Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 91.916 ca nhiễm trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 26.3 đến 16 giờ hôm nay trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 91.916 ca nhiễm mới trong nước (giảm 11.208 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới có 62.043 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 10.252 ca, Bắc Giang 3.997 ca, Yên Bái 3.977 ca, Nghệ An 3.976 ca, Đắk Lắk 3.909 ca, Phú Thọ 3.638 ca, Lào Cai 3.430 ca, Lạng Sơn 3.121 ca. Các tỉnh ghi nhận trên 2.000 ca: Thái Bình 2.798 ca, Vĩnh Phúc 2.768 ca, Quảng Ninh 2.553 ca, Hà Giang 2.518 ca, Quảng Bình 2.501 ca, Thái Nguyên 2.435 ca, Sơn La 2.206 ca, Tuyên Quang 2.092 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai giảm 1.945 ca, Bắc Ninh giảm 1.174 ca, Phú Thọ giảm 1.041 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 629 ca, Đắk Lắk tăng 466 ca, Bình Dương tăng 257 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 185.861 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện 3.447 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua ghi nhận 48 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Đồng Nai 6 ca, Đắk Lắk ca, Quảng Ninh 4 ca, An Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang mỗi nơi ghi nhận 3 ca, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Quảng Bình mỗi nơi ghi nhận 2 ca, Thái Nguyên 2 ca trong 2 ngày, Bắc Giang, Bình Phước, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nội, Hải Dương, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phú Yên, Sóc Trăng và TP.HCM mỗi nơi ghi nhận 1 ca.
Đà Nẵng hôm nay ghi nhận 743 ca mắc mới. Trong ảnh, ngày hội khinh khí cầu tổ chức tại Công viên APEC, Đà Nẵng ngày 27.3 để chào đón khách quốc tế trở lại |
nguyễn tú |
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi ngay trong tháng 4. Sáng nay, 27.3, Bộ Y tế chính thức thông báo, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4.2022. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc xin về Việt Nam trong tuần tới. Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tập huấn chuyên môn, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.
Ngay sau khi vắc xin về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vắc xin sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4. Theo Bộ Y tế, bên cạnh nguồn vắc xin hỗ trợ của Chính phủ Úc, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vắc xin khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8 - 10 triệu liều vắc xin phòng Covid - 19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5 - 11 tuổi của Việt Nam.
Mỗi trường ở TP.HCM là một điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngày 27.3, theo hướng dẫn triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các trường học tại TP.HCM đang lấy mã định danh cá nhân của học sinh, nhập liệu phục vụ công tác tiêm chủng. Đây là điểm mới của chương trình tiêm chủng phòng Covid-19, ngành giáo dục sẽ chịu trách nhiệm nhập liệu trước và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ thay vì lực lượng nhân viên ngành y tế như trước đây đối với học sinh từ 12 tuổi trở lên. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT lưu ý, các quận, huyện, các trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Sở GD-ĐT và Sở Y tế thống nhất tham mưu với UBND TP tổ chức mỗi trường là một điểm và thực hiện tiêm cho học sinh trường mình. Trong trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức điểm tiêm tại trường thì học sinh mới tiêm ở điểm khác.
Được biết, trong các buổi giao ban về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các nhà trường, ghi nhận từ các trường học, lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện cho thấy ở khu vực tập trung dân nhập cư đang gặp khó khăn về việc nhập liệu mã định danh của trẻ ở lứa tuổi này. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở sẽ phối hợp và làm việc với các sở ban ngành liên quan như với Sở Y tế, Công an TP, Sở Thông tin-Truyền thông để có giải pháp hỗ trợ phụ huynh, nhà trường trong việc chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ.
Kon Tum điều trị thành công cho bệnh nhân mắc hội chứng bão cytokine. Ngày 27.3, bác sĩ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công cho 1 bệnh nhân mắc hội chứng bão cytokine chuyển biến nặng. Đây là bệnh nhân mắc hội chứng bão cytokine được điều trị thành công đầu tiên tại Kon Tum. Trước đó, ngày 9.3, bệnh nhân H.T.C (45 tuổi, trú tại TP.Kon Tum) được phát hiện mắc Covid-19. Bệnh nhân chưa tiêm mũi vắc xin nào và có biểu hiện khó thở. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu với tình trạng trạng suy hô hấp, tiên lượng xấu.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân C. mắc hội chứng bão cytokine nên chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục điều trị, lọc máu. Theo bác sĩ Thiện, sau hơn nửa tháng được lọc máu và tích cực điều trị, sức khỏe bệnh nhân C. ổn định và được cho xuất viện. Được biết, sau thời gian điều trị, bệnh nhân giảm khoảng 9 kg. Hội chứng bão cytokine là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như vi rút gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Hội chứng bão cytokine có thể dẫn đến tử vong khi các cytokine tấn công nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể khiến phổi, gan và các cơ quan nội tạng bị tổn thương nặng.
