ, ách tắc tại các sân bay.
TP.HCM không kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sáng 26.4, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất và các cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ nhất, bỏ khâu kiểm tra hành khách có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính tại khu nhập cảnh. Theo đó, trước khi hành khách lên máy bay về Việt Nam, các hãng hàng không đã kiểm tra kết quả xét nghiệm để đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 (RT-PCR hoặc test nhanh) theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ hai, tổ chức phân luồng ngay khi hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, đối với hành khách đã khai báo y tế, sau khi trình mã QR cho nhân viên kiểm dịch y tế sẽ được đi theo luồng riêng để vào làm thủ tục nhập cảnh, không phải dừng lại chờ quét mã QR và xác thực thông tin như trước đây. Đối với hành khách chưa khai báo y tế, có thể khai báo trong khi di chuyển từ máy bay vào nhà ga (các mã QR được bố trí dọc lối đi), hoặc vào khu vực riêng với sự trợ giúp của kiểm dịch y tế hoặc nhân viên hãng hàng không. Sở Y tế đề nghị Cảng vụ hàng không miền Nam tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không thông báo và hướng dẫn đầy đủ cho hành khách khai báo y tế trước khi lên máy bay về Việt Nam. Đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hỗ trợ phân luồng, tăng cường bố trí mã QR tại nhiều điểm để hành khách có thể tự quét mã và khai báo ngay trong khi di chuyển trên các lối đi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ bỏ khai báo y tế trong nước, truy vết nội địa. Hội nghị trực tuyến về làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19, triển khai đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 được tổ chức tại Bộ Y tế sáng nay, với 11.000 điểm cầu đến tuyến xã trên cả nước. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các địa phương cần “làm sạch” dữ liệu 43 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 hiện đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực (do sai sót các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh,...). Các địa phương cần “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, tới đây, trong nước sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ có hướng dẫn từng bước thực hiện bình thường hóa; chỉ khai báo y tế đúng điều lệ y tế quốc tế chứ không phục vụ mục đích khác. Ngành y tế cũng sẽ "làm sạch" và thống nhất dữ liệu, không thêm dữ liệu quản lý nào; tất cả dữ liệu từ BHYT, sổ sức khỏe điện tử, các mũi tiêm chủng sẽ tích hợp thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sẽ bỏ khai báo y tế, truy vết nội địa từng thực hiện trong đại dịch Covid-19 |
7,6 triệu mũi vắc xin Covid-19 chưa được cập nhật trên hệ thống. Tại hội nghị trực tuyến về làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19, triển khai đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện cả nước đã tiêm trên 212 triệu mũi vắc xin Covid-19 nhưng 7,6 triệu chưa được các địa phương cập nhật trên phần mềm quản lý tiêm chủng dù Bộ Y tế đã nhiều lần thúc giục. Hiện còn 43 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa đồng bộ dữ liệu về tiêm chủng và dữ liệu công dân quốc gia.
"Theo chỉ đạo của Chính phủ, Đề án 06 tại các địa phương do chủ tịch tỉnh là tổ trưởng, nhưng vẫn còn địa phương còn xem nhẹ. Tại T.Ư phối hợp rất tốt nhưng nếu các địa phương không phối hợp thì rất khó về cập nhật", Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá. Để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế, cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 của các tỉnh, thành cần chủ trì chỉ đạo thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19, hoàn thành trước ngày 5.5.2022.
7,6 triệu mũi vắc xin Covid-19 chưa được cập nhật trên hệ thống |
Bán kit test cho Việt Á, 1 nhân viên CDC Nam Định trục lợi 800 triệu đồng. Liên quan đến sai phạm tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), sáng 26.4, thông tin ban đầu kết quả điều tra liên quan đến việc bắt 5 bị can tại CDC Nam Định, Công an tỉnh Nam Định cho biết, trong năm 2020 và 2021, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Công ty Việt Á đã “trích %” ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test cho CDC Nam Định với số tiền 3,13 tỷ đồng. Bị can Vũ Thị Ngọc Thanh, Phó trưởng Khoa xét nghiệm CDC Nam Định đã có hành vi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước “bán” cho Công ty Việt Á để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng. Bước đầu các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội. Vật chứng đã thu hồi được là 1,25 tỉ đồng.
Trước đó, vào chiều qua 25.4, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này tiến hành thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 5 cán bộ thuộc CDC Nam Định, gồm: Bị can Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Nam Định; Vũ Ngọc Tuyên, Kế toán trưởng; Vũ Khánh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Phạm Thị Nga, Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế bị khởi tố vì hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự.
CDC Ninh Thuận “mượn” vật tư, sinh phẩm từ Công ty Việt Á hơn 56 tỉ đồng. Ngày 26.4, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kết luận thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm 2020 - 2021, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo kết luận thanh tra, ngày 8.7.2021, trước tình hình cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và chưa có kinh phí để thực hiện các gói thầu mua sắm, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành văn bản cho phép các đơn vị mượn vật tư, sinh phẩm, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn.
Đến ngày 31.12.2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Ninh Thuận và Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã mượn vật tư, sinh phẩm, kit test của các công ty với tổng giá trị gần 86,5 tỉ đồng, đến nay chưa thực hiện thủ tục để thanh toán. Theo đó, CDC Ninh Thuận mượn vật tư, sinh phẩm... tổng giá trị 62,2 tỉ đồng, trong đó mượn của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) là 56,2 tỉ đồng; Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận mượn vật tư, sinh phẩm... 24,2 tỉ đồng, trong đó mượn của Công ty Việt Á gần 3,6 tỉ đồng. Hai đơn vị này đã thanh toán cho Công ty Việt Á 14,6 tỉ đồng, hiện còn nợ 59,8 tỉ đồng chưa thanh toán.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, chất thải y tế của người nhiễm Covid-19 vẫn “trộn chung với rác sinh hoạt”. Tại cuộc họp bàn giải pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra hôm nay 26.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu thực tế trong quá trình chống dịch, rất nhiều cơ sở thu dung, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 xuất hiện tình trạng quá tải chất thải y tế, chất thải lây nhiễm do không được đưa đi xử lý. Tại cộng đồng, với khoảng 87% ca mắc Covid-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú đã phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải lây nhiễm của những hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 không được giám sát đầy đủ do thiếu nhân lực, phương tiện thu gom. Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho hay y tế cơ sở đã hướng dẫn kỹ cho người dân phân loại, tuy nhiên, các đơn vị thu gom dân lập lại "trộn chung với rác sinh hoạt". "Khi chưa cung cấp được túi đựng chất thải y tế riêng biệt, chúng ta có thể sử dụng miếng dán màu để phân biệt", ông Nam đề xuất.
Bình luận (0)