Tình người trong lũ dữ

05/08/2020 08:00 GMT+7

Lũ mỗi năm lại ào ạt kéo nhau về vài đợt như để gột rửa hết cái hanh hao, gắt gỏng của những ngày hè oi ả.

Khúc ruột miền Trung được người ta thương cũng bởi thời tiết khắc nghiệt, lắm nắng nhiều mưa và thiên tai vô số như thế đó.
Là một người con của mảnh đất cố đô, tôi cũng như bao người đều in hằn ký ức về mùa lũ. Nước lênh láng. Dòng nước đục ngầu, vàng khè cuộn chảy bồi đắp phù sa cho nương rẫy. Nhưng cũng chính dòng nước ấy bao lần đẩy người dân lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn.
Trong dòng ký ức lũ lụt kinh hoàng suốt một thời tuổi thơ ấy, tôi vẫn thường giật mình trong cơn mộng mị bị nhấn chìm bởi dòng nước lạnh lẽo. Cơn lũ lịch sử năm 1999 vẫn mãi là khoảng ký ức đáng sợ.
Năm ấy, tôi tuổi mười bốn và em trai lên chín. Hai chị em ở nhà hí hửng chơi đùa với con nước trước sân nhà. Hết lúi húi vớt củi rìu lại nhặt rác tấp vào sân ném ra xa. Cái tuổi con nít ham vui có để ý gì đâu đến mực nước đang dâng cao dần với tốc độ chóng mặt.
Xế trưa, nước tràn vào nhà. Hai chị em bì bõm lội nước dọn đồ đạc chất lên cao. Ba tôi đang bận đi bốc vác xi măng từ sáng sớm ở cửa tiệm làng bên. Mẹ tôi lúc nãy đã hối hả sang nhà bà con kê giúp những bao tải đựng nguyên liệu làm hương lên cao.
Thoáng tí, nước lấp ló mép giường. Mấy cái ghế con được bê lên trên vạt giường. Hai đứa trẻ con ngồi chồm hổm nhìn dòng nước vàng khè và bắt đầu rơm rớm. Trẻ nhà nghèo mà, chả có tầng gác lửng để trú. Mái tôn thấp lè tè trên đầu cũng chẳng thể níu, với…

Khúc ruột miền Trung được người ta thương cũng bởi thời tiết khắc nghiệt

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Nước lớn nhanh, ngập ghế. Hai chị em sợ hãi bàn nhau trèo lên nóc tủ. Đang cố gắng kéo giường, bắc ghế trong nỗi lo bấn loạn thì ba tôi về, bì bõm lội trong nước ngập quá thắt lưng.
Ba tôi lấy kềm bẻ thép, đục thủng tấm tôn sau nhà thành một lỗ hổng vừa đủ từng người lách ra. Cửa trước đã được khóa lại, cột thép cứng ngắc. Vài vòng thép cuộn quanh tủ quần áo, tủ chén bát trong tích tắc.
Ba cha con lách người ra ngoài, men theo bờ tường lội vào xóm trong. Em bám cổ ba đằng trước, tôi ôm vai ba đằng sau. Nước ngập đến cổ ba. Chị em tôi hụt chân, càng bám víu chặt hơn, đôi chân huơ huơ vô vọng trong nước.
Vật lộn với dòng chảy một hồi lâu, hai chị em được ba tôi đưa vào bên trong cảnh cổng sắt của nhà bà Hước - ngôi nhà hai tầng cao lớn, vững chắc duy nhất trong xóm nhỏ. Rồi ba mải mướt quay về đường cũ, đẩy từng cái thau lớn chở hai đứa trẻ con và dìu hai người phụ nữ một già, một trẻ bên hàng xóm.
Ba căn phòng ở tầng hai đã chật ních người đến trú ẩn. Người ta chạy lũ từ sớm, xôn xao và ít nhiều dự trữ được thức ăn, áo quần. Còn chị em tôi cứ mãi đứng co ro vì lạnh, vì đói. Không kịp đem theo bao áo quần khô. Chẳng kịp xách theo bọc mì tôm mẹ tôi mua hôm trước phòng lũ.
Như hai con chuột ướt lướt thướt, chúng tôi mò mẫm bước lên từng bậc thang. Bơ vơ. Vô vọng… Bỗng tiếng nói trầm ấm của bà Trai vang lên: “Hai đứa vô đây. Lấy áo quần của mấy anh chị mà mặc…”. Giọng nói ấm áp ấy vẫn văng vẳng bên tai tôi trong mỗi giấc mơ. Nó sưởi ấm trái tim của hai đứa trẻ nhà nghèo vốn nhiều mặc cảm.
Áo quần mặc nính của người ta rộng thùng thình nhưng ấm áp đến lạ. Ba tôi quay trở lại, ba căn phòng chật ních người hơn trước. Gạo, củi, dầu ăn, mì tôm, bánh trái… mọi người bới xách đều đem ra dùng chung. Mấy bữa đầu mọi người ăn cơm với cá khô, rồi cơm với muối và mấy bữa sau chuyển sang ăn cháo lỏng.
Nước vẫn ngập lênh láng khắp nơi, chưa hề có dấu hiệu sẽ rút đi. Căn nhà như một ốc đảo giữa biển nước. Thực phẩm dự trữ ngày càng cạn dần. Mọi người bắt đầu lo lắng. Rồi gạo, củi, dầu cũng hết. Chúng tôi chuyển sang mì tôm khô. Từng gói mì quý giá được bóc vỏ, bẻ ra chia nhau từng miếng cầm hơi. Giữa lằn ranh sống chết ấy, một chút xíu mì tôm khô khốc ấy mới giá trị biết bao. Gia đình “vô sản” chúng tôi đã được cưu mang từ tấm áo đến từng miếng ăn và được chia đến tận những miếng mì tôm cuối cùng.
Rồi lũ rút, chúng tôi lục đục kéo nhau về dọn dẹp bãi chiến trường. Mẹ tôi trú được nhà gần đó cũng đói nheo nhắt suốt mấy hôm, may là bình an vô sự. Trên gương mặt mỗi người đều hằn in dấu vết hoảng loạn, bất an trước diễn biến khó lường của thiên tai. Nhưng cũng từ dạo ấy tôi cảm nhận hơi ấm của tình người. Những khái niệm trừu tượng như “nghĩa làng xóm”, “tình đồng loại”, “sự tử tế”, “lòng sẻ chia”… vụt biến hữu hình và nâng đỡ tuổi thơ tôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.