Hồi còn sống, mỗi lần ăn rau đắng đất bà nội tôi vẫn hay nói vui rằng: Kiến họ tía tôi sở dĩ đông đúc quần tụ, con cháu đầy đàn, ai nấy đều được an cư lạc nghiệp ít phải long đong ấy là nhờ ông sơ tôi, vốn xuất thân là dân xiêu tán, ngoài ruộng đất mênh mông từ hồi lao khổ khẩn hoang lập ấp, đã để lại một bí quyết “gia truyền” gìn giữ gia đình chính là vị thuốc quý mà theo Đông y có công dụng nhuận gan, “hạ hỏa” này.
Cháo lá lóc rau đắng |
tgcc |
Tía kể, ông nội tôi ngày trước bị cườm. Ở cái thời đói nghèo, y tế còn nhiều hạn chế không điều trị được, ông mù lòa khi chưa đến 40. Bất lực bởi sự ăn không ngồi rồi ở tuổi đời sức vóc sung mãn nhất của người đàn ông, ông nội đâm ra thay tính đổi nết, dễ đay nghiến hằn học, thường xuyên “bốc hỏa”.
Mỗi lần ông nội “khó ở”, bà nội lại cắp rổ ra sau hè tìm hái cho được một nắm rau đắng đất mang về nấu canh. “Ăn cho mát”. Bà nhẹ hều vậy. Đắng như ký ninh mà sao ăn riết nội đâm ghiền. Không dưng mà ca dao Nam bộ có câu: “Rau đắng nấu với cá trê/Ai đi lục tỉnh thì mê quên về”.
Canh rau đắng. Tía tôi cũng mê món này vô cùng. Mà phải chính hiệu rau đắng đất, loài thân thảo mọc bò sát đất, cành mảnh, lá thuôn có hình mũi mác đặc biệt chỉ mọc vào tháng hạn sau một mùa đất đai bị nung khô nứt nẻ, phân biệt với rau đắng biển thân lá cành tròn mọng nước giống với rau sam chịu đất thấp nhão nước xâm xấp tươi tốt quanh năm nhưng ai không ăn quen thì rất dễ bị chột bụng.
Nhớ cái hồi má mới về với tía, nhà nghèo chợ xa. Mùa nổi nước ngập tứ bề, mùa hạn khô cháy. Rau đồng cá nước được gì ăn nấy, tía chạy đói đi mần mướn nên tập tàng hũn hĩn mình má lặn lội quơ quào. Cây rau đắng trở thành món rau ăn thường xuyên vì dễ kiếm mà còn có vị thuốc.
Ngay sau hè nhà có một cái đìa cạn hình lòng chảo, là cái hầm ngày trước bà nội đào để nuôi quân, mùa hạn năm nào cũng khô nẻ đáy. Từ chỗ nẻ, khoảng giữa tháng 11 trở đi, rau đắng đất lún phún mọc lên, chỉ cần đón những cơn gió le se mang hơi lạnh là trổ giò non nhớt, nhiều vô thiên lủng.
Cây rau đắng đất, má tôi biểu, vừa xấu mặt lại vừa kỳ khôi. Tự nhiên sinh sôi nảy nở gì mà giữa ruộng cháy đồng khô, rễ nông không bén đất nhưng có một đặc tính: Hễ bứng ra chỗ khác trồng là héo chết. Đỏng đảnh thì không phải, bởi dù thân mềm yếu, rau đắng đất có sức sống tiềm tàng bất chấp mọi địa hình hay thời tiết khắc nghiệt đến đâu. Từ kẹt lu kẹt kiệu, xác đìa, ruộng khô đến chen chúc cùng cây khác...
Và canh rau đắng cá đồng là 2 món ăn đặc trưng và ngon nhất được chế biến từ rau đắng đất của người miền Tây |
tgcc |
Má nói, cái tính của rau đắng đất in hệt tía. Mà đó cũng chính là cái tính trời cho của người miền Tây quê tôi: Ưa phóng khoáng, thích tự tại, không chịu bị bó vào một khuôn khổ nào. Tàn hơi thì rau già gửi hạt, đi xa. Chờ khi chân ruộng chớm khô, khí trời mát mẻ, đất ấm dần lên thì mớ hạt ngủ quên sẽ tự thức dậy nẩy mầm, bắt đầu một đời sống mới.
