Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chiến lược vắc xin đi sau về trước đã thành công". Sáng nay 5.1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, nhằm đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; bàn nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Nhận định về công tác điều hành của Chính phủ, Tổng bí thư cho rằng, một trong những kết quả nổi bật nhất là từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chuyển sang thích ứng an toàn.
“Đến nay, có thể khẳng định rằng chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin đi sau về trước với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất”, Tổng bí thư nói và dẫn chứng, nếu hồi tháng 5.2021, chúng ta mới chỉ có vài trăm nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 thì đến nay con số đã trên 200 triệu liều, với độ bao phủ mũi 1 là 99,6%, tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 90% và là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin Covid-19 nhất thế giới và đang tiêm tiếp tục tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ em…
Số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong ở TP.HCM đều giảm |
khánh trần |
TP.HCM dừng hoạt động Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định dừng hoạt động đối với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM kể từ ngày 4.1. Các lực lượng của Bộ Tư lệnh TP.HCM, Công an TP.HCM, Sở Y tế, Sở TT-TT, Văn phòng UBND TP.HCM và các cơ quan tham gia hoạt động tại Sở Chỉ huy sẽ rút về khi đã kết thúc nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh TP.HCM được giao nhiệm vụ nắm chắc tình hình có liên quan đến dịch bệnh, kịp thời tham mưu hoạt động trở lại Sở Chỉ huy khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Quyết định trên của TP.HCM đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có nhiều tín hiệu khả quan, số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm liên tục trong các tuần qua. Hồi tháng 7.2021, UBND TP.HCM quyết định thành lập Sở Chỉ huy Phòng chống dịch Covid-19 với 16 thành viên, Chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND TP.HCM.
Bản tin Covid-19 ngày 5.1: Cả nước 17.017 ca | Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin tốp đầu thế giới |
Số ca nhiễm Covid-19 giảm dù du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng cao. Chiều 5.1 bà Trần Vũ Thị Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết trên địa bàn hiện có 433 trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, trong đó 31 người kết thúc điều trị. Cụ thể, P.8 có số ca Covid-19 điều trị tại nhà cao nhất, với 68 ca; tiếp đó là X.Tà Nung 50 ca; các phường 3 và 4 có 38 ca; phường 7 và 9 có 28 ca…
Theo báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, trong 4 ngày đầu năm 2022, dù số du khách đến Đà Lạt rất đông (trên 55.000 lượt du khách), nhưng số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh giảm. Cụ thể mỗi ngày ghi nhận từ 210 - 228 ca/ngày, trong khi những ngày cuối năm 2021, số ca Covid-19 tăng cao, 3 ngày 27, 28 và 29.12, ghi nhận lần lượt là 358, 394 và 483 ca Covid-19.
TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại. Ngày 5.1, UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết đã ban hành thông báo về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố kể từ 6 giờ ngày 6.1. Theo đó, TP.Buôn Ma Thuột cho phép tổ chức hoạt động ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo, sự kiện...) với điều kiện tập trung dưới 60 người trong cùng một thời điểm; trên 90% số người tham gia được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.
UBND TP.Buôn Ma Thuột yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động với điều kiện: phục vụ không quá 20 khách trong cùng một thời điểm, bàn cách bàn tối thiểu 2 m; thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, không phục vụ khách trong phòng kín và không sử dụng điều hòa. Khuyến khích bán hàng mang về hoặc giao hàng tại nhà. Không được kinh doanh, phục vụ khách trên vỉa hè…
Tính từ 16 giờ ngày 4.1 đến 16 giờ ngày 5.1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng). Ghi nhận ca bệnh mới tại một số tỉnh thành: Hà Nội (2.505 ca), Tây Ninh (862), Hải Phòng (792), Khánh Hòa (782), Bình Định (735), Cà Mau (687)…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-216), Đắk Lắk (-94), Tây Ninh (-54). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+380), Cà Mau (+237), Vĩnh Long (+226). Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 22.662 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 4.1 đến 17 giờ 30 ngày 5.1, cả nước ghi nhận 230 ca tử vong.
TP.HCM thanh tra đột xuất mua sắm, sản xuất kit xét nghiệm Covid-19. Sáng 5.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn giao Thanh tra TP.HCM thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định Covid-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh các loại kit xét nghiệm đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, tránh trùng lặp, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra. UBND TP.HCM giao Sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định. Trong đó, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm.
Hà Nội phát hiện hơn 19.000 F0 mắc Covid-19 qua test nhanh trong 3 tuần |
Kiên Giang thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm Covid-19. Ngày 5.1, ông Nguyễn Văn Đức, Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang, cho biết Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa triển khai quyết định thanh tra việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các dịch vụ y tế; mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc; sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Theo đó trong thời gian 45 ngày, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra các cơ sở khám, chữa bệnh đối với Sở Y tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang; các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Kiên Giang gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện tâm thần; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc mua sắm, cung ứng, tài trợ… Trước đó, ngày 22.9.2021, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang ký hợp đồng với Công ty Việt Á mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên địa bàn tỉnh trị giá gần 65 tỉ đồng.
Cà Mau chấn chỉnh việc mua bán thuốc phòng, chống Covid-19. Sở Y tế Cà Mau vừa có công văn yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc chấn chỉnh việc mua bán thuốc phòng, chống Covid-19. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện nghiêm các quy định về bán thuốc kê đơn, bán thuốc không kê đơn. Các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, một số loại thuốc giảm ho là các thuốc phải kê đơn, không tự bán nếu không có đơn thuốc của bác sĩ. Các thuốc trên nếu dùng không đúng chỉ định có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.
Đối với các thuốc kháng đông như: Aspirin, Clopidogel, Acenocoumarol không được Bộ Y tế cho phép dùng trong điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà. Do đó, cơ sở kinh doanh thuốc cần lưu ý khi bán theo đơn các loại thuốc này. Chỉ tư vấn, hướng dẫn sử dụng các nhóm thuốc không kê đơn; các thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc cân bằng điện giải, thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng là các thuốc dùng trong điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, số ca tử vong do Covid-19 ở Tây Ninh trung bình 10 ca/ngày. Ngày 5.1, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Tây Ninh, cho biết số ca tử vong ghi nhận trong ngày ở địa phương này đang ở mức trung bình 10 ca/ngày. Tính đến nay, Tây Ninh ghi nhận tổng cộng 678 ca tử vong do Covid-19. Theo thống kê, trong ngày 4.1, địa phương này ghi nhận thêm 901 ca dương tính Covid-19 tại 9/9 huyện, thị xã, TP và gần 200 ca nghi nhiễm. Cộng dồn đến thời điểm hiện nay, Tây Ninh ghi nhận tổng cộng 90.191 ca mắc Covid-19. Trong số 7.538 ca mắc Covid-19 đang được điều trị, có 6.871 ca đang điều trị tại nhà, đưa Tây Ninh trở thành địa phương có số ca F0 điều trị tại nhà dẫn đầu cả nước. Cũng theo Sở Chỉ huy phòng chống dịch Tây Ninh, nhờ áp dụng cách ly, điều trị tại nhà nên khả năng tiếp nhận bệnh nhân tại 3 tầng điều trị còn tới 2.266 giường.
Bình luận (0)