Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có thêm 80.827 ca mắc Covid-19 trong nước, ca tử vong tiếp tục giảm. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 30.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 80.838 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 80.827 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.932 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca bệnh: Hà Nội 8.054 ca, Phú Thọ 3.415 ca, Nghệ An 3.399 ca, Yên Bái 3.156 ca, Đắk Lắk 3.107 ca, Lào Cai 2.981 ca, Hải Dương 2.864 ca, Bắc Giang 2.688 ca, Quảng Ninh 2.509 ca, Quảng Bình 2.352 ca, Hà Giang 2.344 ca, Lạng Sơn 2.159 ca, Vĩnh Phúc 2.039 ca. Hôm nay Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 11.517 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Bản tin Covid-19 ngày 31.3: Cả nước hơn 9,5 triệu ca | 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền nhà trọ |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang giảm 1.311 ca, Lạng Sơn giảm 466 ca, Bình Dương giảm 383 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương tăng 1.081 ca, Vĩnh Long tăng 188 ca, Quảng Ngãi tăng 154 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 250.482 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện, 2.975 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 39 ca tử vong tại các địa phương (các ngày trước đó ghi nhận 41 - 58 ca). Trong đó, Bến Tre ghi nhận 5 ca, Bình Thuận 4 ca, Cao Bằng 4 ca trong 2 ngày, Phú Yên 4 ca, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Sóc Trăng và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 2 ca. Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Tây Ninh và TP.HCM mỗi nơi ghi nhận 1 ca.
Hiệu quả bảo vệ khỏi nhập viện ở nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi ghi nhận đạt 68% sau khi tiêm vắc xin khoảng 1 tháng |
SHUTTERSTOCK |
Không tiêm trộn vắc xin Covid-19 khi sử dụng cho trẻ em. Chiều nay 31.3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tại hội nghị tập huấn, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, nêu rõ từ đầu tháng 4 tới đây, ngay sau khi vắc xin phòng Covid-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. 2 loại vắc xin sẽ được tiêm cho nhóm trẻ này là Pfizer và Moderna.
"Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vắc xin, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào", bà Hồng nhấn mạnh. Vắc xin Pfizer chỉ định cho người 5 đến dưới 12 tuổi là tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml; 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Vắc xin Spikevax (Moderna Covid-19 vaccine) sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiêm liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25 ml); tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Công bố mới nhất về hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 với trẻ em. Theo Trung tâm Cảnh giác dược quốc gia (Bộ Y tế), hiệu quả của vắc xin BNT162b2 (Pfizer BioNTech) đối với biến chủng Omicron trên trẻ em và trẻ vị thành niên vừa được công bố trên tạp chí y học New England ngày 30.3. Theo công bố, nghiên cứu bệnh chứng với gần 3.000 trẻ từ 12 - 18 tuổi cho thấy trong giai đoạn chủng Delta lưu hành, hiệu quả bảo vệ tránh nhập viện do Covid-19 ở nhóm tiêm vắc xin đạt 93% sau 2 - 22 tuần sau tiêm, duy trì ở mức 92% sau 23 - 44 tuần sau tiêm. Trong giai đoạn chủng Omicron lưu hành, hiệu quả bảo vệ khỏi nhập viện của vắc xin ở trẻ 12 - 18 tuổi là 40%, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 nặng là 79%; và ở mức 20% với hiệu quả bảo vệ tránh mắc Covid-19 nhẹ. Hiệu quả bảo vệ khỏi nhập viện ở nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi ghi nhận đạt 68% sau khi tiêm vắc xin khoảng 1 tháng.
Tại Việt Nam, từ tháng 4 tới, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi được triển khai tại các tỉnh, thành. Tiêm chủng vắc xin Covid-19, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, mặc dù số mắc và tử vong ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhưng hậu quả của bệnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bệnh viện đầu ngành về nhi khoa đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau nhiễm SARS-COV-2, bao gồm trẻ có biểu hiện bệnh Covid-19 hoặc không có biểu hiện bệnh. MIS-C có thể tiến triển nặng, thậm chí gây tử vong. Covid-19 cũng có thể khiến trẻ gặp phải các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như: mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ,…
TP.HCM phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước tháng 9.2022. Theo dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, số lượng trẻ ở TP.HCM dự kiến được tiêm khoảng 898.537, trong đó có 885.730 trẻ đi học (do Sở GD-ĐT cung cấp) và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học (do LĐ-TB-XH cung cấp). Đối với trẻ đi học, tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định. Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các khoa nhi của các bệnh viện, tổ chức tiêm vắc xin tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).
Trung tâm cấp cứu 115 được giao làm đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm. Thực hiện theo dõi trẻ em được tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng, cung cấp số điện thoại của trung tâm y tế hoặc trạm y tế để người được tiêm chủng liên hệ khi cần. Dự kiến TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi Bộ Y tế tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.2022. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, cụ thể: vắc xin Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNtech Covid-19 Vaccine).
