Tình huống hiếm gặp trong vụ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ đồng

03/02/2023 17:52 GMT+7

Cựu thiếu tướng Phạm Kim Hậu tự làm đơn khai báo về hành vi tham nhũng của bản thân và một số thủ trưởng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Như Thanh Niên đưa tin, Viện Kiểm sát quân sự T.Ư vừa ban hành cáo trạng vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển. 7 bị can cùng bị truy tố theo khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất đến tử hình.

Trong số này có các ông Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh), Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh).

Tình huống hiếm gặp trong vụ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ - Ảnh 1.

Ông Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BTL Cảnh sát biển

CẢNH SÁT BIỂN

Theo cáo buộc, năm 2019, ông Sơn khởi xướng rồi bàn bạc, thống nhất với 4 thủ trưởng BTL Cảnh sát biển về việc "rút ruột" từ ngân sách. 5 bị can đã tham ô tổng cộng 50 tỉ đồng, chia đều mỗi người 10 tỉ đồng.

Đáng chú ý, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cựu thiếu tướng Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh về tiêu cực của bản thân và một số thủ tưởng BTL Cảnh sát biển. Từ đó, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc xác minh. Đến năm 2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án, khởi tố các bị can.

Tình huống của ông Hậu có nét tương đồng với một số cá nhân trong các vụ án bị xử lý thời gian qua. Điển hình như vụ hàng loạt cán bộ cảnh sát biển "bảo kê" đường dây xăng lậu của "ông trùm" Phan Thanh Hữu, hay vụ cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) Nguyễn Minh Quân chi hàng triệu USD để "chạy án".

Ở 2 vụ án trên, ông Hữu và ông Quân đều có đủ dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhưng vì chủ động khai báo trước khi bị phát hiện nên được miễn trách nhiệm hình sự. Cơ quan tố tụng chỉ xử lý với nhóm môi giới và nhận hối lộ.

Tình tiết bất ngờ vụ 5 cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển tham ô 50 tỉ đồng

Trở lại vụ "rút ruột" 50 tỉ đồng, cựu thiếu tướng Phạm Kim Hậu cũng tự khai báo về sai phạm của bản thân và người khác, nhưng điểm khác là vẫn bị khởi tố, truy tố tội tham ô tài sản.

Vì sao có sự khác biệt như vậy? Pháp luật hiện nay quy định ra sao về việc miễn trách nhiệm hình sự?

Vụ án tham ô đặc biệt nghiêm trọng

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó. Đây là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.

Tình huống hiếm gặp trong vụ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh BTL Cảnh sát biển

GIA HÂN

Theo quy định bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà họ không còn nguy hiểm cho xã hội; hoặc mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Một trường hợp nữa là trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Ngoài quy định mang tính bao quát, bộ luật Hình sự năm 2015 cũng liệt kê một số tội phạm có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi chủ động khai báo trước khi bị phát giác, như: đưa hối lộ, mối giới hối lộ, không tố giác tội phạm.

Đối chiếu vụ án xảy ra tại BTL Cảnh sát biển, cựu thiếu tướng Phạm Kim Hậu đã làm đơn tự khai báo về hành vi của bản thân và một số thủ trưởng BTL. Đây có thể xem là dấu hiệu của việc tự thú.

Tuy nhiên, để được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, ngoài việc tự thú, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với xã hội.

Cáo trạng xác định, đây là vụ án tham ô tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, có thể sau khi xem xét, Viện Kiểm sát quân sự T.Ư thấy không đủ căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự nên vẫn quyết định truy tố bị can này.

Dù vậy, theo Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, người phạm tội tham ô tài sản nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bị truy tố, xét xử.  

Người phạm tội có thể được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng, đặc biệt là miễn hình phạt (vẫn bị truy tố, xét xử) nếu có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015 và chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt.

"Các nhận định trên chỉ mang tính tương đối, kết quả cuối cùng vẫn phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án", luật sư Tâm nói.

Xem nhanh 20h ngày 3.2: Tỉ phú Bùi Thành Nhơn lại dẫn dắt Novaland | Khởi tố thêm giám đốc đăng kiểm

Cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự T.Ư xác định, ông Hậu cùng bàn bạc, thống nhất với cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn và các Thủ trưởng BTL trong việc "rút ruột" 50 tỉ đồng từ ngân sách. Ông Hậu đã nhận 10 tỉ đồng từ ông Sơn.

Ông Hậu được ghi nhận quá trình công tác có nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng, nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm v khoản 1, khoản 2, điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Hậu cũng tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 và điểm s khoản 1, điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.