Tính kế hút 'đại gia' Trung Đông tới Việt Nam

12/12/2022 10:08 GMT+7

Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh từ khu vực Trung Đông (GCC) là thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam do người dân khu vực có sở thích đi du lịch nước ngoài, cư trú dài ngày, có mức chi tiêu cao.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đưa tin, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa có buổi làm việc Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Đông.

Việt Nam có những thành phố xinh đẹp, người dân thân thiện, đồ ăn ngon, hấp dẫn, môi trường an toàn, cơ sở lưu trú với mức chi phí phù hợp. Người Ấn Độ, Trung Đông rất thích những điều này

NGỌC DƯƠNG

"Khách sộp" chưa được khai thác

Dân số đông, thu nhập cao, sẵn sàng chi mạnh tay cho những chuyến du lịch đẳng cấp dài ngày…, các nước thị trường Trung Đông đang là “khách sộp” mà ngành du lịch Việt Nam hướng tới. Việt Nam và các quốc gia GCC được đánh giá có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về du lịch. Tuy nhiên, kết quả hợp tác du lịch giữa hai bên thời gian qua còn khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng của mỗi bên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp để phục hồi ngành du lịch và thu hút khách quốc tế, Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị quốc tế “Hợp tác du lịch Việt Nam - GCC: Tiềm năng và Triển vọng”.

Theo đó, hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 15.12 tại Hà Nội kết hợp hình thức trực tuyến. Hội nghị được tổ chức với mục đích tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách GCC tại Việt Nam.

Đồng thời, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành hai bên và với các địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các đối tác ở Đông Nam Á, Nam Á trong việc xây dựng chương trình du lịch dành cho du khách GCC.

Đẩy mạnh xúc tiến du lịch vùng Vịnh

Ông Bùi Hà Nam - Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi cho biết, sau 2 năm dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm nay, Bộ Ngoại giao quyết tâm tổ chức sự kiện lớn về xúc tiến du lịch vùng Vịnh ở quy mô cấp bộ, ngành nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ VH-TT-DL tham gia, đồng chủ trì hội nghị. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL hỗ trợ kêu gọi các cơ quan quản lý trong nước, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không… tham gia hội nghị và đóng góp ý kiến về giải pháp thu hút thị trường khách các nước GCC vào Việt Nam, quảng bá du lịch trong nước, cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Đồng tình với kế hoạch tổ chức hội nghị của Bộ Ngoại giao, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam và các nước GCC cùng nhau hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch đến đông đảo người dân, du khách. Các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch cũng đã có những dự định mở rộng thị trường, mở thêm đường bay đến các nước Trung Đông.

Về nội dung, ông Hà Văn Siêu đề nghị làm rõ những vấn đề trọng tâm mà hội nghị cần tập trung thảo luận, thu hút ý kiến trao đổi của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần làm nổi bật sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với thị trường Trung Đông nhằm thu hút sự quan tâm của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và nhà đầu tư.

Đồng thời, nêu rõ được vai trò của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL cũng như chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy trao đổi khách giữa hai bên bằng các chính sách cụ thể.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch cũng cần giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ du lịch để đáp ứng thị trường khách Trung Đông. Ngoài ra cần nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất để được các cơ quan quản lý hỗ trợ, giúp tháo gỡ khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.