Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 147.335 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 6.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 147.358 ca nhiễm mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.207 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 32.317 ca, Nghệ An 10.153 ca, Bắc Ninh 7.873 ca, Phú Thọ 4.326 ca, Hưng Yên 3.978 ca, Sơn La 3.953 ca, Hòa Bình 3.866 ca, Hải Dương 3.799 ca, Bình Dương 3.644 ca, Nam Định 3.455 ca, Lạng Sơn 3.118 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng giảm 4.207 ca, TP.HCM giảm 759 ca, Bắc Kạn giảm 583 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội tăng 2.740 ca, Nghệ An tăng 2.574 ca, Gia Lai tăng 2.363 ca. Theo công bố của các sở Y tế, hôm nay có 36.993 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 78 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 15 ca, Quảng Bình 7 ca trong 2 ngày ca, Kiên Giang 6 ca trong 2 ngày, Hà Nam 5 ca trong 2 ngày, Đà Nẵng, Hải Dương và Nghệ An mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Thanh Hóa 4 ca trong 2 ngày, Bình Định và Hòa Bình mỗi nơi ghi nhận 3 ca…
Ca Covid-19 chuyển nặng ở TP.HCM có dấu hiệu tăng sau một thời gian giảm dần |
khánh trần |
Ca Covid-19 chuyển nặng có dấu hiệu tăng trở lại ở TP.HCM. Chiều 7.3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay không có chỉ tiêu báo cáo với Bộ Y tế về tỷ lệ người tái nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, liên quan độ trở nặng của người tái nhiễm Covid-19, TP.HCM hiện chưa có báo cáo ban đầu. Tuy nhiên, ngành y tế có theo dõi, quan sát số liệu ca nhiễm Covid-19 chuyển nặng cũng như ca tử vong trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó, các ca chuyển nặng trên địa bàn "có dấu hiệu hơi tăng sau một thời gian giảm dần. Còn ca tử vong vẫn đang giảm sâu".
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tốt đối với trường hợp chuyển nặng, tử vong để báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM đã có những giải pháp cụ thể để ứng phó tình hình ca nhiễm tăng. Đơn cử như bố trí sắp xếp các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ở các quận huyện, các khu chế xuất - khu công nghiệp, bệnh viện để có thể kích hoạt lại kịp thời khi cần thiết; mở chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ; xét nghiệm tầm soát để phát hiện người có nguy cơ cao là F0 và có hướng điều trị; thực hiện hạn chế nguy cơ lây lan trẻ em sang nhóm người có nguy cơ; điều chỉnh các hoạt động theo cấp độ dịch Covid-19...
Chuyên gia dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch trong vòng 6 tháng tới. Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang trong làn sóng dịch thật sự thứ 2, lần này do chủng Omicron và dự đoán ít nhất TP.HCM có 1 - 2 làn sóng dịch nữa. Bởi hiện nay số ca nhiễm báo cáo chưa phải là số thật sự, vì nhiều người nhiễm nhưng ít người khai báo nên dự báo khó chính xác. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, số ca nhiễm Covid-19 thật hay giả thì ít nhất cũng có 1 làn sóng dịch mới nữa trong vòng 6 tháng tới.
“Nguyên tắc là sẽ có làn sóng dịch tiếp theo, trừ khi hầu hết người dân đã có miễn dịch và miễn dịch mạnh. Còn hiện nay, miễn dịch là chưa bền vững nên dịch sẽ thành chu kỳ, do đó để có miễn dịch bền vững thì phải “đấu” với dịch bệnh lâu dài”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích. Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC), hiện nay đang đại dịch, mọi chuyện không đơn giản và đỉnh dịch Omicron hiện có thể kéo dài đến tháng 4.2022. Làn sóng dịch sẽ tự lên và tự xuống theo diễn tiến tự nhiên. Số ca mắc cao, dù tỷ lệ tử vong thấp (nhờ vắc xin và thuốc) nhưng gánh nặng cho y tế, gánh nặng cho gia đình vẫn còn.
Chuyên gia dự báo TP.HCM còn 1 làn sóng dịch Covid-19 trong vòng 6 tháng tới |
F0 không triệu chứng nên đi làm. Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế ngày 5.3 đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 về việc F0, F1 có thể đi làm. PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Tôi nhấn mạnh là những người F0 không triệu chứng vẫn nên đi làm nếu không lây bệnh cho người khác. Chẳng hạn như nông dân làm ruộng ngoài đồng, công nhân làm đường, chuyên gia làm việc độc lập…”. Ông Huy Nga cũng đưa ra một số tình huống cụ thể mà các F0 có thể làm việc an toàn như: “Dạy học và nhiều việc khác vẫn làm được nếu không có triệu chứng gì cả”.