Biết tía ưa rau đắng, những ngày khô hanh nóng bức má hay ra vườn hái về nấu ăn. Nhà nghèo thiếu trước hụt sau, sự vun vén của má là cố gắng chăm chút, nấu nướng khéo tay để tăng thêm chút “sành điệu” cho cái món ăn đồng nội dân dã. Rau đắng đem nấu canh đợi khi nào tắt lửa má mới bỏ vô nồi nước có cá vừa chín ngọt đã nêm gia vị vừa ăn. Vì khi chín rục rau dai mất ngon mà còn tăng thêm độ đắng.
Những buổi chiều hôm gió lạnh về má nấu cháo cá lóc ăn kèm rau đắng đất để đa dạng hóa cách ăn thứ rau dại nhà quê. Dường như sự kết hợp ấy khiến vị đắng của rau giảm đi. Có mấy lần tía rủ chị em chúng tôi ăn, chỉ nhận về cái lắc đầu nguầy nguậy vì đứa nào cũng sợ đắng. Tía cười bao dung biểu: “Tiền đắng hậu ngọt, từ từ con sẽ thấy ngon!”.
Sau này lớn lên, đi đủ xa, trải ít nhiều thăng trầm tôi mới hiểu phải gắn bó với quê nhà đến thế nào mới nhớ rau đắng đất và ăn mới biết ngon. Cái thứ rau có cuộc đời kỳ lạ ấy là món ăn vốn không dành cho những vội vàng.
Cách chế biến món cháo cá lóc rau đắng, tùy nơi, cũng không quá đến nỗi cầu kỳ. Như cách của má tôi, cá lóc cứ lựa trọng cải làm sạch phi lên cho thơm rồi đổ nước vào, đợi sôi thì cho gạo đã vo vô nấu cháo. Chừng cá chín thì vớt ra gạn xương, trong khi cháo được nêm nếm, thêm một chút hành tiêu, nhấc xuống khi cháo nở đều.
Gạo thơm, cá ngọt, cháo nóng, tiêu cay, rau đắng mà hậu vị ngòn ngọt tổng hòa thành một dư vị không thể nào quên. Dần dà, cái dư vị kỳ lạ ấy thấm đẫm vào miền ký ức, trở thành nỗi nhớ của biết bao người con miền Tây xa quê. Để rồi thời gian qua đi, nỗi nhớ quê có khi chính là nỗi nhớ một món ăn ở cái thời nghèo khó mà chỉ cần nhắc lại là lòng chợt dâng lên một nỗi niềm rưng rức.
“Tiền đắng nhưng hậu ngọt”. Tin vào một chút hậu vị của món rau đồng cỏ nội mà ông bà nội tôi, tía má tôi đã cùng nhau vượt qua hết thảy những ngày cơ cực, bão giông. Hơn cả một món ăn, với tía, đó chừng như là sợi dây niềm tin vào ngày mai rồi sẽ tốt đẹp hơn. Niềm tin đó trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ đã giúp chúng tôi vượt qua hết hiện tại vất vả khó khăn, những trở ngại ngăn sông cách đò, đói no, bệnh tật, mất mùa, nông sản rớt giá, bão lụt, hạn mặn...
***
Chị em tôi lớn lên, trưởng thành trong nỗ lực hết mình của tía má. Như con chim giờ đã đủ lông đủ cánh, chúng tôi bay đi, cần mẫn tha rơm về xây lại tổ ấm khang trang hơn. Những ngày cơ cực giờ đã lùi xa, bữa cơm gia đình đã nhiều món ngon dinh dưỡng hơn nhưng đến mùa nắng hạn là tía lại đòi rau đắng đất như một thói quen khó bỏ.
Có lần thấy tía cọc cạch chiếc cúp đi chợ sớm chỉ để tìm mua một mớ rau đắng cuối mùa khi sau hè giờ đã khuất bóng thứ rau quê. Lên bữa cơm, tía má gắp từng chút nhẩn nha, sợ hết rồi mãi mùa sau mới gặp lại.
Ăn đắng mà cười, mà thưởng thức. Phải khôn lớn lên nhiều tôi mới hiểu vì sao tía má mình trải qua hàng bao cơ cực khổ nghèo mà vẫn bền thương. Cũng như bà nội tôi, cả đời nhịn nhường, chịu trăm đắng ngàn cay vẫn gắn bó với bạn đời bởi còn nặng một câu: hết tình còn nghĩa.
Sợi dây ràng rịt cứ vậy mà nối dài...
Bình luận (0)