Quảng Trị phấn đấu trên 95% trẻ em từ 5 - 11 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Sáng nay 31.3, Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Thời gian tiêm dự kiến từ tháng 4, tùy theo việc cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đối tượng tiêm chủng là trẻ em độ tuổi từ 5 - 11 đang theo học tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS; trẻ đang sống trên địa bàn nhưng không đi học, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ vãng lai. Số lượng trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này là 81.665 em. Các em sẽ được tiêm vắc xin do Bộ Y tế phê duyệt; liều dùng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Việc tiêm chủng vắc xin được tổ chức tại 9 trung tâm y tế tuyến huyện và 125 trạm y tế các xã, phường, thị trấn; có thể tổ chức các điểm tiêm lưu động tùy theo điều kiện thực tế và phải đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập ít nhất 1 đội tiêm hỗ trợ cho các địa phương khi có lệnh điều động của Ban chỉ đạo. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu trên 95% trẻ em từ 5 - 11 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian F0 khai báo qua mạng từ 5 ngày xuống 2 ngày. Theo Sở Y tế TP.HCM, lúc đầu thực hiện F0 khai báo qua mạng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho phép F0 có thể khai báo trong vòng 5 ngày (kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính). Tuy nhiên, qua phân tích thời gian khai báo của F0 cho thấy hầu hết đã khai báo trong 48 giờ đầu (trong đó 49% người dân khai báo trong 24 giờ đầu, 26% người dân khai báo trong 24 giờ tiếp theo, 11% người dân khai báo vào ngày thứ ba và 15% F0 khai báo vào ngày thứ tư, thứ năm). Với kết quả khảo sát này, sắp tới Sở Y tế dự kiến tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM rút ngắn thời gian khai báo xuống còn trong vòng 48 giờ đầu (2 ngày) nhằm tạo thói quen khai báo ngay sau khi mắc Covid-19, có lợi cho người thuộc nhóm nguy cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm y tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Tính đến ngày 31.3, tức sau 20 ngày triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn TP.HCM, đã có 84.799 lượt người F0 khai báo qua mạng. Các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM đã tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và xác nhận 61.406 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 72%. Theo Sở Y tế, đáng ghi nhận là đã có 1.233 người F0 khai báo qua mạng thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền) và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng (khai báo có cảm giác mệt, khó thở, đau tức ngực) được các trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời. Sở Y tế yêu cầu ban giám đốc các trung tâm y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn tiếp tục đẩy nhanh đăng ký chữ ký số cho các trạm y tế, UBND phường, xã để thuận lợi hơn trong cấp chứng nhận trực tuyến cho người F0 đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.
TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian F0 mắc Covid-19 khai báo qua mạng xuống 2 ngày |
Hà Tĩnh lập tổ tư vấn điều trị F0 và hậu Covid-19. Ngày 31.3, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện này đã thành lập tổ tư vấn điều trị F0 và hậu Covid-19. Theo đó, tổ tư vấn điều trị với nòng cốt 4 bác sĩ tại khoa Điều trị theo yêu cầu cùng 40 bác sĩ thuộc các chuyên khoa của bệnh viện, thực hiện công tác tư vấn, điều trị, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài trực tiếp tư vấn điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 qua số điện thoại, bệnh viện này cũng thành lập tổ tư vấn cho những bệnh nhân khỏi bệnh trên nền tảng mạng xã hội Zalo với hơn 200 thành viên trong bệnh viện tham gia, sẵn sàng tư vấn khi có yêu cầu.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 bệnh nhân đến trực tiếp khám, tư vấn về các triệu chứng mắc phải sau khi đã khỏi Covid-19 như: khó ngủ, đau đầu, sổ mũi, rát họng, ho... Đối với nhóm Zalo, các thành viên trong nhóm thay nhau trả lời, hướng dẫn cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe và phương pháp điều trị cho người dân. Hà Tĩnh hiện còn 375 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế và 4.567 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại nhà. Trên địa bàn tỉnh này hiện có 7 xã, phường có mức nguy cơ dịch ở cấp 3 và có 209 xã, phường nguy cơ dịch ở cấp 1, 2.
F0 nhận đủ lương trong thời gian nghỉ ốm, không được giải quyết thêm tiền trợ cấp chế độ ốm đau. Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM sáng nay (31.3), một đơn vị đặt câu hỏi: "Trường hợp người lao động là F0, sau khi khỏi bệnh, có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và muốn hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, người này trong thời gian nghỉ ốm tại nhà, được đơn vị trả tiền lương đầy đủ, đã được trưởng phòng ký giấy xác nhận thời gian nghỉ ốm vẫn làm việc. Vậy đơn vị sử dụng lao động nên giải quyết thế nào?".
Cơ quan BHXH TP.HCM cho hay, luật BHXH có nêu rõ: BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần hoặc toàn bộ bù đắp một phần hoặc toàn bộ thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Đối với trường hợp người lao động là F0 nhưng vẫn được đơn vị trả đầy đủ tiền lương (tức thu nhập của người lao động không bị giảm hoặc mất) thì không được giải quyết thêm tiền trợ cấp chế độ ốm đau.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Hải Dương điều tra vụ hai mẹ con tử vong trong khu điều trị F0 của Trung tâm Y tế TP.Chí Linh. Sáng 31.3, Công an tỉnh Hải Dương cho biết đang phối hợp với Công an TP.Chí Linh điều tra vụ 2 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP.Chí Linh tử vong. Theo ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Chí Linh, người mẹ năm nay 43 tuổi và con trai mới 2 tuổi vào khu điều trị F0 của Trung tâm Y tế H.Chí Linh từ ngày 28.3. Thời điểm đó, bé trai bị sốt cao. Đến khoảng 17 giờ ngày hôm qua (30.3), người mẹ không ra nhận cơm mà bế con đi đi lại lại phía bên ngoài phòng. Đến 18 giờ cùng ngày, người chồng mang đồ đến cho hai mẹ con nhưng không gọi điện được nên đã báo với lực lượng y tế. Khi nhân viên y tế đi kiểm tra thì phát hiện 2 mẹ con nằm dưới sàn, cả hai đều chảy nhiều máu và đã tử vong. Bên cạnh 2 thi thể có con dao nhọn thường dùng để gọt hoa quả.
Bình luận (0)