Thông tin tình hình Covid-19 được nhiều người quan tâm hôm nay, trưa 8.8, Trung tâm Báo chí TP.HCM phát đi thông báo khẳng định vụ 'bác sĩ rút máy thở của người nhà nhường cho sản phụ' là chuyện không có thật. Theo đó, sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, tối 7.8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định “nhường chiếc máy thở” của người nhà đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này".
Hẻm 196 Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM mỗi ngày có 5-6 người mất là tin sai sự thật. Sáng 8.8, mạng xã hội lan truyền thông tin cầu cứu đến Bộ Y tế, nội dung “Hẻm 196 Tôn Thất Thuyết (P.3, Q.4, TP.HCM) là ổ dịch. Mỗi ngày có 5 - 6 người mất… Người dân nhờ đến phường 1 tuần nay nhưng chẳng thấy ai xuống cả! Thật đau thương”. Lãnh đạo UBND Q.4 cho biết, hẻm 196 Tôn Thất Thuyết có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 11.7. Đến ngày 31.7, có 48 ca F0. Hiện đang điều trị tại bệnh viện 1 ca, đang cách ly tại nhà 3 ca, đã khỏi bệnh 39 ca. "Hẻm 196 đến nay có 5 người mất. Trong đó, mất do Covid-19 là 3 người, mất do tuổi già là 2 người”, một lãnh đạo Q.4 thông tin và cho hay, sáng nay công an phường đã phối hợp với Công an Q.4 mời đối tượng đưa thông tin sai sự thật lên làm việc, để xử lý theo quy định pháp luật.
Thực hiện theo dõi tại nhà ca F0 không triệu chứng. Theo Công điện của Bộ Y tế, các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp: đối với trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT từ 30 trở lên) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú. Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) nhưng không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT bằng hoặc thấp hơn 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế, mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.
TP.HCM khánh thành 3 trung tâm hồi sức. Chiều tối 7.8, UBND TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức khánh thành 3 trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 ở Q.7 (BV Bạch Mai đảm trách, 500 giường); Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 13 tại H.Bình Chánh (BV Việt - Đức đảm trách, 500 giường); Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 14 Q.Tân Phú (BV T.Ư Huế đảm trách, 500 giường). Như vậy, Bộ Y tế đã phân công các BV trực thuộc thành lập 3.000 giường điều trị Covid-19 tầng 5 - tầng dành cho BN nặng (kể cả BV Hồi sức Covid-19 1.000 giường tại Cơ sở 2 BV Ung bướu TP.HCM, TP.Thủ Đức; 250 giường tại BV Quốc tế City do BV Đại học Y Dược TP.HCM đảm trách, và tại BV Chợ Rẫy 300 giường). Ngoài ra, TP.HCM còn có 200 giường hồi sức tầng 5 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Q.5) và 200 giường tại BV Quân y 175 (Q.Gò Vấp).
Vĩnh Long có hơn 25% số ca mắc đã được điều trị khỏi bệnh. Sáng 8.8, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, trong ngày hôm qua (7.8), tỉnh này có thêm thêm 50 người mắc Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 332 ca, chiếm hơn 25% tổng số ca mắc hiện tại. Đến nay, Vĩnh Long có 1.312 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố và 17 trường hợp đang chờ công bố. Tỉnh đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 97.397 người, trong đó có 15.481 người đã được tiêm đủ liều.
Tiền Giang thúc các địa phương tăng tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 gấp 20 lần/ngày. Ngày 8.8, ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, ban hành công văn đôn đốc các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 lên 15 - 20 lần/ngày so với số lượng người được tiêm hiện tại chỉ khoảng 5.000 người/ngày. Dự kiến đến cuối năm 2021, Tiền Giang sẽ được Bộ Y tế phân bổ hơn 2,5 triệu liều vắc xin Covid-19 các loại. Qua đó, tỉnh phải tổ chức chiến dịch tiêm từ 20.000 đến 30.000 liều mỗi ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật) mới đáp ứng kịp thời gian cho số vắc xin được phân bổ (khoảng 4 - 5 tháng).
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Đà Nẵng xử lý nghiêm hành vi ký, cấp khống giấy đi đường và người sử dụng đối phó các chốt kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội. Theo Công an TP.Đà Nẵng, từ đêm 31.7 đến hết ngày 7.8, Công an TP triển khai 1.600 cán bộ chiến sĩ, lập 384 chốt, 118 tổ tuần tra kiểm soát, kiểm tra 210.000 lượt người, phát hiện hơn 4.600 vụ/hơn 5.500 người vi phạm phòng chống dịch Covid-19, ra đường không cần thiết trong thời gian giãn cách xã hội. Các chốt kiểm soát tịch thu hơn 1.500 giấy đi đường ký, cấp khống giấy đi đường, sai mục đích, đối tượng... Đối với tổ chức, doanh nghiệp ký, cấp khống giấy đi đường, có thể xử lý theo hành vi làm giả giấy tờ, xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa hoạt động doanh nghiệp vi phạm. Người sử dụng giấy đi đường này bị áp dụng kịch khung xử phạt hành chính.
Bình luận (0)