Đồng Nai chính thức giải thể bệnh viện dã chiến cuối cùng điều trị Covid-19. Ngày 27.3, tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng vừa có quyết định chính thức giải thể Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 11 đóng tại ấp 2, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc. Như vậy, đây là BVDC cuối cùng ở Đồng Nai chính thức giải thể sau hơn 6 tháng đưa vào hoạt động. Trước đó, tháng 9.2021, BVDC số 11 được UBND tỉnh Đồng Nai thành lập có quy mô 2.500 - 3.000 giường bệnh, được cải tạo từ trang trại gà của Công ty TNHH chăn nuôi Hồng Gấm rộng 48.500 m2. Cơ sở chăn nuôi này trước đây đã hoàn thiện phần xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng, do đó Sở Y tế đề xuất trưng dụng để làm BVDC điều trị bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn cao điểm.
Dù Đồng Nai giải thể 11 BVDC trên địa bàn nhưng địa phương vẫn đang duy trì hoạt động 9 khu cách ly với tổng số 1.320 giường phục vụ người dân không đủ điều kiện cách ly tại nhà, 234 trạm y tế lưu động tại 11/11 huyện, thành phố. Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết số ca nhiễm Covid-19 tuy có tăng cao nhưng số ca chuyển nặng, nguy kịch và tử vong hằng ngày không tăng. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm lũy kế hiện nay của Đồng Nai là 0,47%, tỷ lệ tử vong/tổng số ca nhiễm trong tuần là 0,11%. Tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 trong độ tuổi tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên ở Đồng Nai khá cao. Trong đó mũi 1 là 104,48%, mũi 2 (100,90%) và mũi 3 (54,26%).
Hậu Covid-19 khó lường, cần nâng cao ý thức phòng hơn trị bệnh. Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân (Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3), thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng ghi nhận số lượng ca nhiễm lẫn ca tái nhiễm SARS-CoV-2 do biến thể mới Omicron tiếp tục gia tăng. Kể từ khi biến thể Omicron của SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện, số lượng người bị tái nhiễm Covid-19 đã tăng mạnh. Từ khoảng giữa tháng 11.2021, tỷ lệ tái nhiễm chiếm khoảng 1% các trường hợp Covid-19 được báo cáo, nhưng tỷ lệ hiện nay đã tăng lên khoảng 10%. Nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12.2021 đến đầu tháng 1.2022, khi Omicron thống trị.
Các nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm vi rút trước đó có hiệu quả ngăn ngừa đến 90% với các biến thể Alpha, Beta hoặc Delta, nhưng nó chỉ có hiệu quả 56% đối với Omicron. Omicron mang một số lượng lớn các đột biến trong protein của nó - mục tiêu chính của các phản ứng miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng nhận diện vi rút của kháng thể và ngăn chặn sự lây nhiễm. Cơ chế tác động của biến thể Omicron, làm thế nào biến thể này “trốn” được hệ thống miễn dịch, vẫn chưa được làm rõ. Sự phức tạp nằm ở số lượng đột biến của nó. Bác sĩ Phạm Ánh Ngân đưa ra lời khuyên, mặc dù ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm Omicron trở nặng có thấp hơn so với các biến thể khác, nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Các vấn đề của hội chứng hậu Covid-19 vẫn còn nhức nhối và thách thức nền y tế chúng ta hiện nay. Vì vậy chúng ta cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnh, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, giả mạo nhân viên CDC Cà Mau thông báo người dân nhận kết quả xét nghiệm Covid-19. Ngày 27.3, đại diện Sở TT-TT Cà Mau đã thông tin đến báo chí về văn bản của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau (CDC Cà Mau) gửi sở này và Công an tỉnh Cà Mau về việc xử lý những trường hợp mạo danh nhân viên của CDC Cà Mau. Theo CDC Cà Mau, trong thời gian vừa qua, trung tâm nhận được thông tin của một số người dân và các trang báo điện tử phản ánh tình trạng một số đối tượng lợi dụng số điện thoại và các phần mềm mạng xã hội để mạo danh nhân viên CDC Cà Mau thông báo người dân nhận kết quả xét nghiệm Covid-19. Việc mạo danh này nhằm khai thác thông tin cá nhân của người dân để làm việc trái với pháp luật. CDC Cà Mau xác nhận đây không phải là nhân viên của trung tâm. Từ thực tế trên, CDC Cà Mau đề nghị Sở TT-TT và Công an tỉnh Cà Mau rà soát, điều tra, xử lý các đối tượng theo đúng quy định.
Bình luận (0)