'Tình hình thế giới khó lường, song quan hệ Việt Nam - Campuchia không thay đổi'

Mai Hà
Mai Hà
09/11/2022 05:44 GMT+7

Chiều tối 8.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đã tham dự Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia .

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, “cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông”, dù tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới cả 2 nước, song vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại.

“Nhiều dự án của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế xã hội Campuchia trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn ngân sách nhà nước Campuchia. Các DN cũng đã tham gia tài trợ cộng đồng gần 100 triệu USD”, Thủ tướng cho hay.

Campuchia đứng thứ 2 trong các nước Việt Nam đầu tư, với tổng vốn 2,93 tỉ USD. Trong khi đó, hiện Campuchia đã có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 70,12 triệu USD. Hoạt động thương mại đạt nhiều kết quả ấn tượng, Việt Nam là một trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu, đặc biệt xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua. Thủ tướng cũng đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực thông qua việc ban hành luật Đầu tư mới và luật Đặc khu kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ Campuchia đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số DN Việt Nam thời gian qua.

Hai Thủ tướng tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia

Nhật Bắc

Trong giai đoạn phát triển mới, tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động tới hoạt động DN của 2 nước. Theo Thủ tướng, các DN cần đổi mới tư duy, biến nguy cơ thành cơ. “Thủ tướng Hun Sen rất say sưa cổ vũ tích cực cho kết nối kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, hiện đang thúc đẩy phát triển hạ tầng 3 nước. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Hun Sen cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục kết nối các tuyến giao thông liên quan cao tốc, bến cảng, hàng không. Việt Nam cũng xác định phát triển hành lang kinh tế đông - tây, như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, TP.HCM - Tây Ninh, kết nối hành lang kinh tế, giảm chi phí logistics và tăng lượng hàng hóa 2 bên Việt Nam - Campuchia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho biết thêm: Với DN Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen cũng gợi ý với người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia, nên tạo điều kiện cho họ tham gia vào hoạt động kinh tế, tạo sinh kế, hoạt động đúng pháp luật.

Phát biểu đáp lời, Thủ tướng Hun Sen cho biết, lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia đứng thứ 2, tăng gấp 3 lần so với 2021; có nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia, nhất là nông nghiệp và viễn thông. “Tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng mối quan hệ hai nước không bao giờ thay đổi. Đại dịch Covid-19 cũng tạo cho chúng ta cơ hội mới, kinh tế hai nước đã bổ trợ lẫn nhau”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Campuchia cũng bày tỏ mong muốn liên kết chuỗi sản xuất ô tô và điện tử, kỳ vọng sẽ nhận được các dự án đầu tư để tham gia chuỗi sản xuất, trong đó có sản xuất điện tử tại Việt Nam. Hy vọng sẽ thúc đẩy các dự án đường cao tốc kết nối giữa 2 nước để tăng cường giao lưu hàng hóa.

Campuchia và Việt Nam với tư cách là thành viên RCEP, cần tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau thực hiện hiệp định này để tối đa hóa lợi ích. Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi các DN, doanh nhân Việt Nam hãy sang tìm hiểu thêm về tiềm năng, cơ hội đầu tư thương mại tại đây. Thủ tướng Hun Sen cam kết với các DN về môi trường đầu tư thuận lợi về hòa bình, an ninh, minh bạch.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch CLB DN Việt Nam tại Campuchia, cho biết các DN Việt Nam đầu tư tại Campuchia không ngừng phát triển và mang tính dẫn dắt với tiềm năng rất lớn. Trong giai đoạn khó khăn nhất, 5 ngân hàng Việt Nam tại Campuchia cũng đã chia sẻ khó khăn về vốn, giúp các DN phát triển, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đóng góp an sinh xã hội tại Campuchia, chuyển lợi nhuận về Việt Nam theo đúng quy định.

“Đề nghị với Chính phủ Campuchia tiếp tục ban hành các chính sách rõ ràng về thuế, hải quan, nhập khẩu giúp các DN thực hiện đúng. Về phía Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư vào Campuchia, đặc biệt các ngành có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác 2 nước. Có sự phối hợp, trao đổi giữa Chính phủ 2 nước để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phát triển...”, ông Nguyễn Thanh Dũng nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.