Thông tin về tình hình Covid-19 đáng chú ý hôm nay, TP.HCM cần 210.000 liều vắc xin mỗi ngày từ 5.8 đến cuối tháng 8.2021. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đã nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế và tiếp nhận tại kho của Viện Pasteur TP.HCM đến hết ngày 2.8 là 2.518.040 liều. Số lượng từng loại: 1.872.850 liều AstraZeneca, 19.000 liều Sinopharm, 54.990 liều Pfizer và 571.200 liều Moderna. Dự kiến đến ngày 5.8, TP.HCM sẽ tiêm hết số vắc xin đã được cấp. Hiện có khoảng 1.950.000 người được tiêm mũi 1 và khoảng 70.000 người tiêm đủ 2 mũi. Tính trung bình từ ngày mai (5.8) đến hết tháng 8.2021, TP.HCM cần khoảng 210.000 liều vắc xin/ngày với tổng số lượng dự kiến cho cả mũi 1 và mũi 2 là 5,5 triệu liều.
Hải Phòng tiêm vắc xin Sinopharm cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên. Nhóm ưu tiên số 1 là lái xe, phụ xe đường dài. Nhóm ưu tiên số 2 là công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp Trung Quốc và công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Nhóm ưu tiên thứ 3 là người dân xung phong được tiêm. Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 của Hải Phòng diễn ra từ tháng 7.2021 đến tháng 4.2022 với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm đến hết quý 1/2022.
Lào Cai tiêm vắc xin Sinopharm cho lao động cửa khẩu, cư dân biên giới. Ngày 4.8, Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương này đang triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 với 4 loại vắc xin được Bộ Y tế phân bổ gồm: Vero Cell, Moderna, AstraZeneca và Pfizer. Riêng đối với vắc xin Vero Cell của Sinopharm, Lào Cai được Bộ Y tế phân bổ khoảng 17.000 liều, đến nay, đã tiêm mũi 1 cho 8.496 người. Người được tiêm vắc xin Vero Cell là lao động ở các khu vực cửa khẩu, một số phường giáp biên tại TP.Lào Cai và người dân biên giới tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát.
Bạc Liêu tiêm vắc xin Covid-19 đợt 4 cho khoảng 30.000 người thuộc đối tượng ưu tiên. Sáng 4.8, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 12 điểm đang đồng loạt khẩn trương triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt 4 cho các đối tượng ưu tiên. Đợt này, dự kiến có khoảng 30.000 người được tiêm vắc xin. Trong đó, 16.244 người chưa tiêm, hoãn tiêm các đợt trước; 929 người làm việc tại các cơ quan hành chính thường xuyên tiếp xúc nhiều người; 4.337 người cung cấp dịch vụ thiết yếu...
16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vừa được Bộ Y tế cấp phép, gồm 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước, 15 loại nhập khẩu. Test nhanh sản xuất trong nước được cấp phép là Trueline COVID-19 Ag Rapid Test, xét nghiệm định tính phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, của Công ty TNHH Medicon, giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó). 15 test nhập khẩu gồm 10 loại của Hàn Quốc: COVID-19 Ag; BioCredit COVID -19 Ag; GenBody COVID-19 Ag; Asan Easy Test COVID-19 Ag; SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test; Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device; Standard Q COVID-19 Ag Test; Humasis COVID-19 Ag Test; SGTi-flex COVID-19 Ag; Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device (Nasal) và Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc; Biosynex COVID-19 Ag BSS của Pháp; V Trust COVID-19 Antigen Rapid Test của Đài Loan; CareStart COVID-19 Antigen của Mỹ; Espline SARS-CoV-2 của Nhật Bản. |
Lâm Đồng lập bệnh viện dã chiến 500 giường phòng dịch Covid-19. Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có quyết định lập bệnh viện dã chiến từ 300 - 500 giường. Việc thành lập và phương án hoạt động bệnh viện dã chiến do một Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. Khi có trên 600 người mắc Covid-19 thì huy động, tận dụng các cơ sở trường học… để thành lập bổ sung các bệnh viện dã chiến.
Bình Định chuyển y tế tuyến huyện điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, bệnh nhẹ. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, các địa phương lúc đầu còn lúng túng nên phải đưa bệnh nhân vào Bệnh viện y học cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, sau đó ngành y tế đưa các ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, bị nhẹ đến điều trị tại các trung tâm y tế, phòng khám tuyến huyện, giúp giảm tải cho các cơ sở tuyến tỉnh. Bình Định hiện có 9 cơ sở cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giảm thời gian cách ly tập trung với người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Ngày 4.8, Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, xét nghiệm âm tính hoặc từng nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh. Theo đó, người đáp ứng đủ các điều kiện trên, thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế).
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Quảng Trị thu hồi văn bản quy định các đối tượng đặc biệt cách ly tại nhà. Theo công văn này, tỉnh Quảng Trị cho phép thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày và 2 lần xét nghiệm đối với các trường hợp đặc biệt: người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ cần phải có người chăm sóc; bệnh nhân ung thư, các bệnh lý hiểm nghèo cần chăm sóc y tế. Đối với trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần âm tính thì kết thúc cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Quảng Trị thu hồi văn bản vì “nếu áp dụng như công văn cũ, số lượng người xin được cách ly tại nhà là quá lớn, gây khó khăn trong quản lý”.
Bình luận (0)