“Hoặc, nông dân ra đồng làm một mình có ảnh hưởng đến ai đâu. Đi cày với trâu mà trâu thì nguy cơ Covid-19 rất thấp”, ông Nga nêu ý kiến. Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng: “Bây giờ nhiều F0 đi lại tự do mà không ai biết, do đó, phải tuân thủ "5K". Nếu F1, F0 ngồi nhà thì không có nhân lực làm việc, lao động, sản xuất”. Với băn khoăn về việc “làm sao biết F0 đó không lây cho người khác?”, TS Huy Nga giải đáp rằng, “các F0 đi làm phải thực hiện nghiêm túc 5K”. Theo TS Huy Nga: “F0 không triệu chứng không phải là bệnh nhân, nhưng Bộ Y tế phải có quy định để ngăn ngừa lây nhiễm và các cá nhân phải thực hiện nghiêm các biện pháp ngừa lây nhiễm”.
Bệnh nhân 112 tuổi ở Thái Nguyên chiến thắng Covid-19 sau 10 ngày điều trị đặc biệt. Cụ Nguyễn Thị Đèo (112 tuổi, trú tại xã Thuận Thành, TP.Phổ Yên, Thái Nguyên) là bệnh nhân Covid-19 cao tuổi nhất được điều trị khỏi Covid-19 của tỉnh Thái Nguyên. Theo thông tin từ Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, ngày 18.2, cụ Đèo được gia đình đưa đến nhập viện cấp cứu và có kết quả xét nghiệm nhiễm SARS-CoV-2 với các triệu chứng rất nặng. Cụ Đèo chưa được tiêm vắc xin Covid-19, dự báo sẽ tiến triển nặng hơn, là thách thức cho các bác sĩ điều trị. Bác sĩ Đào Thanh Xuyên, Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, cho biết cụ Đèo là bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe cũng rất yếu nên đây là trường hợp rất đặc biệt, chưa từng gặp ở viện.
Sau khi nhập viện, cụ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng. Bệnh viện cắt cử kíp bác sĩ, điều dưỡng điều trị sát sao, theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe cụ Đèo từng khung giờ. Cũng theo bác sĩ Xuyên, điều khiến kíp y bác sĩ điều trị cho cụ Đèo rất bất ngờ là chỉ sau vài ngày, các triệu chứng Covid-19 thuyên giảm rõ rệt. Sức khỏe của cụ Đèo tốt lên từng ngày. Sau 10 ngày ở viện, cụ đã hoàn toàn tỉnh táo, không còn sốt, không còn bị ho khạc đờm, có thể tự ngồi dậy được mà không cần trợ giúp. “Người nhà cũng chia sẻ với chúng tôi 10 ngày ở viện da cụ còn hồng hào, người béo, khỏe hơn khi ở nhà khiến y, bác sĩ rất vui và hạnh phúc khi điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 nặng”, bác sĩ Xuyên nói.
Ngày 7.3: Cả nước 147.358 ca Covid-19, 36.993 ca khỏi | Hà Nội 32.317 ca | TP.HCM 2.120 ca |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, người dân chen lấn xin giấy xác nhận F0 ở Đà Nẵng. Ngày 7.3, PV Thanh Niên ghi nhận tại trạm y tế lưu động trên đường Âu Cơ (thuộc P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) có tình trạng chen lấn xin giấy xác nhận F0. Đa phần người xếp hàng xin giấy xác nhận F0 là công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Theo các công nhân, công ty quy định công nhân khi nghỉ việc điều trị Covid-19 phải được chứng minh bằng giấy xác nhận của trạm y tế địa phương. Ngoài ra, một số người xin giấy xác nhận F0 để làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Tại P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây là 2 địa phương tập trung đông công nhân làm việc tại các nhà máy, vì thế nhu cầu cần giấy xác nhận để nộp cho công ty rất lớn. Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại TP.Đà Nẵng liên tục tăng cao, có ngày lên đến 2.000 ca. Sau khi hoàn thành điều trị và cách ly F0 tại nhà, người dân tập trung đến trạm y tế lưu động xin giấy xác nhận F0 gây nên cảnh xếp hàng dài, chen lấn... Tình trạng này xuất hiện từ hôm thứ bảy 5.3, đến hôm nay 7.3 tái diễn.
Bình luận (0)